Dù chưa đồng tình với đánh giá, xếp hạng của trang mạng Sleepinginairports, nhưng ngành Hàng không Việt Nam cần đoạn tuyệt với những lời xin lỗi vốn đã là thói quen, đồng thời phải hoàn thiện thêm hạ tầng kỹ thuật - xã hội, chấm dứt việc chậm và hủy chuyến bay, thay đổi cơ chế phục vụ từ “xin - cho” sang tư duy kinh doanh “khách hàng là thương hiệu”.
Theo danh sách xếp hạng mà trang mạng Sleepinginairports đưa ra, trong tổng số 10 sân bay châu Á tệ nhất thì Sân bay quốc tế Nội Bài đứng ở vị trí thứ 5 và Sân bay Tân Sơn Nhất xếp thứ 8.
Những tiêu chí đánh giá xếp hạng của trang mạng Sleepinginairports này là vệ sinh kém, bố trí không thuận tiện cho hành khách và thiếu tiện nghi của các trang thiết bị; thủ tục giải quyết chậm trễ dẫn đến tình trạng hành khách phải xếp hàng dài; nhân viên hải quan tìm cách chèo kéo và việc bố trí quá ít điều hòa không khí với những nước vùng nhiệt đới...
Có thể trang mạng Sleepinginairports thiếu thông tin, thiếu thiện chí, không khách quan khi xếp hạng Sân bay Nội Bài và Sân bay Tân Sơn Nhất. Có thể trang mạng Sleepinginairports có những toan tính cho cuộc cạnh tranh về hàng không!
Ngành Hàng không cần không ngừng đổi mới để phát triển |
Tất cả đều phải nghi hoặc vào đánh giá, xếp hạng của trang mạng Sleepinginairports, bởi để chứng minh sự thật Hàng không Việt Nam “tốt hay tệ” đến đâu cần có thời gian, cần có sự kiểm tra, phản biện của cơ quan có trách nhiệm và những người thường xuyên sử dụng dịch vụ hàng không. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, ngành Hàng không nên tự “soi mình”, thay vì chỉ đi thanh minh cho mình...
Không bình luận vấn đề đúng - sai mà trang mạng Sleepinginairports đưa tin, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã “tự soi” cho ngành Hàng không: “Tôi không quan tâm đó là trang mạng của tổ chức cá nhân nào, cái mà tôi quan tâm đó là phản ánh của hành khách. Họ đi máy bay, đến sân bay và sử dụng dịch vụ tại sân bay nên đánh giá của họ là khách quan. Rõ ràng hạ tầng và dịch vụ hàng không ở Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất hiện nay là kém. Cảng Hàng không, sân bay là của ngành Giao thông Vận tải và ngành phải có trách nhiệm chứ không thể đổ lỗi vì có nhiều ngành, nhiều lực lượng làm việc tại sân bay. Anh bị đánh giá là tệ bởi vì anh làm chưa tốt, vậy thôi!”.
Công tâm mà xét, sân bay ở Việt Nam còn nhiều hạn chế và cần khắc phục, đặc biệt là khi so sánh với sân bay ở Singapore, Thái Lan hay Hồng Kông (Trung Quốc)…, nhưng những năm gần đây, Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã được cải thiện rất nhiều từ hạ tầng, trang thiết bị đến chất lượng dịch vụ. Nhà ga T1 của Sân bay Tân Sơn Nhất đã sửa chữa, nâng cấp hạ tầng khá tốt, mở rộng khu vực phòng chờ và ghế ngồi cho hành khách, khu vực vệ sinh cũng đảm bảo sạch sẽ và tiện lợi. Nhà ga T2 sân bay Nội Bài được hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2014 sẽ có một diện mạo khác hoàn toàn...
Sân bay và thị trường hàng không luôn là vấn đề hệ trọng, là thách thức lớn đối với mọi quốc gia khi đặt nhiệm vụ bảo đảm an toàn, an ninh... và chất lượng dịch vụ lên hàng đầu. Hội nhập quốc tế không nhất thiết các nước có gì mình có nấy, cùng cạnh tranh lành mạnh, cùng chia sẻ lợi ích.
.