(Congannghean.vn)-Từ khi Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (Nghi Lộc) với kinh phí hàng trăm tỉ đồng đi vào hoạt động từ năm 2011, đến nay đã giải quyết phần nào lượng rác thải ở TP Vinh, TX Cửa Lò và các vùng phụ cận. Tuy nhiên, với lượng rác thải sinh hoạt xả ra môi trường mỗi ngày khoảng trên 300 tấn như hiện nay thì tình trạng “quá tải” bãi rác thải tại Nghi Yên đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.
Bãi rác “khủng” nằm bất động
Theo tìm hiểu, tại xã Hưng Đông, TP Vinh đang tồn tại một bãi rác “khủng” tồn dư từ hàng chục năm trước. Khi chưa có Khu liên hợp xử lý rác thải Nghi Yên, hàng trăm tấn rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP Vinh và các vùng phụ cận được đưa về đây “tập kết” rồi xử lý. Với diện tích quá nhỏ (khoảng 6 ha) so với lượng rác thải xả ra hàng ngày, gần khu dân cư nên bãi rác này qua nhiều năm quá tải, đã bị đóng cửa vào năm 2011. Tuy nhiên, điều mà người dân sống xung quanh bãi rác đang hết sức bất an, đó là đã hơn 3 năm trôi qua, kể từ ngày có lệnh đóng cửa đến nay, cả trăm nghìn tấn rác vẫn đang nằm “bất động” tại khu vực này. Trong khi đó, một đơn vị có trách nhiệm xử lý rác tại đây lại bị dừng hoạt động đã gần 1 năm. Thêm nữa, nếu theo lộ trình, sau khi Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên đi vào hoạt động ổn định sẽ dần dần chuyển số rác tại bãi rác ra ngoài Khu liên hợp để xử lý. Nhưng cho đến nay mọi cái vẫn đang nằm trong... kế hoạch?!.
Có mặt tại đây vào những ngày cuối tháng 8/2014, theo quan sát của chúng tôi, từ xa đã hiện lên một núi rác khổng lồ đang án ngữ trên vùng đất rộng tại khu vực giáp ranh giữa xã Hưng Đông và xã Nghi Kim, TP Vinh. Trong cái nắng gắt giông chuyển mùa, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, oi bức khiến không khí hết sức ngột ngạt. Ruồi, nhặng cùng vô số côn trùng nhung nhúc khắp nơi khiến môi trường sống ở đây bị ô nhiễm nặng. Khó có thể tiến lại gần bãi rác vì mùi hôi thối nồng nặc bốc lên với bán kính hàng trăm mét.
Bãi rác Hưng Đông vẫn chưa được di chuyển dù đã đóng cửa 3 năm nay |
Xung quanh bãi rác là những mương nước đen ngòm bốc mùi xù uế, khu vực không có mương bê tông, nước rác chảy lênh láng ngấm vào lòng đất. Chất bẩn chảy âm ỉ ra xung quanh không chỉ tác động tới đời sống sinh hoạt của người dân mà ngay cả việc sản xuất rau màu cũng bị ảnh hưởng. “Dù bãi rác đã đóng cửa hơn 3 năm nay nhưng vẫn ô nhiễm lắm. Nghe có chủ trương là di chuyển toàn bộ rác thải ra nơi khác nhưng đến nay vẫn nằm đó. Mùa mưa, nước bẩn từ bãi rác chảy vào cả ruộng vườn của người dân. Mùa nắng thì mùi hôi thối kéo theo ruồi, nhặng khiến chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên” - một người dân sinh sống ở gần bãi rác Hưng Đông cho biết. Cũng theo người dân ở đây phản ánh, đã nhiều lần họp tiếp xúc cử tri đề nghị di chuyển rác thải tồn đọng đi nơi khác nhưng đến nay vẫn “giẫm chân tại chỗ”.
Khu liên hợp rác thải hiện đại quá tải
Theo thống kê của Khu liên hợp xử lý rác thải Nghi Yên thì hiện nay, hàng ngày bãi rác ở đây phải “tiêu thụ” khoảng hơn 300 tấn rác thải từ TP Vinh, TX Cửa Lò, các huyện Hưng Nguyên và Nghi Lộc. Hiện tại, 2 ô xử lý rác thải sinh hoạt của Khu liên hợp đã quá tải. Trong khi đó, Nhà máy xử lý, chế biến rác thải Nghi Yên (Ecovi) được một đơn vị tư nhân đầu tư hàng trăm tỉ đồng, có công suất thiết kế xử lý khoảng 300 tấn rác mỗi ngày nằm trong khuôn viên Khu liên hợp này lại hoạt động èo uột với chưa đầy 10% công suất thiết kế. Tức là với công suất như vậy, nhà máy xử lý, chế biến rác thải này mới chỉ đáp ứng được trên dưới 10 tấn rác mỗi ngày. Vì vậy, thực trạng Khu xử lý rác thải tại Nghi Yên sau hơn 3 năm hoạt động đang dần tạo thành “quả bom” rác thải, lượng rác ùn đọng ngày càng nhiều.
Nước rỉ từ rác thải chảy ra đen ngòm ngấm vào mương tưới tiêu của bà con nông dân xã Hưng Đông |
Ông Phú Văn Phượng, Giám đốc Xí nghiệp Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên cho biết: “Hiện tại, hai ô chứa rác 1A và 1B của Khu liên hợp đã đầy, trong khi chờ xây dựng hai ô khác là 2A và 2B thì chúng tôi cho đắp bờ bao, nhập hai ô thành một để xử lý nâng cao dung tích chứa rác. Mặt khác, chúng tôi cũng kiến nghị UBND tỉnh cần sớm có giải pháp về vốn để đầu tư hai ô 2A và 2B trong thời gian sớm nhất, thế nhưng xem ra rất khó khăn về nguồn vốn đầu tư”. Cũng theo ông Phượng, Nhà máy xử lý, chế biến rác Nghi Yên (Ecovi) hoạt động với công suất rất thấp. Tính từ tháng 8/2013 đến tháng 6/2014, đơn vị này mới chỉ xử lý được hơn 6 nghìn tấn rác thải (chỉ bằng 20 ngày so với công suất thiết kế - P.V). Mặt khác, chủ yếu đơn vị xử lý bằng công nghệ đốt nên khói và mùi gây ô nhiễm không khí rất nặng.
Được biết, trong buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường vào tháng 8/2014, UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ trích kinh phí gần 100 tỉ đồng để xử lý rác tồn đọng. Tuy nhiên, với thực trạng như hiện nay, nếu không sớm triển khai các giải pháp kịp thời thì tình trạng “quá tải” ở Khu xử lý rác thải Nghi Yên vẫn tồn tại.
.