Dường như kinh tế càng khó khăn thì càng lộ ra nhiều vụ lừa đảo bằng các loại giấy tờ giả. Ngân hàng (NH) đang là những nạn nhân do cả chủ quan và khách quan.
Hàng giả, giấy giả... qua cửa ngân hàng
Đầu tháng 6, hệ thống NH được một phen "tá hỏa" khi công án vụ dùng các loại sim thẻ giả để cầm cố tại một số NH ở Hải Dương. Giấy tờ giả thì nhiều, nhưng làm thẻ cào điện thoại giả cũng là những lần đầu.
Thủ đoạn của các đối tượng là mua thẻ cào thật đem sang Trung Quốc "nhân bản" và quay ngược trở về Việt Nam để...cầm cố cho tổ chức tín dụng. Sơ sơ vụ việc cũng khiến các ngân hàng thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng.
Ngoài sự vụ tương đối hiếm gặp này thì các loại giấy tờ giả khác có vẻ... phổ thông hơn. Hàng loạt vụ án hình sự cộm cán gần đây, gây thiệt hại hàng trăm, hàng nghỉ tỉ cho các tổ chức tín dụng đều thấy bóng dáng của các loại giấy tờ giả: hợp đồng giả, chữ ký giả và con dấu giả.
Đầu tháng 8 này, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an cũng hoàn tất cáo trạng đề nghị tố trước pháp luật các bị cán, bị cáo về các hành vi "làm giả giấy tờ tài liệu của các cơ quan tổ chức", "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "vi phạm các quy định về cho vay" của các nhân viên cũng như khách hàng của chi nhánh Vietinbank Đông Anh.
Trong vụ án này, các nhân viên nhà băng đã giúp khách hàng làm giả các hợp đồng kinh tế, báo cáo tài chính, phiếu nhập kho... để vay tiền ngân hàng. Hậu quả của các con dấu, hợp đồng giả này là 380 tỷ đồng giờ không có khả năng thu hồi.
Ngày càng có nhiều vụ lừa đảo bằng các loại giấy tờ giả |
Cũ hơn một chút, lừa đảo hàng "thánh" Huỳnh Thị Huyền Như chỉ với việc thuê một người "không rõ lai lịch", hành nghề khắc dấu dạo ở TP.HCM) đã có 8 con dấu của các đơn vị "nổi tiếng", để rồi có không biết cơ man nào là hợp đồng giả, cùng 4.911 tỷ đồng "tuột khỏi tay" các NH, cá nhân, trong đó 3.300 tỷ đồng có nguy cơ mất trắng".
Đây chỉ là những vụ "điển hình". Còn rất nhiều các vụ án lừa đảo khác đang được các cơ quan bảo vệ pháp luật đang phải xử lý.
Trong các vụ án, các giấy tờ hay được làm giả nhất có lẽ phải kể lên đến các hợp đồng kinh tế, biên bản đối chiếu công nợ, phiếu nhập kho. Theo một cán bộ kiểm toán nội bộ của một NH, trong quá trình tác nghiệp, các đơn vị kiểm toán, kiểm soát của các NH đều gặp không ít các loại giấy tờ giả này.
"Giấy tờ giả nhẹ nhàng thì là hợp đồng được chế biến, xào xáo, cắt, ghép các nội dung, chữ ký để chứng minh hoạt động kinh doanh, nặng hơn nữa thì được dùng làm hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn. Hay như nhiều khi các ngân hàng yêu cầu gắt gao biên bản đối chiếu công nợ, nhưng các đối tác của khách hàng không chịu ký thì khách hàng hoặc nhân viên ngân hàng giúp đỡ, cắt ghép con dấu, chữ ký thành một cái biên bản..." - vị cán bộ này cho biết.
Đến người cũng giả...
Tưởng chừng như các dạng hợp đồng kinh tế, phiếu xuất nhập của DN còn dễ dàng, nhưng những năm gần đây, các loại giấy tờ khó làm giả hơn là : giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng bị làm giả ngày càng nhiều.
"Sổ đỏ khó làm giả không phải vì kỹ thuật mà vì nó gắn liền với tài sản nằm im một chỗ, nhưng mà ấy thế mà vẫn giả được. Cho khách hàng vay tiền, khách hàng dẫn đến nhà, xem tận mắt, sờ tận tay sổ đỏ, ký công chứng đàng hoàng, đăng ký giao dịch đảm bảo hẳn hoi mà khi xử lý vẫn tá hỏa vì tất cả đều rởm, rởm sổ đỏ, rởm giấy xác nhận đăng ký của cơ quan đại chính", một cán bộ tín dụng cho biết.
Và những câu chuyện một nhà có đến vài cái sổ đỏ sẽ mãi là những nối ám ảnh của các cán bộ ngân hàng.
Câu chuyện sổ đỏ giả chưa bao giờ là cũ vì hàng loạt ngân hàng đã từng "dính" mà đến bây giờ vẫn khó có thể khắc phục được.
Ngày 14/8/2014 vừa rồi, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án Lê Bá Quỳ ở Gia Lâm, Hà Nội với sự giúp sức của một nguyên cán bộ địa chính xã đã "sản xuất" được hàng loạt sổ đỏ, và "đặt" vào hàng loạt NH.
Không chỉ giấy tờ giả mà người cũng giả |
Hoàng Thị Hòa An (Mai Dịch, Hà Nội) đã làm giả cả "chồng" nhằm qua mặt NH, côngchứng để có thể lừa đảo, chiếm đoạt tiền của NH. Hay mới đây, các cơ quan bảo vệ pháp luật thành phố Hà Nội cũng đang tiếp tục xử lý một nhóm các đối tượng đã làm giả chứng minh thư, sổ hộ khẩu và toàn bộ các giấy tờ nhà đất, mua bán ô tô để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của gần chục NH.
"Bây giờ cái gì cũng có thể bị làm giả, những thứ tưởng chừng như ít giả nhất là giấy đăng ký kết hôn, hay xác nhận độc thân cũng sẵn sàng được làm giả luôn. Nhiều khách hàng làm giả hoàn hảo cả bộ hồ sơ, thậm chí làm giả cả bản sao y quyết định thăng cấp, bậc hàm hoàn hảo cả về thể thức, cách trình bày, nội dung, con dấu đến mức hoàn hảo, chỉ đến khi đi xử lý nợ chúng tôi mới ngã ngửa vì giả. Kỹ thuật làm giả ngày càng tinh vi, trong khi đó, chúng tôi lại ít được đào tạo, chịu áp lực về thời gian hoàn thiện hồ sơ, giải ngân " - Trưởng phòng Hỗ trợ tín dụng một chi nhánhNH chia sẻ.
Như vậy, có thể thấy, các "đồ giả" đang bao vây ngân hàng và mục tiêu lại rất hay là các ngân hàng, nhưng đơn vị được coi là có hệ thống quy trình quản lý khá chặt chẽ. Thế nhưng, bao nhiêu quy trình, kiểm soát đều bị vượt qua, và sếp ngân hàng bị bịt mắt đặt bút ký rồi mất cả trăm tỷ.
.