Kinh tế xã hội

Sức mua của thị trường bán lẻ vẫn tăng

08:31, 13/08/2014 (GMT+7)
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá thực tế năm 2013 đạt 2.618 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 125 tỷ USD), tăng 12,6% so với năm 2012.
 
Đây là thông tin do ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đưa ra tại Hội thảo “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực điện máy” do Cục Quản lý cạnh tranh tổ chức ngày 12/8 tại TPHCM.
 
Đặc biệt, trong 7 tháng đầu năm 2014, mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng tổng mức bán lẻ đã đạt khoảng 1.655 nghìn tỷ đồng, tăng 11,42% so với cùng kỳ năm 2013 (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3%). Trong đó, nhóm ngành thương nghiệp tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất với 76,75%, nhóm nhà hàng-khách sạn chiếm 12,06%, nhóm dịch vụ chiếm 10,26% và nhóm dịch vụ du lịch chỉ chiếm khoảng 0,93%.
 
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường GFK, chỉ tính riêng thị trường điện máy Việt Nam trong quý I/2014 đã cho thấy tổng chi tiêu của Việt Nam tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2013 và đạt ngưỡng 35.000 tỷ đồng (mức cao nhất từ trước tới nay). Trong đó, ngành điện thoại đạt 13.900 tỷ đồng (tăng 37%), ngành điện tử gia dụng tăng 20%...
 
Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, tổng mức bán lẻ của thị trường trong nước cho thấy sức mua đã có nhiều tín hiệu đáng mừng. Nhịp độ tăng trưởng bình quân hằng tháng đã tăng lên từ 11-12%.
 
Nguyên nhân làm gia tăng sức mua của thị trường bán lẻ trong thời gian qua là do tình trạng lạm phát đã được kiềm chế và kiểm soát tốt. Nếu như năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức 2 con số là 18,13% thì đến năm 2012 đã giảm sâu xuống còn 6,81% và đến năm 2013 đã được kiểm soát xuống còn 6,045%. Đặc biệt, trong 7 tháng đầu năm 2014, CPI chỉ ở mức 1,62%.
 
Tuy nhiên, một rào cản khiến cho thị trường bán lẻ của Việt Nam chậm phát triển theo hướng hiện đại, đó là thị phần bán lẻ hiện đại chưa phát triển đúng tầm với mức độ 33% dân số thành thị như hiện nay, phần lớn vẫn bị chi phối bởi kênh phân phối truyền thống.
 
Nguyên nhân là do đại bộ phận doanh nghiệp trong nước mới có quy mô vừa và nhỏ (tới 55% DN có mức vốn dưới 100 triệu đồng và có tới 2 triệu hộ kinh doanh) nên việc tổ chức bộ máy phân phối chưa đủ năng lực tổ chức theo chuỗi, chưa đủ sức làm nòng cốt cho thị trường.
 
Vì vậy, theo ông Nguyễn Lộc An, để đẩy mạnh tiêu thụ thì các thương hiệu bán lẻ Việt Nam cần tiếp tục củng cố và mở thêm cơ sở kinh doanh, trong đó nghiên cứu, đầu tư phát triển mô hình bán lẻ mới, hiện đại.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác