Kinh tế xã hội
Qua 7 năm chưa xử lý được 7.000 lít dầu trong máy biến thế chứa hóa chất siêu độc
16:18, 16/08/2014 (GMT+7)
Những ngày gần đây, dư luận tỉnh Quảng Ninh xôn xao về thông tin, 7.000 lít dầu trong máy biến thế chứa hóa chất độc (để gần khu bảo vệ cổng Cảng Cái Lân, cách mép nước vịnh Hạ Long khoảng hơn 200) trong gần 7 năm. Trước sự việc trên, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tìm biện pháp xử lý, đồng thời báo cáo Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) có giải pháp xử lý, đảm bảo môi trường.
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV cảng Quảng Ninh, tháng 11/2007, Công ty CP Đầu tư Cửu Long Vinashin (nay là Công ty CP Đầu tư Cửu Long) nhập về một lô hàng thiết bị điện gồm các máy biến thế đã qua sử dụng tại Hàn Quốc, phục vụ lắp đặt thi công dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hồng tại Nam Định do Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) làm chủ đầu tư. Khi về đến cảng Cái Lân, các cơ quan chức năng phát hiện 1/3 máy biến thế của lô hàng có chứa PCB trong dầu biến thế. Do PCB là chất thải nguy hiểm, chất hữu cơ khó phân hủy nên theo quy định chỉ được nhập khẩu với mục đích quản lý chất thải an toàn. Vì vậy, lô hàng trên phải được chuyển về Hàn Quốc.
Ngày 17/7/2008, UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty CP Đầu tư Cửu Long Vinashin do vi phạm Luật Bảo vệ môi trường và buộc phải trả lại lô hàng nhiễm PCB về Hàn Quốc. Tuy nhiên, công ty này không thể tái xuất về Hàn Quốc do đối tác xuất khẩu không nhận lại.
Mặc dù trong gần 7 năm qua, lô hàng máy biến thế chứa gần 7.000 lít dầu nhiễm PCB độc hại được đóng trong các container nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tràn ra môi trường. Vịnh Hạ Long nằm ở cảng Cái Lân, cách mép nước vịnh Hạ Long chừng hơn 200m. Sau thời gian dài phơi nắng mưa, lô hàng bị gỉ sét, có nguy cơ đe dọa đến môi trường vịnh.
Gần 7.000 lít dầu chứa chất độc trong máy biến thế đang nằm gần vịnh Hạ Long |
PCB (Polychlorinated Biphenyls) là một trong 22 nhóm chất hữu cơ khó phân hủy. PCB là hàng hóa nguy hiểm thuộc nhóm hàng số 9, Danh mục hàng hóa nguy hiểm được quy định trong Nghị định số 104/2009/NĐ-CP,109/2006/NĐ-CP và 29/2005/NĐ-CP quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. PCB là hóa chất có độc tính rất cao (kém 10 lần loại dioxin độc nhất), khó phân hủy trong môi trường tự nhiên, có khả năng di chuyển và phát tán xa và hấp thụ trong các cơ thể sống. Con người bị phơi nhiễm PCB qua các con đường tiêu hóa, hô hấp và tiếp xúc qua da, gây ngộ độc cấp tính như: nổi mụn, cháy da, bỏng mắt.Về lâu dài, PCB ở nồng độ nhỏ phá hủy gan, gây ung thư, rối loạn sinh sản, biến đổi gene, quái thai, dị dạng, tác động đến sự phát triển của trẻ nhỏ.
Theo ông Hoàng Danh Sơn, Phó Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ninh, do số lượng dầu nhiễm PCB tại cảng Cái Lân nhiều, lại nằm ngay sát vịnh Hạ Long tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về môi trường. Nếu không may, một phần hoặc tất cả số lượng PCB này tràn xuống biển, vịnh Hạ Long sẽ vĩnh viễn không thể khôi phục nguyên trạng. Mặc dù vậy, đến tháng 5/2014, sau gần 7 năm, các bên liên quan mới tiến hành đóng gói tại chỗ máy biến thế và lô dầu nhiễm PCB này. Số lượng dầu nhiễm PCB lấy ra từ máy biến thế chứa đầy 34 phuy, 200 lít/phuy và 1 phuy 100 lít, tổng số dầu nhiễm PCB khoảng 7.000 lít. Ngoài ra, thân máy biến thế, toàn bộ lượng gạch lát nền và cát xung quanh khu vực đặt máy biến thế cũng được đào lên. Tất cả được bảo quản trong 2 container và vẫn đặt trong khu vực kho bãi của cảng Cái Lân. Việc lưu trữ, bảo quản không theo một quy chuẩn, tiêu chuẩn nào vì Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh không nhận được hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Lô hàng này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tràn số dầu nhiễm PCB này ra môi trường, nhất là trong mùa mưa bão. Nếu sét đánh vào 2 container này, không biết hậu quả sẽ thế nào.
Về phương án vận chuyển và tiêu hủy số hóa chất độc hại này, ông Hoàng Danh Sơn cho biết, Sở TN&MT Quảng Ninh đã có công văn yêu cầu Công ty CP Đầu tư Cửu Long lên phương án vận chuyển hai container nói trên về kho lưu giữ an toàn của công ty tại Hải Phòng. Sở cũng gửi công văn lên Bộ TN&MT xem xét, ra văn bản hướng dẫn công ty này vận chuyển, xử lý lô hàng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được hồi âm từ hai phía. Được biết, hiện nay, chỉ có một đơn vị ở tỉnh Kiên Giang có đủ công nghệ tiêu hủy PCB. Tuy nhiên, việc vận chuyển cả một khối lượng lớn dầu nhiễm PCB ở cảng Cái Lân đến nơi tiêu hủy cũng là nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện 7.000 lít dầu đã được đóng gói đưa vào 2 container, có hệ thống thông gió, hệ thống báo cháy, đảm bảo nhiệt độ an toàn, có bảo ôn, được kẹp chì niêm phong, có cảnh báo nguy hiểm rất cẩn thận, được bảo vệ 24/24h, nơi này gần như không có người và phương tiện hoạt động. Hiện nay, UBND tỉnh, Sở TN&MT có văn bản đề nghị bộ này có văn bản hướng dẫn sớm nhất để xử lý lô hàng nói trên.
Nguyên nhân lô hàng này nằm ở cảng Cái Lân gần 7 năm mà chưa được xử lý dứt điểm là do liên quan đến quy trình xử lý và nhất là bản thân đơn vị nhập lô hàng này về có biến động về tổ chức. Trách nhiệm chính xử lý lô hàng này phải thuộc về Công ty CP Đầu tư Cửu Long. Quan điểm của tỉnh Quảng Ninh sẽ quyết tâm xử lý triệt để lô hàng này, kiên quyết bằng mọi biện pháp không để xảy ra tình trạng rò rỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến vịnh Hạ Long.
Nguồn: cand.com.vn