Kinh tế xã hội
Nông dân và doanh nghiệp cần tuân thủ 'luật chơi'
10:11, 03/08/2014 (GMT+7)
Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra (gọi tắt là Nghị định 36) được ban hành ngày 29/4 và có hiệu lực vào ngày 20/6 vừa qua tạo được sự đồng tình trong cấp quản lý ngành.
Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra (HHCT) Việt Nam cho rằng, với nghị định này ngành cá tra sẽ được chú trọng hàng đầu về đảm bảo chất lượng, an toàn từ vùng nuôi đến chế biến xuất khẩu.
Theo đó, yêu cầu doanh nghiệp (DN) và hộ nuôi phải đăng ký diện tích, sản lượng và đăng ký hợp đồng xuất khẩu. Đồng thời, yêu cầu đến cuối năm 2015, các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải đạt tiêu chuẩn VietGap hoặc tương đương. “Năm 2013, tổng số diện tích nuôi cá tra đạt chứng chỉ quốc tế chưa tới 20%.
Nghị định 36 đặt ra mục tiêu này nếu đạt được sẽ thích ứng với luật Farm Bill của Mỹ, là con đường nâng cao chất lượng cá tra”- ông Dũng cho biết.
Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL |
Theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ) lần đầu tiên một nghị định ra đời điều chỉnh hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra thương phẩm, được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến ngành cá tra để sắp xếp lại “đội hình”; xác lập trật tự mới, gắn kết chuỗi giá trị sản phẩm. Công cụ pháp lý quan trọng này sẽ thúc đẩy liên kết vùng, thương hiệu hóa và luật hóa “luật chơi” trong “sân chơi cá tra” để các DN Việt Nam ứng xử và liên kết lại, đủ sức cạnh tranh với bên ngoài.
Tuy nhiên, trong một cuộc hội nghị triển khai về Nghị định 36 tổ chức tại TP Cần Thơ mới đây, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng: “Nghị định 36 ra đời là cần thiết nhưng phải điều chỉnh trước khi áp dụng.
Ví dụ như nghị định quy định hàm lượng nước tối đa không vượt quá 83% so với khối lượng cá tra phi lê sau khi loại bỏ lớp mạ băng của sản phẩm là cứng nhắc. Vì phần lớn các thị trường nhập khẩu đều quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm chứ không quy định cụ thể về tỷ lệ mạ băng”. Một DN xuất khẩu cá tra phản ánh, công ty còn 100.000 tấn cá tra có hàm lượng ẩm 86%, quá trình xử lý số lượng này tới cuối năm 2014 mới hết. Nếu áp dụng theo Nghị định 36 sẽ gây khó khăn cho họ.
Theo ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex (Hậu Giang), trước nay ngành cá tra là ngành sản xuất tự do, mạnh ai nấy làm. Với nghị định 36, sẽ đưa việc nuôi trồng, sản xuất, chế biến cá tra trở thành ngành kinh doanh có điều kiện. Thủ tướng đã giao cho HHCT thực hiện việc này, tìm kiếm giải pháp để không gây cản trở cho DN.
Nguồn: cand.com.vn