Kinh tế xã hội

Khởi công đồng loạt 83 cầu treo dân sinh

15:16, 31/07/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
 
Trong tháng 8 sẽ khởi công đồng loạt 83 cầu treo dân sinh để sau 1 tháng có thể đưa vào sử dụng phục vụ đồng bào trong mùa mưa lũ này.
 
Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường tại cuộc họp diễn ra vào ngày 30/7 với các đơn vị thiết kế, quản lý Đề án xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số.
 
Tại cuộc họp, Tổng cục Đường bộ cho biết, đã hoàn thành xong thủ tục tư vấn xây dựng Đề án và chuẩn bị triển khai tại hiện trường.
 
Trong Đề án ngoài bổ sung 22 tỉnh, thành phố, Tư vấn còn điều tra, khảo sát hiện trạng nhu cầu xây dựng cầu dân sinh của các địa phương thuộc 50 tỉnh, trong đó cả cầu cứng và cầu mềm. Đồng thời đưa ra một số định hình của một số loại cầu; tổng hợp kinh phí để xây dựng cầu dân sinh và cơ chế vốn thực hiện.
 
Hiện nay, các khâu lớn nhất là thiết kế thi công, chế tạo cơ khí và triển khai các hố móng ở hiện trường cơ bản đã hoàn tất. Công tác giải phóng mặt bằng cũng đang được xúc tiến. Một số cầu đã được khởi công như cầu Bản Côm (Yên Bái), Nam Công (Hà Nam), Bản Diềm (Nghệ An), Chợ Mới (Bắc Cạn).
 
Đại diện Tổng công ty Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải (TEDI), đơn vị tư vấn thiết kế cho biết, TEDI đã triển khai đồng loạt thiết kế 186 cầu treo. Tuy nhiên, do đường vào khu vực khảo sát xây dựng cầu địa hình khó khăn, đi lại mất từ 2-3 ngày; một số tỉnh, huyện yêu cầu chuyển vị trí khác so với đề án đưa ra ban đầu... nên có thể dẫn đến chậm tiến độ.
 
Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường kết luận: Để hoàn thành được mục tiêu đề ra, các cơ quan liên quan phải chủ động tích cực hơn nữa, cùng kết hợp đẩy nhanh tiến độ triển khai.
 
Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải là đơn vị trực tiếp “xắn” tay vào việc, không xa rời thực tiễn. Tổng cục phải chủ động làm việc với các đơn vị liên quan như Viện Khoa học Công nghệ GTVT (tư vấn thẩm tra), TEDI… Đồng thời, làm việc với các địa phương về vị trí xây dựng cầu. Nếu Sở GTVT tỉnh nào thay đổi vị trí thì sẽ dừng thi công, cầu nào cần thay đổi phải làm rõ nguyên nhân.  
 
Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tư vấn phải làm rõ hơn mục tiêu của Đề án, trong đó nêu rõ xây dựng những cầu có quy mô nhỏ, tải trọng thấp, phục vụ cho xe máy và người đi bộ đi qua, bảo đảm ATGT.  
 
Đối với cầu bê tông phục vụ khu vực ĐBSCL, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tư vấn nghiên cứu vừa đáp ứng được giá thành, tính bền vững, nhưng phải đáp ứng được yêu cầu vận tải, chống va đập, thông thuyền; riêng đối với cầu sử dụng kết cấu đặc biệt để vượt vị trí khó khăn, cần nghiên cứu cụ thể, chi tiết phù hợp, đáp ứng được yêu cầu, bảo đảm ATGT.  
 
Về kinh phí, các đơn vị sớm hoàn thiện đơn giá cho cầu treo ở từng vị trí và trình Bộ GTVT vào đầu tháng 8. Đồng thời, Bộ đã có kiến nghị với Chính phủ sử dụng từ nguồn vốn ngân sách và vốn dư từ việc tiết kiệm đẩy nhanh tiến độ thi công để đầu tư các cầu treo dân sinh còn lại.
 
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh, các đơn vị thi công phải khẩn trương, tuỳ vào địa hình địa chất, mỗi cầu thời gian thi công từ 30-40 ngày là phải xong.
 
Hiện Bộ đã lựa chọn được 16 nhà thầu và kiên quyết thay thế những nhà thầu yếu kém, triển khai chậm tiến độ. “Trước mắt trong tháng 8/2014 sẽ khởi công đồng loạt 83 cầu treo dân sinh để sau 1 tháng có thể đưa vào sử dụng phục vụ đồng bào trong mùa mưa lũ này”, Thứ trưởng Trường yêu cầu.
 
Hiện nay vẫn còn hàng nghìn điểm cần được xây dựng những cây cầu dân sinh quy mô nhỏ. Bộ GTVT tiếp tục giao các đơn vị nghiên cứu các địa điểm này để có thể xây dựng những cây cầu cứng, cầu treo dân sinh phục vụ đồng bào. Phạm vi dự án chỉ nghiên cứu các xã, huyện, tỉnh thuộc miền núi, dân tộc, bao gồm cả 62 huyện nghèo theo chương trình 30A của Chính phủ.
 
Dự kiến, tháng 10/2014, đề án xây dựng hàng nghìn cây cầu dân sinh tiếp theo sẽ được Bộ GTVT thông qua.
 

Nguồn: chinhphu.vn

Các tin khác