Kinh tế xã hội
Áp lực giá xăng và làn sóng tâm lý
16:11, 15/07/2014 (GMT+7)
Hùa theo giá xăng, trên thị trường, giá nhiều loại thực phẩm cũng tăng khiến người tiêu dùng bất an và tìm cách thắt chặt chi tiêu. Nhiều ý kiến không khỏi lo ngại về tác động dây chuyền từ việc xăng dầu tăng giá liên tục thời gian qua.
Vin cớ giá xăng tăng
Ăn theo giá xăng, tại một số chợ ở Hà Nội, giá nhiều loại rau xanh đã tăng trong mấy ngày qua. Chẳng hạn như tại chợ Kim Liên, Phùng Khoang, Thanh Xuân, Đại Từ... giá rau muống, rau ngót đã tăng từ 800-1.000 đồng mớ, cà chua thêm 5.000 đồng/kg. Giá các loại hoa quả như cam, bưởi, chanh, xoài... cũng tăng thêm từ 5.000-10.000 đồng/kg.
Đối với thực phẩm, giá thịt lợn tăng từ 5.000-15.000 đồng/kg tùy loại. Thịt gia cầm cũng tăng từ 15.000-20.000 đồng/kg. Hải sản như tôm, cua ghẹ tăng từ 10.000 đồng-15.000 đồng/kg, cá nước ngọt tăng 5.000-8.000 đồng/kg.
Các tiểu thương cho rằng, việc các mặt hàng trên tăng giá là do giá xăng tăng dẫn đến cước phí vận chuyển tăng. Một tiểu thương tại chợ Phùng Khoang cho biết, buổi sáng đi chợ đầu mối, một xe rau xanh đã tăng giá thêm tới vài chục nghìn, vì vậy giá bán lẻ cũng phải tăng là điều không cần bàn cãi.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trên thực tế, giá xăng tuy tăng nhiều lần nhưng mức điều chỉnh nhỏ, chưa thể có tác động ngay lập tức đến các mặt hàng như vậy. Việc tăng giá lương thực thực phẩm chủ yếu là do tâm lý ăn theo, diễn ra tại các chợ nội thành, chợ đầu mối, chứ tại các chợ cóc, chợ nhỏ hay chợ ngoại thành... giá các mặt hàng hầu như không thay đổi, nhất là với rau xanh. Duy nhất có thịt lợn, thịt gia cầm là ghi nhận có sự tăng giá trong hai tuần qua.
Giá rau củ, thực phẩm bắt đầu tăng giá theo xăng |
Tại các siêu thị, tuy giá bán vẫn ổn định, chưa có sự điều chỉnh nào, nhưng theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, xăng dầu là chi phí đầu vào của sản xuất kinh doanh. Khi giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền khiến các mặt hàng khác tăng theo. Khi đó, các siêu thị cũng khó lòng cầm cự, giữ giá.
Đội chi phí sản xuất
Nhiều ý kiến không khỏi lo ngại về tác động dây chuyền từ việc xăng dầu tăng giá liên tục thời gian qua. Giá xăng dầu tăng dẫn đến chi phí khai thác vận chuyển than tăng, chi phí cho sản xuất điện cũng tăng. Điều này sẽ tác động đến sản xuất kinh doanh của DN.
Giám đốc một DN sản xuất hàng dệt may tại Phú Thọ cho biết, DN có 6 xe vận tải hàng hóa chạy dầu, theo tính toán với đợt tăng giá này, mỗi tháng sẽ chi phí thêm 1 triệu đồng/xe chưa tính thuê vận tải bên ngoài.
“Nhiều chủ xe mà chúng tôi thuê bên ngoài đã thông báo miệng sẽ điều chỉnh cước phí trong nay mai. Không những thế, theo bảng giá điện mới áp dụng từ tháng 6 vừa qua tiền điện cũng tăng thêm 1% nữa. Cứ đà tăng này, công ty phải tính toán nâng giá bán sản phẩm” - ông cho hay.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay xăng dầu tăng liên tục càng khiến DN thép thêm lao đao. Cán thép tiêu thụ dầu FO là chủ yếu, nên mỗi khi điều chỉnh giá dầu, đầu vào sẽ tăng mạnh.
Nhiều người lo ngại giá xăng sẽ còn tăng nữa |
Lãnh đạo Hiệp hội Thép tính toán, để sản xuất ra một tấn thép, DN mất khoảng 40 kg dầu FO. Từ 23/6 đến 7/7, dầu FO tăng giá tổng cộng 400 đồng/kg. Với mức tăng như vậy, mỗi tấn thép đội chi phí lên 16.000 đồng. Với sản lượng 6 triệu tấn/năm, ngành thép sẽ bị tăng chi phí sản xuất lên tới gần 100 tỷ đồng/năm - con số quá lớn trong bối cảnh đầu ra đang khó khăn. Bên cạnh đó, xăng dầu tăng giá liên tục kéo theo giá cước vận tải điều chỉnh, khiến chi phí vận tải cũng leo thang.
Với ngành vận tải, cước phí sẽ tăng bởi chịu tác động mạnh do xăng dầu tăng giá. Theo tính toán, xăng dầu chiếm khoảng 30-35% chi phí, trong đó DN vận tải đường bộ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Một số DN vận tải khi được hỏi nói rằng sẽ có nhiều kịch bản điều chỉnh giá cước để tránh lỗ trong thời gian tới, chẳng hạn như công bố tăng giá vận chuyển hoặc tìm cách thu thêm phụ phí xăng dầu.
Tuy nhiên, người mua hàng cuối cùng sẽ là người phải gánh chịu từ việc tăng giá xăng chứ không phải là các DN sản xuất hay vận tải. Giá xăng lập mốc kỷ lục mới 25.640 đồng/lít sau khi điều chỉnh vào tối 7/7 vừa qua khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng. Như vậy, chi phí đi lại, sinh hoạt hàng ngày lại đội thêm lên, trong khi thu nhập hầu như không tăng bởi kinh tế khó khăn.
Mặc dù vậy, nỗi lo vẫn chưa hết. Một số nhận định cho rằng, liên bộ Tài chính - Công Thương vẫn dự phòng cho một đợt điều chỉnh giá xăng dầu nữa bởi mới chỉ cho trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu thêm 200 đồng/lít (từ 300 đồng/lít theo mức trích trước đó, lên 500 đồng/lít) để vẫn còn nguồn trích, bình ổn giá cho đợt tiếp theo.
Không những thế, Dự thảo mới thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công Thương trình Thủ tướng. Theo đó, các DN xăng dầu sẽ được tăng giá trong phạm vi 3% khi các yếu tố đầu vào cấu thành giá cơ sở biến đổi tăng 3% so với giá bán lẻ hiện hành. Quy định này đang khiến dư luận lo ngại giá xăng dầu trong thời gian tới sẽ còn tăng.
Nguồn: vef.vn