(Congannghean.vn)-Đóng vai trò là tuyến y tế cơ sở, có chức năng và ý nghĩa rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, tuy nhiên, trong những năm qua, mạng lưới các trạm y tế phường, xã chưa thực sự phát huy hiệu quả của mình. Chính điều này đã dẫn đến một thực trạng đang diễn ra phổ biến hiện nay đó là, trong khi các bệnh viện đang lâm vào cảnh quá tải vì số lượng người khám chữa bệnh quá đông thì tại các tuyến y tế cơ sở lại quá vắng vẻ.
Hiện nay, trên địa bàn TP Vinh có 25 trạm y tế bao gồm 9 trạm y tế thuộc xã và 16 trạm y tế thuộc phường, trong đó có nhiều trạm y tế được công nhận chuẩn Quốc gia về y tế. Mặc dù thuận lợi như vậy nhưng số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại trạm luôn thấp. Chủ yếu người dân đến trạm y tế xin giấy giới thiệu để khám bệnh ở các tuyến trên. Do đó, trạm chủ yếu thực hiện công tác truyền thông y tế và chương trình tiêm chủng mở rộng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng buồn này một phần nằm ở tâm lý của người dân khi bị bệnh muốn tìm đến những bệnh viện lớn, có uy tín, chất lượng. Tuy nhiên, công bằng mà nói thì chính những hạn chế trong quá trình hoạt động tại các trạm y tế cơ sở cũng có ảnh hưởng và tác động rất lớn đến số lượng bệnh nhân khi đến khám, chữa bệnh tại đây.
Việc khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân ở các trạm y tế xã, phường vẫn còn nhiều bất cập |
Theo bác sĩ Lê Duy Sỹ - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Vinh thì, khó khăn lớn nhất mà các trạm y tế phường, xã đang gặp phải hiện nay, đó là điều kiện về cơ sở vật chất. Trong đó, trang thiết bị máy móc để phục vụ cho việc khám, chữa bệnh thiếu trầm trọng. Trong khi điều kiện quy định tối thiểu ở mỗi trạm y tế là phải có máy siêu âm, máy điện tim và máy xét nghiệm đường huyết thì trên thực tế ở một số nơi chỉ có máy xét nghiệm đường huyết, bởi chi phí rẻ và cách vận hành đơn giản, thuận tiện. Đa số ở các trạm y tế phường, xã chưa có máy siêu âm, còn riêng máy điện tim chỉ đếm trên đầu ngón tay, mà nếu có thì cũng do nằm trong các dự án đầu tư. Cùng với đó, nhiều trạm y tế được công nhận chuẩn về y tế giai đoạn 1 và giai đoạn 2 thì cơ sở vật chất đang có chiều hướng xuống cấp như: Tường rấm, điện nước hư hỏng, thiết kế không còn phù hợp. Lý giải cho vấn đề thiếu cơ sở vật chất và trang thiết bị là do chưa có nguồn kinh phí để hỗ trợ đầu tư, mua sắm.
Không chỉ gặp khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc khám, chữa bệnh mà riêng đội ngũ nguồn nhân lực vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Hiện nay, 100% trạm y tế phường, xã trên địa bàn TP Vinh đã có bác sĩ, y sĩ, dược sĩ, điều dưỡng…, nhưng trên thực tế thì đội ngũ này chưa thể đáp ứng được hết mọi yêu cầu, đòi hỏi mà công việc đặt ra. Đơn cử như việc vận hành các trang thiết bị phục vụ cho việc khám, chữa bệnh thì không phải bất cứ bác sĩ nào cũng có thể làm được. Họ chỉ vận hành được một số máy móc đơn giản như máy đo đường huyết. Còn các loại khác như máy siêu âm hay máy điện tim thì cần phải là những người am hiểu thực sự về chuyên ngành tim mạch... Hiện nay, ở một số trạm y tế còn thiếu nhân lực nên phải bổ sung bằng cách ký hợp đồng với các bác sĩ có kinh nghiệm lâu năm trong hoạt động nghề nghiệp. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của đội ngũ bác sĩ này cũng có nhiều điểm hạn chế. Đó là chưa nói đến đội ngũ các y sĩ, dược sĩ, điều dưỡng… chưa có trình độ cao và kinh nghiệm nên đã không tạo được niềm tin cho người dân khi đến khám, chữa bệnh tại cơ sở.
Một thực trạng đang diễn ra rất phổ biến hiện nay đó là quy trình hoạt động tại các trạm y tế phường, xã chưa có sự quản lý, giám sát chặt chẽ. Công tác tập huấn chuyên môn, kiểm tra chuyên môn hàng năm vẫn còn bỏ ngỏ. Ở các tuyến y tế cơ sở, ít thấy công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá. Đây cũng là nguyên nhân vì sao chất lượng hoạt động tại các trạm y tế phường, xã kém hiệu quả. Bên cạnh đó, việc thực hiện các cơ chế chính sách còn nhiều bất cập.
Với chức năng là tuyến cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, không thể phủ nhận được vai trò, vị trí của các trạm y tế phường, xã trong giai đoạn hiện nay. Do đó, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế để các trạm y tế phát huy tối đa hiệu quả của mình, rất cần đến những chính sách, cơ chế mang tính đồng bộ lâu dài như việc đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thêm các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Cần phát huy năng lực quản lý điều hành, nhất là các trạm y tế ở các xã vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, phải có chế độ đãi ngộ, động viên đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế từ đồng bằng đến miền núi để thu hút họ làm việc và cống hiến nhiều hơn…
.