Kinh tế xã hội

Cảnh giác tình trạng thương lái Trung Quốc mua rễ hồ tiêu

16:11, 19/05/2014 (GMT+7)
Từ cuối tháng 4/2014, người dân xã Ia Blang, huyện Chư Sê, Gia Lai rộ lên thông tin thương lái Trung Quốc mua gốc và rễ hồ tiêu sống với giá cao. Đây không phải lần đầu tiên tình trạng này diễn ra trên địa bàn huyện Chư Sê, Gia Lai mà đã từng xảy ra từ năm 2012 đến nay, cứ sau vụ thu hoạch tiêu là tình trạng này xuất hiện.
 
Trước đó, ông Lê Thành Thiết ở TP Pleiku (Gia Lai) đặt vấn đề với ông Mai Xuân Dũng ở thôn 4, xã Ia Blang (Chư Sê, Gia Lai) thu mua lại gốc, rễ cây hồ tiêu để bán kiếm lợi. Sau đó anh Lê Phước Tiến (cháu ông Dũng) hay tin bán rễ tiêu lấy tiền nên phá bỏ, cải tạo lại vườn tiêu già cỗi để lấy rễ bán cho ông Thiết. Sau đó, ông Dũng cùng con cháu tiến hành thu gom gốc, rễ hồ tiêu tại vườn nhà anh Tiến, tổng cộng được 450kg cả gốc và rễ để bán với giá 60.000 đồng/kg rễ, 20.000 đồng/kg gốc. Khi hay tin sự việc trên, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng huyện Chư Sê, Gia Lai đã vào cuộc ngăn chặn nên ông Dũng tạm dừng việc thu mua rễ và gốc cây hồ tiêu.
 
Bẵng đi một thời gian dài đến khoảng tháng 4/2014, một số hộ gia đình ở thôn Vinh Hà, xã Ia Blang, huyện Chư Sê, Gia Lai có nhu cầu phá bỏ vườn tiêu già cỗi nên ông Dũng đã đặt vấn đề thu mua. Đợt này, số gốc, rễ hồ tiêu ông Dũng thu gom được khoảng 200kg. Ông Dũng liên lạc với một người tên Thúy ở Gia Lai để bán với giá 45.000 đồng/kg, với điều kiện chỉ mua rễ tiêu chứ không mua gốc. Tuy nhiên, lần này ông Thúy không trực tiếp đến nhà mua mà yêu cầu ông Dũng mang hàng ra quốc lộ 14 để xe khách về TP Nha Trang, Khánh Hòa đến chở.
 
Ông Mai Xuân Dũng ở Chư Sê, Gia Lai “gom” rễ hồ tiêu để bán
Ông Mai Xuân Dũng ở Chư Sê, Gia Lai “gom” rễ hồ tiêu để bán
Trung tuần tháng 4/2014, khi ông Mai Xuân Dũng đang gom số rễ hồ tiêu trên ra quốc lộ 14 chờ xe khách đến chở đi, thì bị trinh sát Công an huyện Chư Sê (Gia Lai) phối hợp với Công an xã Ia Blang bắt giữ. Công an huyện Chư Sê cũng đã đề nghị Công an tỉnh Gia Lai chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với Công an TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa làm rõ vụ việc, nguyên nhân, cách thức mua bán, trong đó tập trung làm rõ số đối tượng làm đầu mối thu mua, lý do thu mua rễ và gốc hồ tiêu. Công an huyện Chư Sê cũng có công văn đề nghị lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Chư Sê chỉ đạo các phòng, ban có liên quan phối hợp với UBND xã Ia Blang tổ chức nắm tình hình, vận động các gia đình có liên quan ngừng việc thu mua rễ hồ tiêu, không vận chuyển số rễ hồ tiêu đã thu ra khỏi địa bàn huyện, tránh trường hợp các gia đình cố tình tìm cách vận chuyển.
 
Mặc dù là người trực tiếp đứng ra thu mua rễ cây hồ tiêu từ các hộ dân nhưng ông Dũng vẫn không biết thực chất mục đích việc thu mua để làm gì, mà chỉ nghe đồn đại, mua về để làm thuốc. Theo người trồng tiêu ở Gia Lai không ai biết chính thức thương lái Trung Quốc mua gốc, rễ hồ tiêu về để làm gì. Theo nhiều người dân ở địa phương, với giá thu mua gốc, rễ tiêu như vậy không ai dại gì phá bỏ cả cây hồ tiêu để bán rễ. Tuy nhiên, nếu có tình trạng mua rễ tiêu thì dễ bị kẻ xấu, bọn trộm cắp tìm cách lấy gốc và rễ để bán, gây khó khăn cho việc quản lý vườn tiêu của bà con.
 
Ông Mai Xuân Dũng, người thu gom rễ hồ tiêu ở xã Ia Blang, Chư Sê cho biết, họ chỉ mua rễ sống, không tróc da, còn rễ chết người ta không mua. Có lần ông Thúy đã dẫn theo một thương lái người Trung Quốc tên là A Trung đi cùng một phiên dịch viên xuống gặp tôi, giải thích mục đích thu mua gốc và rễ cây hồ tiêu về để làm thuốc. Thấy người ta có nhu cầu mua nên tôi nhận lời đứng ra làm trung gian thu gom. Ông Dũng cũng đã báo cáo sự việc này cho chính quyền và Công an xã Ia Blang.
 
Trước tình trạng này, UBND huyện Chư Sê đã có văn bản yêu cầu các xã, thị trấn cũng như Công an và các ngành chức năng vào cuộc ngăn chặn việc thu mua gốc, rễ cây hồ tiêu, tránh gây phức tạp tình hình an ninh trật tự cũng như ảnh hưởng đến phát triển kinh tế trên địa bàn.
 
Ngày 16/5, UBND tỉnh Gia Lai cũng có văn bản đã được gửi Sở NN và PTNT, Công an tỉnh Gia Lai và UBND huyện Chư Sê triển khai kịp thời các biện pháp ngăn chặn, xử lý việc thương lái Trung Quốc thu mua rễ tiêu nhằm phá hoại sản xuất. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành phải báo cáo kết quả vào ngày 17/5, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
 
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 10.000ha cây hồ tiêu, giá trị kinh tế mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, các huyện Chư Sê, Chư Prông và Chư Pưh (Gia Lai) chiếm số lượng lớn trong toàn tỉnh. Vì vậy, việc bảo vệ an toàn các vườn tiêu không chỉ của người dân mà còn là trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở Gia Lai.

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác