Kinh tế xã hội

Bộ trưởng Tài chính nói về quy định áp trần giá sữa

09:19, 26/05/2014 (GMT+7)
Quyết định áp trần giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi của Bộ Tài chính được người dân ủng hộ với hy vọng giá sữa sẽ được kéo xuống mức hợp túi tiền của các gia đình có con nhỏ.
 
Trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”, ngày 25/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải đáp những thắc mắc của người dân xoay quanh vấn đề áp trần giá sữa.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
 
Thưa Bộ trưởng, một người dân nhận định động thái áp trần giá sữa của Bộ Tài chính thể hiện quyết tâm trong việc bình ổn giá sữa cho trẻ em nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần minh bạch cách tính giá sữa. Bộ Tài chính cũng vừa có cuộc thanh tra toàn diện 5 doanh nghiệp sữa lớn. Vậy Bộ có thể công khai các sai phạm trong cách tính chi phí của các công ty sữa để người dân biết hay không?
 
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014, chúng tôi đã thanh tra các công ty và thấy rằng 5 công ty đều tăng giá bán sữa và không có điều chỉnh giảm.
 
Bộ Tài chính đã tiến hành xử lý sau kết luận thanh tra: Thứ nhất, tiến hành xử phạt hành chính 1 công ty kê khai thiếu mặt hàng sữa có tăng giá theo quy định tại khoản 3 điều 11 Nghị định số 109 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính. Thứ hai, tiến hành truy thu 4/5 công ty số tiền thuế kê khai thiếu phải nộp là 10,2 tỷ đồng. Thứ ba, yêu cầu cả 5 công ty này phải tiến hành rà soát, tiết giảm chi phí để đảm bảo giá bán thấp đi, đặc biệt là các chi phí chưa hợp lý, hợp lệ về quảng cáo, khuyến mại và tiếp thị với số tiền là 386 tỷ đồng. Qua kết luận thanh tra và kết quả thanh tra, Bộ Tài chính kiến nghị với Chính phủ áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật về quản lý giá.
 
Một học giả nhận định trong cơ chế thị trường, việc khống chế giá trần là một biện pháp quản lý hành chính chỉ có thể áp dụng trong các trường hợp đặc biệt. Vậy tại sao Bộ Tài chính quyết định áp dụng biện pháp này với mặt hàng sữa cho trẻ em, thưa Bộ trưởng?
 
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Chúng tôi căn cứ vào các quy định tại Điều 15,16,17 và 18 của Luật Giá, trong đó có quy định sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là sản phẩm nằm trong Danh mục bình ổn giá, và trong đó cũng quy định thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quy định áp dụng bình ổn giá (ở đây là Chính phủ).
 
Căn cứ thứ hai là khi Bộ Tài chính báo cáo kết quả thanh tra, kiến nghị biện pháp thì Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 29 về chủ trương bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Các chủ trương cụ thể theo quy định tại khoản 4, khoản 7, Điều 17 đã được Chính phủ thống nhất thông qua trong Nghị quyết.
 
Thứ ba, xuất phát từ diễn biến thị trường trong năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014 cùng các kết quả thanh tra, Bộ Tài chính đã phát hiện những yếu tố bất hợp lý về giá cả, chi phí của sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
 
Về kinh doanh, chúng ta quản lý giá sữa theo cơ chế thị trường, nhưng phải đảm bảo có sự quản lý của Nhà nước theo chủ trương chung. Trong vấn đề này phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, Nhà nước và người tiêu dùng, đặc biệt ở đây người tiêu dùng là đối tượng rất nhạy cảm-trẻ em dưới 6 tuổi, mà theo thống kê của chúng tôi hiện nay, nước ta có khoảng 10 triệu trẻ em dưới 6 tuổi.
 
Bộ Tài chính cũng nghiên cứu và thấy rằng việc chúng ta áp dụng giá trần hoàn toàn không vi phạm cam kết quốc tế. Ví dụ, Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) cũng nói là việc này phải không để ảnh hưởng đến những nước xuất khẩu sữa vào Việt Nam, đồng thời chúng ta cũng bảo đảm khả năng cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Đây là những căn cứ rất quan trọng để Bộ Tài chính áp dụng biện pháp bình ổn giá sữa theo giá trần.
 
Thưa Bộ trưởng, ngay sau khi Bộ Tài chính có quyết định áp trần giá sữa vào giữa tuần qua thì nhiều người dân băn khoăn: Tại sao Bộ Tài chính lại chọn 25 mặt hàng sữa trong danh mục công bố để áp trần giá sữa trong khi trên thị trường hiện có hàng trăm nhãn hàng sữa?
 
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Như trên tôi đã nói, khi thanh tra 5 doanh nghiệp sữa thì các doanh nghiệp này đã chiếm tới 90% thị phần sữa tại Việt Nam và 25 sản phẩm sữa công bố lần này cho trẻ em dưới 6 tuổi cũng chiếm trên 60% thị phần sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Do là việc làm lần đầu tiên nên Bộ Tài chính sẽ tiếp tục từng bước điều chỉnh và ngay trong quyết định áp trần giá sữa, Bộ cũng quy định các sản phẩm còn lại phải căn cứ vào đây và phương pháp hướng dẫn để doanh nghiệp đăng ký giá với cơ quan Nhà nước. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục công nhận trên cơ sở khung giá hợp lý.
 
Thưa Bộ trưởng, sữa là một mặt hàng rất đặc thù và việc định giá cũng không đơn giản. Chỉ cần thay đổi một chút mẫu mã, thay đổi một hàm lượng nhỏ về chất béo, chất đạm trong công thức sữa là giá có thể thay đổi ngay. Vậy Bộ Tài chính làm thế nào để mức giá trần đưa ra đảm bảo được thị trường công nhận là hợp lý?
 
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Theo quy định quyết định về công bố giá trần, ngoài 25 sản phẩm, khi doanh nghiệp có thay đổi mẫu mã, hàm lượng và tên gọi sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, thì doanh nghiệp phải đăng ký và cơ quan quản lý giá có quyền kiểm tra chi phí theo phương pháp chi phí và phương pháp so sánh.
 
Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng phải phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để xác định chất lượng sữa, để đảm bảo phương pháp so sánh và phương pháp chi phí phải phù hợp, từ đó đề ra giá trần cụ thể.
 
Thưa Bộ trưởng, một bà mẹ ở vùng núi băn khoăn: Liệu các hãng sữa có lấy lí do chi phí vận chuyển cao để áp giá giá cho những khách hàng ở vùng sâu, vùng xa mức giá trần cao hơn mức giá trần ở thành phố hay không? Làm thế nào để Bộ Tài chính giám sát được việc thực hiện nghiêm giá trần này ở tất cả các vùng miền trên cả nước?
 
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Băn khoăn nói trên là hoàn toàn hợp lý. Theo quyết định, giá trần là áp dụng chung cho cả nước. Nên tôi cho rằng doanh nghiệp phải có chiến lược kinh doanh chiếm lĩnh thị trường, phải có những bài toán cụ thể, ví dụ, cùng một loại sữa, bán ở Hà Nội một giá còn bán ở miền núi có thể với giá khác, nhưng tất cả đều phải nằm trong khung quy định của Bộ Tài chính.
 
Để kiểm tra, giám sát việc này, trong quyết định cũng đã yêu cầu UBND các cấp, đặc biệt là các cơ quan chức năng của địa phương phải vào cuộc trong việc phối hợp giám sát. Nếu có trường hợp giá bán cao hơn giá trần công bố thì cơ quan chức năng sẽ thanh tra, kiểm tra để xử lý.

Nguồn: chinhphu.vn

Các tin khác