(Congannghean.vn)- Với mục tiêu tiếp tục có lãi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị Chính phủ cho tăng giá điện bán ra vào năm 2014 ít nhất 34 đồng/kWh. Có thể trong tháng 4 này, Chính phủ sẽ đồng ý cho EVN tăng giá điện. Sau gas tăng, điện tăng, nước tăng… người dân tiếp tục gánh chịu những chi phí sinh hoạt và sản xuất trong khi nguồn thu nhập đang có dấu hiệu giảm xuống.
Đặt mục tiêu toàn tập đoàn sản xuất kinh doanh điện có lãi và giá bán điện bình quân năm 2014 tăng lên 1.533,09 đồng/kWh. Như vậy, giá điện năm 2014 sẽ tăng thêm ít nhất 34 đồng/kWh để đảm bảo các mục tiêu trên. Nếu tính trên tổng sản lượng điện thương phẩm trong năm 2014 dự kiến đạt 126,5 tỉ kWh, EVN sẽ có thêm hơn 4.300 tỉ đồng doanh thu nhờ việc tăng giá điện này. Mặt khác, EVN cũng đặt mục tiêu trả nợ gốc và lãi vay gần 33.000 tỉ đồng trong năm 2014. EVN đưa ra dự kiến trong năm 2014, sẽ sản xuất và mua 140,5 tỉ kWh, trong đó, tăng 10% so với năm 2013, giảm tỉ lệ tổn thất điện năng xuống 8,45%, tiết kiệm điện phấn đấu đạt 2%.
Muốn tăng giá điện, EVN sẽ phải tuân thủ theo Thông tư 12/2014/TT-BCT của Bộ Công thương vừa ban hành về quy định tính toán mức giá bán lẻ điện bình quân là một văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, đối với trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 7% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN sẽ phải trình Bộ Công thương xem xét, chấp thuận phương án điều chỉnh giá bán điện.
Việc tăng giá là một cách để người dân gánh nợ thay cho EVN |
Với mức điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc ngoài phạm vi khung giá quy định, EVN phải báo cáo Bộ Công thương và Bộ Công thương (sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính) sẽ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, với phạm vi điều chỉnh tăng từ dưới 7%, EVN được quyền tự thực hiện điều chỉnh giá bán điện và phải công bố công khai thông tin điều chỉnh giá điện. Theo các chuyên gia kinh tế, với những quy định này, cùng với việc từ ngày 1/1/2014, giá than cho điện đã được điều chỉnh theo giá thị trường với mức tăng từ 4 - 10%, thì việc tăng giá điện là khó tránh khỏi trong 1 - 2 tháng tới.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành quyết định quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Biểu giá này đánh mạnh vào những gia đình tiêu thụ điện mạnh và nhằm khuyến khích người dân tiết kiệm điện. Quy định giá bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt gồm sáu bậc theo mức tăng dần. Cụ thể: Giá điện bậc 1 được tính từ 0 - 50 kWh bằng 92% so với giá bán điện bình quân; bậc 2: Từ 51 - 100 kWh bằng 95%; bậc 3: Từ 101 - 200 kWh bằng 110%; bậc 4: Từ 201 - 300 kWh bằng 138%; bậc 5: Từ 301 - 400 kWh bằng 154%; bậc 6: Từ 401 kWh trở lên bằng 159%. Hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện sinh hoạt.
Mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1. Hộ chính sách xã hội, có lượng điện sinh hoạt sử dụng không quá 50 kWh, được hỗ trợ tiền điện tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1. Tùy theo giờ sử dụng, giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất, kinh doanh được áp dụng theo ba mức, tùy theo giờ sử dụng thấp điểm, bình thường và cao điểm. Đối với điện sản xuất, giá bán bằng 84 - 150% so với mức bán lẻ điện bình quân. Còn giá bán lẻ điện cho đối tượng kinh doanh, giờ thấp điểm 75%, giờ cao điểm 248% so với giá bán lẻ điện bình quân. Theo các chuyên gia phân tích thì quyết định này là bước đệm để EVN chuẩn bị tăng giá điện.
Nghệ An là tỉnh đông dân thứ 4 trong cả nước với khoảng 3,5 triệu người nên lượng tiêu thụ điện là rất cao. Việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân vốn đã khó khăn này. Chị Nguyễn Thị Hải ở xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Gia đình tôi làm nghề trồng rau, mỗi tháng chúng tôi tốn hơn 1 triệu đồng tiền điện do sử dụng máy bơm nước liên tục vào mùa hè, mùa đông thì thắp điện sưởi ấm. Giá rau ngày càng xuống thấp, thu nhập chẳng được bao nhiêu nên giá điện tăng đã trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của chúng tôi.
Mỗi tháng nếu tăng thêm chi phí tiền điện 100.000 đồng trong khi rau quả không tăng thì nguồn thu ngày càng thấp”. Một chủ doanh nghiệp khai thác và chế biến đá trắng ở Quỳ Hợp bức xúc: “Hết xăng tăng giờ nếu điện cũng tăng thì doanh nghiệp ở Quỳ Hợp phá sản ngày càng nhiều, bởi đầu ra của đá trắng rất hạn chế, giá thành lại giảm sâu nên doanh nghiệp ở đây đang sống dở, chết dở. Mỗi tháng trung bình tôi phải thanh toán trên 100 triệu đồng tiền điện, nếu tăng thì mỗi năm tôi phải chi phí thêm gần 100 triệu đồng. Nguồn thu đã giảm nay nguồn chi càng tăng thì doanh nghiệp thêm khốn đốn”.
Rõ ràng, tiêu thụ điện là nhu cầu thường xuyên và liên tục của người dân, nó là một khoản cố định trong chi phí sinh hoạt. Tăng giá điện gắn liền với chi phí sinh hoạt của mỗi gia đình, là nỗi lo thường trực khi đến ngày nạp tiền điện. Chính vì vậy, khi EVN đề nghị cho tăng giá điện, người dân rất quan tâm và tỏ thái độ không đồng tình. Bộ Công thương cần xem xét lộ trình tăng giá điện một cách hợp lý để tránh việc người dân gồng mình trả nợ cho EVN.