Kinh tế xã hội
Khám phá đường dây buôn lậu xăng dầu lớn trên biển
08:56, 08/04/2014 (GMT+7)
Để bảo đảm an ninh quốc gia, lực lượng trinh sát thuộc Tổng cục An ninh II - Bộ Công an đã luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, mưu trí, dũng cảm, sắc bén trong hoạt động nghiệp vụ, tập trung đánh mạnh, đánh trúng các loại đối tượng, khám phá thành công nhiều chuyên án lớn, trong đó có chuyên án buôn lậu xăng dầu diễn ra trên vùng biển Thanh Hóa mới đây.
Hoạt động buôn lậu xăng dầu tinh vi trên biển
Thời gian gần đây, tại vùng biển Thanh Hóa diễn ra hoạt động buôn lậu xăng dầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh kinh tế. Đầu mối chính, nguy hiểm nhất của hoạt động buôn lậu này là Công ty Hoàng Sơn (Thanh Hóa). Đi sâu điều tra, xác minh, trinh sát thuộc Cục An ninh kinh tế tổng hợp - Tổng cục An ninh II được biết các đối tượng buôn lậu của Công ty Hoàng Sơn sử dụng tàu biển có tải trọng lớn để mua dầu ở nước ngoài, vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Hoạt động trên diễn ra trong thời gian dài, nên có thông tin cho rằng có sự tiếp tay, làm ngơ của các cơ quan chức năng! Đây là đường dây buôn lậu xăng dầu lớn, được tổ chức tinh vi, liên tỉnh, trung bình 1 tháng nhóm đối tượng này nhập lậu vào thị trường nội địa khoảng từ 5 đến 10 nghìn tấn xăng dầu. Chỉ tính riêng thuế nhập khẩu, bọn chúng đã trốn khoảng 20 - 25 tỷ đồng/tháng. Đáng chú ý, ngày 28/7/2012 cơ quan Hải quan đã bắt giữ 1.439 tấn xăng A92 của nhóm đối tượng này trên vùng biển Nam Định, đã khởi tố chuyển Bộ Công an tiếp tục điều tra theo quy định nhưng ngay sau đó, các đối tượng lại tiếp tục liều lĩnh buôn lậu xăng dầu.
Các trinh sát khám xét tàu An Bình 126 |
Kết quả điều tra, xác minh xác định đường dây vận chuyển và buôn lậu này gồm 2 đối tượng chính là Nguyễn Trường Sơn, biệt danh “Sơn sắt”, Phó giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn, ở địa chỉ số 9 Triệu Quốc Đạt, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đối tượng cầm đầu hoạt động buôn lậu; đối tượng Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn (là vợ đối tượng Sơn “sắt”). Sau khi thống nhất số lượng, chủng loại và giá cả, Sơn chỉ đạo Phương chuyển tiền cho đối tượng ở nước ngoài. Sau khi nhận đủ tiền, đối tượng nước ngoài thông báo cho Sơn về thời gian, tọa độ giao hàng. Để che giấu hành vi buôn lậu xăng dầu, vợ chồng Sơn - Phương đã thành lập thêm Công ty TNHH Thương mại và vận tải xăng dầu An Bình, thuê Hoàng Kiếm Bình làm Giám đốc. Khi hàng lậu chuẩn bị đến vùng biển Việt Nam, Sơn chỉ đạo Bình điều các tàu đi nhận hàng. Các đối tượng chuẩn bị giấy tờ nhằm hợp thức hóa nguồn gốc số dầu lậu gồm: phiếu xuất kho và lệnh điều động tàu phù hợp với lượng dầu nhập lậu. Theo thời gian và tọa độ đã được thông báo, các tàu của Công ty An Bình tiếp cận tàu nước ngoài tại hải phận quốc tế để bơm dầu. Sau khi nhận đủ số lượng, hai bên cử đại diện ký biên bản xác nhận số lượng dầu.
Công ty Hoàng Sơn còn ma mãnh sử dụng 01 tàu có trọng tải 5.300 tấn và 01 tàu mua của nước ngoài nhưng không nhập khẩu về Việt Nam để vận chuyển về Việt Nam mỗi lần khoảng 2.000 - 5.000 tấn xăng hoặc dầu. Đến vùng biển giáp ranh giữa Nam Định và Thanh Hóa, chúng cho tàu neo đậu. Sau đó, chúng sử dụng 5 tàu con chạy ra địa điểm “tàu mẹ” đang neo đậu, bơm toàn bộ số xăng dầu rồi chạy vào bờ, bơm tiếp xăng dầu vào 2 pông - tông nổi (ụ nổi chứa xăng dầu) của Công ty TNHH Hoàng Sơn ở gần chân cầu Hoàng Long. Sau khi các tàu con bơm dầu vào 2 pông - tông, đối tượng Phương đã hợp thức hóa chứng từ xuất bán cho các công ty tại các tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Nghệ An nhằm thực hiện hành vi buôn lậu, trốn thuế.
Để tránh bị phát hiện, nhóm đối tượng này hoạt động rất tinh vi, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng chứng từ, hóa đơn cũng như hợp đồng vận chuyển để đối phó với các lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Cụ thể, khi các tàu con ra cặp mạn tàu lớn để bơm hàng, đối tượng Phương đã chuẩn bị trước các hóa đơn giá trị gia tăng (bản photo) và hợp đồng vận chuyển nhằm chứng minh nguồn gốc lượng xăng dầu trên các tàu đúng bằng lượng xăng dầu ghi trong hóa đơn, có hợp đồng vận chuyển của đơn vị bán hàng và lúc này đối tượng Phương chỉ đạo bộ phận kế toán của Công ty viết hóa đơn đúng theo “hóa đơn photo” để hợp thức hóa. Vì thế, nếu không bị bắt giữ quả tang thì đây sẽ là lượng xăng dầu có nguồn gốc hợp pháp!
Trinh sát lấy lời khai đối tượng (thứ 2, bên phải) ngay trên tàu An Bình 126 |
Phá án trên biển
Để bóc gỡ thành công đường dây buôn lậu xăng dầu trên biển nguy hiểm này, lãnh đạo Tổng cục An ninh II trực tiếp báo cáo Bộ trưởng Trần Đại Quang và Thứ trưởng Tô Lâm, đề xuất kế hoạch đấu tranh, bắt quả tang hoạt động buôn lậu xăng dầu của Công ty Hoàng Sơn. Được sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục An ninh II đã xây dựng kế hoạch trinh sát, lên phương án bắt quả tang đối tượng đang gây án.
Các đối tượng buôn lậu dùng thủ đoạn sang chiết dầu lậu ở ngoài khơi, trên những tàu trọng tải lớn; chọn thời điểm biển động, có sóng to, gió lớn để gây nguy hiểm cho lực lượng chức năng khi tổ chức bắt quả tang. Cầm đầu đường dây buôn lậu này là đối tượng manh động, liều lĩnh, có quan hệ xã hội phức tạp với nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự ở Hải Phòng, Quảng Ninh, được trang bị vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện; thậm chí, các đối tượng còn sẵn sàng xả hàng gây cháy, nổ hòng tiêu hủy tang vật, đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân và cán bộ, chiến sỹ tham gia chuyên án. Sau khi chuẩn bị chu đáo các phương án tiếp cận, bắt quả tang đối tượng gây án, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia chuyên án, 4 giờ ngày 17/12/2013, tại cửa Hới - Thanh Hóa, Tổng cục An ninh II đã huy động trên 170 cán bộ, trinh sát, bắt quả tang các đối tượng trên tàu An Bình 126, tàu An Bình 01 và 10 thuyền viên của Công ty TNHH Thương mại và vận tải xăng dầu An Bình (Công ty An Bình) đang hoạt động buôn lậu 1.640 tấn dầu. Cùng ngày, Cơ quan An ninh Điều tra - Bộ Công an đã ra lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với 05 đối tượng về tội “Buôn lậu”, quy định tại Điều 153 - Bộ luật Hình sự.
Từ trái qua phải: Đối tượng Nguyễn Trường Sơn, đối tượng Nguyễn Thanh Phương, đối tượng Hoàng Kiếm Bình |
Các đối tượng Sơn và Phương khai nhận đã mua lậu khoảng 2.600 m3 dầu DO của đối tượng nước ngoài và đã đặt cọc trước 26 tỷ đồng, giá mua khoảng 20.000 đồng/lít DO. Nếu phi vụ trót lọt, chúng bán lại cho khách hàng Việt Nam khoảng 21.000 đồng/lít. Ngày 16 và 17/12/2013, biển động nên chỉ có tàu An Bình 126 cập mạn để hút khoảng 1.800 m3 dầu từ tàu nước ngoài. Trước khi đi nhận hàng, Nguyễn Văn Tha (thuyền trưởng tàu An Bình 126) được Hoàng Kiếm Bình, Giám đốc Công ty An Bình đưa cho phiếu xuất kho số 05 ngày 14/12/2013 và lệnh điều động số 08/QDĐT ngày 14/12/2013 của Công ty An Bình nhằm hợp thức hóa số dầu lậu trên tàu, đối phó với cơ quan chức năng. Sau đó, vận chuyển về đến vùng biển Hoàng Thanh (Thanh Hóa), đang bơm sang tàu An Bình 01 thì bị cơ quan chức năng bắt quả tang. Các đối tượng có liên quan đã khai nhận hành vi phạm tội. Căn cứ mức độ sai phạm, sau khi thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ngày 25/12/2013, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam trong thời hạn 04 tháng đối với: Nguyễn Trường Sơn, Nguyễn Thanh Phương, Nguyễn Ngọc Châu và Nguyễn Văn Tha về tội buôn lậu. Riêng Hoàng Kiếm Bình, do không có mặt tại địa phương, cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt.
Theo lời khai của các đối tượng, ngoài chuyến buôn lậu bị phát hiện, bắt giữ ngày 17/12/2013, cũng với phương thức, thủ đoạn trên, trong năm 2013, Sơn cùng đồng bọn còn tổ chức 02 lần buôn lậu dầu nữa. Quá trình bắt, khám xét, ngoài việc tạm giữ số lượng dầu phạm tội quả tang trên 02 tầu, còn thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội của các đối tượng.
Đây là vụ án buôn lậu quốc tế với phương thức, thủ đoạn tinh vi. Hành vi phạm tội của các đối tượng không chỉ xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, mà nghiêm trọng hơn, còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ chế, chính sách của Nhà nước về quản lý tiêu thụ xăng dầu, gây lũng đoạn thị trường giá cả trong nước, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Nếu vụ án không được khám phá, Nhà nước tiếp tục bị thiệt hại về thuế lên đến hàng trăm tỷ đồng/tháng, đồng thời gây bức xúc, nghi ngờ trong nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật; qua vụ án, góp phần “bịt” những kẽ hở mà phía nước ngoài lợi dụng để bán xăng dầu lậu, tiếp tay cho các đối tượng là người Việt Nam. Do đó, vụ án đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, của lãnh đạo Bộ Công an. Đặc biệt, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an đã trực tiếp chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn và điều tra, xử lý trước pháp luật các hoạt động buôn lậu xăng dầu trên biển. Với chiến công xuất sắc nêu trên, các đơn vị, cá nhân tham gia điều tra, khám phá vụ án đã được đề xuất Chính phủ, Bộ Công an khen thưởng.
Nguồn: CAND