Kinh tế xã hội

Khai thác sản vật núi rừng quá mức: Lợi ít, hại nhiều

08:52, 02/04/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Mùa nắng cũng như mùa mưa, không ít đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Tương Dương lại kéo nhau vào rừng để tìm, khai thác mây rừng, đót, nứa... Việc khai thác ồ ạt đã tồn tại từ lâu đời với đồng bào miền núi. Tình trạng này đang dẫn đến nguy cơ cạn kiệt các nguồn lợi từ rừng.

Trong nhiều chuyến công tác tới vùng sâu, vùng xa huyện miền núi, chúng tôi đã bắt gặp nhiều người dân vào rừng khai thác các sản vật phụ rất nhộn nhịp. Tại nhiều khu rừng già, kể cả các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia, đâu đâu cũng thấy bước chân của những người dân đi tìm đót, măng đắng, nứa...

Người dân tập kết nứa sau một ngày vào rừng khai thác
Người dân tập kết nứa sau một ngày vào rừng khai thác

Ở những xã miền núi vốn nhiều khó khăn như Tương Dương, việc người dân vào rừng tìm kiếm, khai thác “lộc rừng” để có tiền trang trải một phần cuộc sống là chuyện thường ngày. Qua tìm hiểu người dân tại các địa phương, chúng tôi được biết, những người vào rừng tìm kiếm, khai thác “lộc rừng” chủ yếu là người nghèo, những gia đình khó khăn về kinh tế, thiếu đất sản xuất…

Tùy theo từng mùa, rừng lại cho những loại “lộc rừng” khác nhau. Bên cạnh khai thác nứa và đót, không ít người dân ở miền núi còn vào rừng kiếm măng đắng, cây mây rừng…Theo nhiều người dân thì mùa này vào rừng chặt mây là thuận lợi, bởi rừng khô ráo, dây mây đến độ già, chắc, nặng. Tuy nhiên, phải vào tận rừng sâu mới có. Tuy vất vả, nhưng các sản vật của rừng đã gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân nơi đây.

Không thể phủ nhận vai trò của những sản vật phụ từ núi rừng mang lại cho người dân tại các địa phương miền núi, đặc biệt là các hộ nghèo có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, khi hoạt động mua, bán càng diễn ra sôi nổi, lượng người đi khai thác ngày càng đông thì các sản vật này ngày càng trở nên cạn kiệt. Bởi vậy, vấn đề đặt ra với người dân cũng như chính quyền địa phương là, phải khai thác một cách hợp lý, tránh tình trạng “tàn phá” rừng, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Qua câu chuyện với người dân địa phương, chúng tôi được biết, hiện nguồn lợi từ rừng như: Nứa, mây rừng, đót, măng đắng… đang dần cạn kiệt. Đó là điều rất đáng lo đối với đời sống của người dân vốn phụ thuộc nhiều vào rừng. Vì vậy, địa phương cần có kế hoạch bảo vệ để mây rừng, nứa… có cơ hội phục hồi, tránh tình trạng khai thác ồ ạt nhưng kém hiệu quả như hiện nay.

Trường Khuyên

Các tin khác