Angola không phải là thị trường mới mẻ với lao động Việt Nam, bởi trước khi Bộ LĐ-TB&XH cho phép 4 doanh nghiệp dịch vụ trong nước đưa lao động sang Angola thì đã có khoảng hơn 3 vạn lao động Việt Nam sang Angola làm việc, phần lớn là đi “chui”. Tuy nhiên, khi đưa lao động sang một cách hợp pháp, có hợp đồng lao động, DN xuất khẩu lao động Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. “Nếu không thẩm định được chắc chắn chủ sử dụng, nguy cơ rủi ro là rất lớn”, người đứng đầu một trong bốn doanh nghiệp XKLĐ đang được thí điểm đưa lao động sang thị trường này chia sẻ.
Ngày 13/4, ông Lê Xuân Luyện, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng, dịch vụ và hợp tác lao động (Oleco) cho PV Báo CAND biết, công ty đang hoàn thiện thủ tục để trong tháng 4 này, 25 lao động đầu tiên được công ty tuyển chọn theo yêu cầu của đối tác người Angola sẽ xuất cảnh. Đây là mẻ lao động đầu tiên trong chỉ tiêu 50 lao động của đơn hàng công ty đã ký.
Ông Luyện đang rất trông đợi vào kết quả của đơn hàng này để mở ra những hợp đồng tiếp nhận lao động tiếp theo, tạo việc làm thu nhập khá cao từ 800 đến 1.000 USD/tháng cho người lao động. Để chuyển một bước từ thói quen trước đây đi “chui”, giờ người lao động đi qua công ty được ký kết hợp đồng lao động, được phía chủ sử dụng cam kết mua bảo hiểm, cũng đồng nghĩa với việc DN dịch vụ phải đứng ra giải quyết những phát sinh khi người lao động đặt chân đến Angola nên nếu làm không chắc chắn, không lăn lộn trực tiếp đi tìm hiểu thị trường, tìm hiểu và thẩm định kỹ đối tác thì DN dịch vụ Việt Nam rất dễ ngậm “trái đắng” khi mà giữa hai đất nước có sự khác biệt về văn hóa, khí hậu.
Nhu cầu tiếp nhận lao động phổ thông và kỹ sư trong ngành Xây dựng của Angola còn rất lớn |
Một vấn đề đang đặt ra đối với cả 4 DN đang thí điểm đưa lao động sang Angola là Công ty Oleco, Công ty cổ phần Phát triển quốc tế Việt Thắng (VTC Corp), Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực Hoàng Long và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu chuyên gia, lao động và kỹ thuật (IMS) chính là nguồn lao động. Ở một thị trường thu nhập khá cao nhưng người lao động, thậm chí khi đã đăng ký và trúng tuyển rồi vẫn còn rất do dự.
Do dự vì trước đó, khi thị trường chưa cho phép DN chính thức làm, đã có nhiều trường hợp lao động bị lừa, thu phí cao đưa sang Angola, rồi để họ phải tự tìm, liên hệ công việc. Do dự vì khi bỏ chi phí rồi thì sợ sang đó không chịu được thời tiết khắc nghiệt… Tuy nhiên, những vấn đề về công việc, thu nhập đã được DN đứng ra lo, nhưng thực tế mà DN phải đối mặt đấy là tình trạng đùng một cái lao động bỏ giữa chừng, không đi nữa. Tệ nhất là khi hồ sơ đã sẵn sàng gửi ĐSQ Angola tại Việt Nam làm thủ tục cấp visa. Chi phí làm visa sang Angola lại khá cao, lên tới 1.900 USD. “Khi lao động đã có đủ hồ sơ vào làm visa, nếu bỏ phỏng vấn thì DN XKLĐ vẫn phải nộp phí là 1.900 USD/người thì những người còn lại mới được làm visa. Một đơn hàng có từ 20-30 lao động mà có vài lao động bỏ thì DN mất lãi…”, ông Lê Xuân Luyện cho hay.
Hơn 20 lao động của Công ty VTC Corp được đối tác là một chủ DN người Angola cẩn thận đưa kỹ sư người Philippines sang tuyển lao động một cách kỹ lưỡng từ tháng 2, nhưng đến thời điểm này, Công ty VTC Corp vẫn chưa thể hoàn thiện thủ tục cho lao động xuất cảnh. Vấn đề ở chỗ nằm ngoài chi phí 1.900 USD làm visa, phía đối tác yêu cầu DN Việt Nam làm đúng các yêu cầu tiêu chuẩn đưa lao động, chuyên gia vào Angola với 4 loại giấy tờ cần phải được ĐSQ Angola tại Việt Nam chứng thực. Mà theo như phía cơ quan này thông báo, chi phí mỗi loại giấy tờ lên tới 150 USD, như vậy với 4 loại giấy tờ này, người lao động phải bỏ ra thêm 600 USD/người.
Ông Nguyễn Vạn Xuân, Chủ tịch HĐQT Công ty VTC Corp cho biết, về vấn đề này, công ty đã trao đổi với phía đối tác. Trong lần trao đổi gần nhất thì chủ sử dụng cho biết, họ đang đàm phán với cơ quan ngoại giao để giảm chi phí xuống, tạo cơ hội việc làm cho người lao động, đồng thời không để họ phải đội thêm chi phí. Để có đơn hàng cung ứng gần 100 lao động, gồm cả lao động phổ thông, kỹ sư xây dựng sang Angola, mức lương từ 800 đến 950 USD/tháng, chế độ bảo hiểm được chủ sử dụng mua cho, ông Xuân cũng phải bỏ nhiều thời gian và chi phí đi tìm hiểu thị trường. Tuy nhiên, việc hoàn thiện thủ tục cũng còn vướng mắc, sợ nữa là lỡ lao động bỏ cuộc giữa chừng.
Cho đến thời điểm hiện tại, mới có hơn 40 lao động ngành Xây dựng được Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực Hoàng Long đưa sang Angola vào ngày 24/1 theo hợp đồng đầu tiên cung ứng 110 lao động. Người lao động được ký hợp đồng ba năm, lương hằng tháng được chủ sử dụng gửi về Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo ước tính của ĐSQ Việt Nam tại Angola, có trên 30 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc tại Angola. Đi về danh nghĩa, giấy tờ là hợp pháp nhưng thực chất lại không hợp pháp khi không có hợp đồng ký với chủ sử dụng. Bộ LĐ-TB&XH đang tiếp tục tăng cường thảo luận để ký với Angola Hiệp định về dạy nghề, lao động và an sinh xã hội.
Dù đang làm thí điểm, doanh nghiệp XKLĐ cần đủ tỉnh táo, đủ thông tin để thực hiện chắc chắn các hợp đồng đã ký, tạo uy tín với đối tác và mở tiếp cơ hội cho lao động Việt Nam sang làm việc hợp pháp, được đảm bảo quyền lợi tại quốc gia châu Phi này.
.