Kinh tế xã hội

Cứu đàn voi: Chờ đến bao giờ?

08:03, 08/04/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Dự án phê duyệt kế hoạch hành động khẩn trương bảo vệ đàn voi đã được phê duyệt từ năm 2006, sau nhiều lần gia hạn và lên kế hoạch hành động cụ thể, đến nay vẫn chưa thể triển khai vì không có nguồn kinh phí. Trong khi đó, thời gian qua, liên tiếp xảy ra nhiều vụ xung đột giữa người và voi khi rừng bị thu hẹp, đàn voi thường xuyên xuất hiện làm thiệt hại đến con người, nhà cửa và mùa màng, đe dọa cuộc sống của hàng trăm người sống trong vùng bị ảnh hưởng.
 
Khi con người trở thành nạn nhân của voi
 
Theo thống kê, trong nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ xung đột giữa voi và người, làm chết người, thiệt hại nhà cửa, mùa màng. Khu vực xung đột nhiều nhất ở bản Cao Vều và Bãi Lim, thuộc xã Phúc Sơn (Anh Sơn). Trước đây, mỗi năm đàn voi thường kéo nhau về dịp mùa măng, mùa mía, nhưng từ mấy năm nay, voi về liên tục, không theo quy luật nào. Năm 2011, khi đang ngủ trong lán ở khu vực rừng Bãi Cồi ở bản Cao Vều, anh Vi Văn Sinh (41 tuổi) ở xã Lục Dạ (Con Cuông) đã bị voi về quật chết. Tháng 4/2013, đàn voi về khu vực Khe Ráy, xã Phúc Sơn, tiếp tục quật chết anh Lương Văn May (SN 1982) ở xã Tam Thái (Tương Dương) khi anh này đang đi bắt cá dưới suối. Trước đó, vào năm 2006, một đàn voi rừng gồm 5 con đã tràn về Bãi Lim phá hoại hoa màu của bà con và quật đổ ngôi nhà của anh Trần Văn Đường, tấn công anh Nguyễn Hữu Thân khiến anh này bị gãy xương phải đi cấp cứu.
 
Mới đây nhất, 3h ngày 6/3/2014, một đàn voi 6 con, gồm 1 con voi mẹ, 1 voi đực, 1 con voi trưởng thành và 3 voi con đã bất ngờ xuống núi, càn phá bãi mía của người dân tại bản Cao Vều 4, xã Phúc Sơn. Người dân cùng lực lượng chức năng đã dùng các biện pháp thủ công xua đuổi voi nhưng không thành công. Sau hơn một ngày phá ruộng mía của người dân, voi đã tự quay về rừng. Hậu quả, hơn 5 ha mía của dân đã bị phá nát. Trước đó một tháng, đàn voi này cũng đã về phá nhà, hoa màu của một gia đình ở bản Cao Vều 1.
 
Người dân bên ruộng mía bị voi phá nát
Người dân bên ruộng mía bị voi phá nát
 
Bảo vệ khẩn cấp nhưng không có vốn
 
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 733 ngày 16/5/2006, về việc phê duyệt kế hoạch hành động khẩn trương bảo vệ đàn voi tại Việt Nam đến năm 2010 và Quyết định phê duyệt kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi trên địa bàn Nghệ An, UBND tỉnh đã giao cho Vườn Quốc gia Pù Mát xây dựng kế hoạch bảo vệ đàn voi trên địa bàn. Tháng 10/2008, Nghệ An là tỉnh đầu tiên trong cả nước được phê duyệt kế hoạch bảo tồn đàn voi. Tuy vậy, sau khi phê duyệt xong thì dự án đành phải dừng lại vì không có nguồn vốn. Tỉnh không có nguồn kinh phí, trung ương cũng không cấp và đến năm 2010 thì hết thời hạn thực hiện.
 
Trước vấn nạn voi rừng tiếp tục bị sát hại trên cả nước, ngày 21/5/2013, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Quyết định phê duyệt tổng thể bảo vệ đàn voi rừng đến năm 2020. Trên cơ sở này, ngày 19/10/2013, UBND tỉnh đã có Quyết định số 4796 phê duyệt đề án bảo tồn voi khẩn cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Theo đó, trong thời gian này, phải ngăn chặn được sự suy giảm về số lượng cũng như bảo tồn và phát triển được đàn voi trên địa bàn. Đồng thời, ngăn chặn được tình trạng xung đột giữa voi và người, qua đó, bảo vệ môi trường sống và hành lang di chuyển của voi trong tự nhiên. Dự án này được thực hiện tại vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt. Kinh phí thực hiện gần 87 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương xấp xỉ 70 tỉ đồng, còn lại là nguồn vốn của địa phương.
 
 
Ông Trần Xuân Cường - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết thêm, thực trạng đàn voi tại Nghệ An hiện nay, qua khảo sát hiện còn khoảng 17 cá thể, thường xuyên xuất hiện tại vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia Pù Mát; vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và vùng lõi, vùng đệm của Pù Hoạt. Trong đó, quy mô đàn ổn định nhất là ở Pù Mát với 2 đàn ở vùng lõi và 1 đàn ở vùng đệm. Đến nay, khó khăn lớn nhất là tình trạng voi ra ngoài dân tác động, tập trung chủ yếu ở vùng Cao Vều (Anh Sơn). Ngoài ra, ở vùng Bắc Sơn (Quỳ Hợp) cũng có 1 con và 1 đàn thường xuất hiện tại Tam Hợp (Tương Dương).
 
Lý do voi thường xuất hiện tại những địa điểm này, theo ông Cường thì từ trước đến nay, voi vẫn xuất hiện bình thường không có vấn đề gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, gần đây khi thực hiện dự án trồng cây cao su và chuyển đổi Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn sang Công ty Cao su Anh Sơn thì diện tích rừng bị thu hẹp nên vùng sống của voi cũng bị thu hẹp hơn.
 
Voi rừng ở Nghệ An đang đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại, dẫn đến việc voi thường di chuyển đến các vùng dân cư ven rừng để tìm nguồn thức ăn, gây nên sự xung đột giữa người và voi ngày càng nhiều và nghiêm trọng, nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả thì dễ dẫn đến tình trạng người dân tìm cách giết voi để bảo vệ tài sản; tính mạng của voi sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
 
Cũng vì không có chế tài bảo vệ voi nên cách đây chưa lâu, vào năm 2011, tại huyện Thanh Chương, một cá thể voi đã bị bắn chết. Bởi vậy, việc xây dựng và thực hiện dự án bảo tồn quần thể voi là rất cấp bách, song theo ông Trần Xuân Cường thì đến nay, vẫn chưa thực hiện được bởi không có kinh phí.
 
Trong khi đó, hằng năm người dân vẫn phải chịu những thiệt hại to lớn do voi rừng gây ra nhưng không được nhận bất cứ sự hỗ trợ nào về mặt tài chính từ phía các cấp chính quyền. Lãnh đạo xã Phúc Sơn đã từng đề nghị huyện này có biện pháp hỗ trợ, nhưng trên huyện lại chỉ đạo xã “trích nguồn dự phòng ngân sách của xã để hỗ trợ”. Nhưng, theo lời ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND xã này thì: “Xã làm gì có nguồn nào để hỗ trợ hằng năm cho dân”. Do vậy, hậu quả do voi gây ra, người dân lãnh đủ.

Thiên Thảo

Các tin khác