(Congannghean.vn)-Những năm qua, hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) diễn ra khá rầm rộ trong cả nước. Điều dễ nhận thấy là BHĐC chủ yếu phát triển mạng lưới thông qua hình thức bán hàng nhiều cấp mà không cần có địa điểm kinh doanh cố định. Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp khi phát triển mạng lưới BHĐC, chỉ cần thông báo bán hàng mà không cần có báo cáo về hoạt động bán hàng đa cấp định kỳ. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với loại hình kinh doanh này.
Theo Điều 3, Luật Cạnh tranh: BHĐC là phương thức tiếp thị để bán lẻ hàng hóa. Điều này được thực hiện thông qua mạng lưới người tham gia BHĐC gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau. Hàng hóa được người tham gia BHĐC tiếp thị trực tiếp cho người tiêu dùng tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng hoặc địa điểm khác không phải là địa điểm bán lẻ thường xuyên của doanh nghiệp hoặc của người tham gia. Người tham gia BHĐC được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả tiếp thị bán hàng của mình và của người tham gia BHĐC cấp dưới trong mạng lưới do mình tổ chức và mạng lưới đó được doanh nghiệp BHĐC chấp thuận.
Tranh minh họa |
Như vậy, việc các công ty tổ chức mạng lưới và các hoạt động nhằm phát triển mạng lưới BHĐC không có gì sai phạm. Nếu các công ty kinh doanh đa cấp tuân thủ đúng theo định nghĩa trên, thì đây là một loại hình kinh doanh bình thường, không có gì để nói. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế: Trong hoạt động quảng bá sản phẩm, phần lớn các công ty đều thổi phồng giá trị thật của sản phẩm, đánh vào tâm lý của người tiêu dùng. Họ còn vẽ ra ảo tưởng về sự giàu có, thành đạt của những người trong mạng lưới BHĐC, nhằm “mê hoặc” những người có mong muốn được làm giàu nhanh chóng.
Từ đó, lợi dụng tâm lý của nhiều người muốn làm giàu nhanh chóng, họ áp dụng các “chiêu thức” để lôi kéo nhiều người tham gia vào mạng lưới BHĐC và thu lợi từ số tiền mà người tham gia BHĐC phải bỏ ra. Người tham gia bán hàng muốn có tiền hoa hồng, thì phải bằng mọi cách lôi kéo được nhiều người khác, có thể là anh em hoặc bạn bè cùng tham gia với mình. Nếu không lôi kéo được nhiều người khác vào thì người tham gia sẽ thất bại và cũng sẽ bị mất một khoản tiền mà mình đã bỏ ra để mua sản phẩm.
Để quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp, năm 2005, Chính phủ đã ra Nghị định 110/NĐ-CP về “Quản lý hoạt động bán hàng đa cấp”. Tuy nhiên, Nghị định này vẫn chưa đề cập chi tiết đến các chế tài xử lý. Theo quy định tại Nghị định 110 của Chính phủ về quản lý hoạt động BHĐC, doanh nghiệp khi phát triển mạng lưới BHĐC chỉ cần thông báo BHĐC mà không cần có sự chấp thuận bằng văn bản của Sở Công thương, không cần có địa điểm kinh doanh cố định và cũng không cần có báo cáo về hoạt động BHĐC định kỳ nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát hoạt động BHĐC.
Các Sở Công thương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính chưa thông báo kịp thời về việc doanh nghiệp BHĐC bị đình chỉ, ngừng hoạt động cho các Sở Công thương của các địa phương nơi doanh nghiệp thông báo hoạt động, nên chưa giám sát chặt chẽ được hoạt động của các doanh nghiệp này.
Tại Nghệ An, tính đến cuối năm 2013, không có doanh nghiệp đăng ký hoạt động BHĐC và có 33 doanh nghiệp thông báo BHĐC, trong đó có 11 doanh nghiệp có thông báo địa chỉ hoạt động của đại diện công ty và 22 doanh nghiệp không có thông báo địa chỉ của đại diện công ty tại địa bàn Nghệ An. Các doanh nghiệp BHĐC trên địa bàn tỉnh có trụ sở chính ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Bình Dương, chủ yếu kinh doanh các mặt hàng mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, thực phẩm và thực phẩm dinh dưỡng chức năng.
Để giám sát và quản lý hoạt động BHĐC trên địa bàn tỉnh, hàng năm, Sở Công thương Nghệ An đã tổ chức các chương trình tập huấn văn bản pháp luật về BHĐC cho các doanh nghiệp, Phòng Công thương thuộc UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh và Chi cục Quản lý thị trường. Bên cạnh đó, thực hiện tuyên truyền các quy định và các nội dung liên quan đến hoạt động BHĐC của các doanh nghiệp trên Bản tin Công thương, website của Sở Công thương.
Thông qua các chương trình tập huấn nhằm giúp các cơ sở quản lý Nhà nước nắm rõ quy định pháp luật về BHĐC để cùng với Sở Công thương có những phản ánh và ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm hoạt động về BHĐC. Ngoài ra, Sở Công thương đã chỉ đạo Thanh tra sở, Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động BHĐC trên địa bàn thành phố Vinh và một số địa bàn huyện, thị xã. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra đến nay, chưa phát hiện doanh nghiệp vi phạm hoạt động BHĐC.
Phía sở cũng đề xuất kiến nghị lên Cục Quản lý cạnh tranh về việc chỉ đạo các Sở Công thương tăng cường hơn nữa công tác phối hợp trong quản lý Nhà nước về hoạt động BHĐC (nhất là những Sở Công thương nơi có doanh nghiệp BHĐC đặt trụ sở chính). Đặc biệt, sớm ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 110/2005/NĐ-CP ngày 24/6/2005 của Chính phủ về quản lý hoạt động BHĐC nhằm nâng cao hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về hoạt động này.
Nhà nước chưa có văn bản pháp luật quy định rõ về các chế tài trên lĩnh vực kinh doanh đa cấp, nên hiện nay các cơ quan chức năng ở địa phương khó có thể kiểm soát và quản lý loại hình kinh doanh này. Thời gian qua, cả nước đã có 20 trên tổng số 77 doanh nghiệp BHĐC bị dừng hoạt động do những vi phạm trong BHĐC. Bởi vậy, người dân cần phải sáng suốt, tỉnh táo trong tìm hiểu, không để mình trở thành nạn nhân của các tổ chức, cá nhân lợi dụng phương thức kinh doanh đa cấp nhằm trục lợi.