Kinh tế xã hội

Hạ trần lãi suất: Ngân hàng sướng âm ỉ?

15:41, 18/03/2014 (GMT+7)
Ngân hàng Nhà nước đã công bố quyết định giảm lãi suất điều hành, theo đó, đưa trần lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn dưới 6 tháng giảm từ 7%/năm xuống còn 6%/năm, trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với các lĩnh vực ưu tiên cũng giảm từ 9% xuống còn 8%/năm. 
 
Việc hạ lãi suất lần này được xem là cách tốt nhất giúp các ngân hàng có thể giảm thêm từ 1-2% lãi suất cho vay với các DN. Xem ra DN sẽ dễ thở hơn khi lãi suất giảm nhưng xét cho cùng ngân hàng mới là người sướng nhất khi tiền vẫn vào, cho vay dễ hơn và tất nhiên hiệu quả kinh doanh sẽ cao hơn.
 
Chủ động giảm
 
Thời gian qua do thanh khoản dồi dào, nên nhiều NH đã liên tục giảm lãi suất huy động. Giảm mạnh nhất là khối NH quốc doanh. Tại Vietcombank, lãi suất kỳ ngắn hạn (1 tháng) ở mức 5%/năm; BIDV ở mức 5,8%/năm.
 
Với đa số NH cổ phần, lãi suất huy động ngắn hạn cũng đã giảm xuống dưới 7%/năm. Sacombank huy động tiền gửi từ 1-3 tháng ở mức 6,25% và 6,3%/năm; Eximbank kỳ hạn 1 tháng còn 5,9%/năm; ACB kỳ hạn 1- 3 tháng còn 6,4% - 6,55%/năm; Techcombank kỳ hạn 1 tháng còn 6,4%/năm, 2 tháng 6,44%/năm và 3 tháng là 6,64%/năm.
 
Lãi suất huy động tiền đồng đồng loạt giảm
Lãi suất huy động tiền đồng đồng loạt giảm
Không ngắn hạn giảm mà lãi suất dài hạn cũng giảm. Sacombank đang huy động kỳ hạn dài 12 tháng 7,7%/năm, kỳ hạn từ 13 - 36 tháng từ 8% - 8,5%/năm; ACB kỳ hạn 12 tháng 7,8%/năm; Techcombank từ 18 - 36 tháng hiện còn 7,86%/năm; Eximbank kỳ hạn 24 - 60 tháng là 8%/năm.
 
Với việc hạ lãi suất điều hành từ 7% hiện nay xuống 6% chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm mạnh lãi suất huy động.
 
Theo các chuyên gia, lãi suất có giảm cũng không ảnh hưởng đến nguồn tiền gửi bởi trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm, sản xuất chưa có dấu hiệu khởi sắc, nên dù lãi suất thấp, người có tiền vẫn phải chấp nhận gửi vào ngân hàng.
 
Nếu tính về lạm phát, hiện so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ tăng 4, 65% thì gửi tiền với lãi suất 6%/ năm vẫn thực dương.
 
Lãi suất cho vay có giảm?
 
Xung quanh những thay đổi về lãi suất, điều cộng đồng DN đặc biệt quan tâm là liệu sắp có một đợt giảm lãi suất cho vay hay không?
 
Nhiều ý kiến cho rằng, có hay không một đợt giảm mạnh lãi suất cho vay, vẫn còn cần đến nhiều điều kiện khác nữa như trình độ quản trị của từng ngân hàng, nợ xấu, mức độ rủi ro của DN đi vay...
 
Liệu lãi suất cho vay có giảm?
Liệu lãi suất cho vay có giảm?
Trên thực tế, lãi suất cho vay đến nay vẫn duy trì ở mức khá cao. Tại các NH cổ phần, lãi suất cho DN vay ngắn hạn 3-6 tháng phổ biến 10,5% -12%/năm, trong khi lãi suất huy động ngắn hạn đều ở mức dưới 7%/ năm, chênh lệch từ 3,7% đến trên 5%.
 
Còn các NH quốc doanh, mức cho vay ngắn hạn cũng từ 9-10%/năm, so với lãi suất huy động ngắn hạn từ 5-5,8%/năm, thì chênh lệch cũng từ hơn 3% - 5%.
 
Với dài hạn kỳ hạn 12 tháng trở lên còn cao hơn nhiều. Cụ thể, các NH vẫn áp dụng cho vay 1-3 tháng đầu lãi suất thấp, từ 5%-8% nhưng sau đó tăng dần lên theo lãi suất thị trường theo cách lấy lãi suất huy động cao nhất tại thời điểm đó cộng với biên độ khoảng 4%-5%. Tính ra lãi suất cho vay vẫn rất cao, từ 11% - 16% tùy từng khách hàng, từng món vay.
 
Hiện tại, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động vẫn ở mức cao, khoảng 4-5%.
 
Một số ý kiến cho rằng, lãi suất huy động giảm nhưng chưa chắc lãi suất cho vay đã giảm mạnh, chênh lệch vẫn lớn bởi nợ xấu của các NH cao. Các NH phải có lợi nhuận tương lai để xóa nợ xấu, sức ép đó khiến họ phải để chênh lệch lãi suất cao và nền kinh tế đang phải chấp nhận khoảng cách đó.
 
"Việc giảm lãi suất đầu vào không có nghĩa là lãi cho vay sẽ giảm theo tương ứng. Nếu có cũng phải chờ một thời gian khá lâu. Bởi lãi suất cho vay của các NH đều được tính toán cộng bù thêm chi phí rủi ro cao khi tình hình DN đang được đánh giá còn khó khăn như hiện nay", Tiến sỹ Hoàng Công Gia Khánh, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng Trường ĐH Kinh tế Luật TP.HCM, phân tích.
 
Về phía các NH vẫn cho rằng, vấn đề hiện nay không còn nằm ở lãi suất nữa mà là do tiêu dùng giảm khiến DN không có đầu ra, không dám vay vốn. Hơn nữa, không phải cứ hạ lãi vay là các DN có thể vay, bởi lãi vay hạ mà tiêu chuẩn cho vay không hạ, DN không đủ tiêu chuẩn vẫn khó tiếp cận.
 
Lãnh đạo một NH cổ phần cho biết, hiện có tới 70-80% số DN không đáp ứng được yêu cầu vay vốn. Vì vậy, nếu đẩy tín dụng ra, thì chỉ có cách hạ chuẩn tín dụng, mà đây là điều không thể. Vì vậy, chỉ những DN tốt mới vay được vốn rẻ, mà những DN này giờ không nhiều và các NH đang phải tranh giành nhau.
 
Có thể nói các DN khó hy vọng có được vốn vay với lãi suất thấp. Tuy nhiên giảm lãi suất huy động thì các NH sẽ được hưởng lợi nhiều. Chi phí vốn sẽ giảm và càng có điều kiện đầu tư vào các lĩnh vực khác như mua trái phiếu.
 
Lãi suất trái phiếu Chính phủ đã giảm mạnh. Kỳ hạn 2 năm, lãi suất thấp nhất chỉ 6,15%, cao nhất cũng chưa đến 7%/năm, thấp hơn trần lãi suất huy động hiện nay, nhưng số khách hàng là NH mua rất đông. Nay nếu trần lãi suất huy động giảm còn 6% thì mua trái phiếu sẽ rất yên tâm, vừa không lo nợ xấu vừa có lãi.
 
Với trần lãi suất ngắn hạn giảm, chỉ có thể khẳng định sẽ khuyến khích người dân gửi tiền kỳ hạn dài, từ đây, tạo nguồn vốn trung và dài hạn cho NH cho vay. Tuy nhiên với lãi suất trung dài hạn vẫn cao thì vốn khó chảy vào nền kinh tế.

VEF

Các tin khác