Nhìn nhận rõ thách thức nhưng cũng đầy nhiệt huyết, vững tin trong các giải pháp tháo gỡ khó khăn để góp phần thực hiện mục tiêu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng hợp lý và nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong năm Giáp Ngọ… là những điều mà lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế lớn ấp ủ triển khai thời gian tới.
Ngành Than: Tập trung nâng năng suất, giảm giá thành
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam Trần Xuân Hòa cho rằng thách thức tới đây chính là việc chúng ta hội nhập ngày càng sâu hơn với kinh tế toàn cầu.
Ông Trần Xuân Hòa. Ảnh: VGP/Linh Đan |
Ngành Than đang trong lộ trình ngày một xuống sâu, môi trường đòi hỏi khắt khe hơn. Với đà giá thành tăng như hiện nay nếu không đẩy mạnh nâng cao năng suất, giảm chi phí giá thành sẽ khó tồn tại cũng như khó cạnh tranh được với nguồn than các nước khác.
Nếu như năm 2010, giá thành trên mỗi tấn than của toàn ngành ở mức 33-34 USD, thì năm 2013 là 68-70 USD/ tấn than, rõ ràng đây là một bài toán hóc búa. Vì thế, chúng tôi xác định phải quyết liệt đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động để có sức cạnh tranh ngay trong khu vực ASEAN, khi mà năm 2015 đang đến gần.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện tại, Tập đoàn đang tập trung thực hiện tái cơ cấu, theo đó, những lĩnh vực có thể xã hội hoá được Tập đoàn sẽ cho xã hội hoá hoàn toàn để thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế (năm 2013 tất cả các tuyến băng tải đã được kêu gọi xã hội hoá với trên 2 tỷ USD như tuyến băng tải Mạo Khê, tuyến băng tải Mông Dương).
Petrolimex: Giải bài toán nhân lực
Với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), việc bố trí lại nhân lực cũng không đơn giản. Nhưng về điều này, Tập đoàn đã có lộ trình.
Tổng Giám đốc Petrolimex Trần Văn Thịnh cho hay năm 2014, Tập đoàn sẽ thực hiện việc cắt giảm bộ phận gián tiếp cùng với việc tiếp tục đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, cung cách quản lý tiên tiến nhằm nâng cao năng suất lao động. Nhưng là doanh nghiệp Nhà nước, việc giảm quân số không có nghĩa là đẩy người lao động ra khỏi đơn vị. Vì thế, Tập đoàn sẽ sắp xếp, bố trí lại lao động phù hợp. Cùng với đó, Tập đoàn sẽ nghiêm túc thực hiện yêu cầu của Chính phủ trong việc tăng cường quản lý tiết kiệm các chi phí.
Ông Trần Văn Thịnh. Ảnh: VGP/Linh Đan |
Trong năm 2014, Tập đoàn sẽ tập trung cho nhiệm vụ đảm bảo đủ nguồn hàng cho những thị trường phải bình ổn. Ngoài ra, Petrolimex sẽ tập nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư kinh doanh vào các thị trường có tính cạnh tranh mạnh, như thị trường miền Tây Nam Bộ, khu vực TP Hồ Chí Minh, đồng thời đẩy mạnh hoạt động kinh doanh ở nước ngoài bao gồm thị trường Myanmar, Indonesia, Lào, Campuchia.
Petrovietnam: Tập trung tái cấu trúc
Nói về nhiệm vụ chủ yếu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trong năm 2014, năm thứ 9 Petrovietnam thực hiện chiến lược phát triển ngành Dầu khí, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Phùng Đình Thực cho biết, cùng với việc gia tăng trữ lượng 20% so với 2013 (đạt 55-61 triệu tấn), khai thác dầu khí đạt 26,63 triệu tấn quy đổi, sản xuất đạm tăng 60%..., Petrovietnam tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quyết định 46 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu Tập đoàn.
Ông Phùng Đình Thực. Ảnh: VGP/Linh Đan |
Trong năm 2013, Tập đoàn đã hoàn thành một số công việc trong lộ trình tái cấu trúc. Cụ thể, đã hợp nhất TCty Tài chính Dầu khí và Ngân hàng Phương Tây thành Ngân hàng PV ComBank; thống nhất trên toàn quốc hệ thống kinh doanh phân phối xăng dầu
Tập đoàn sẽ tiếp tục hợp nhất Trường Đại học Dầu khí và Viện Dầu khí thành Học viện Dầu khí.
Cùng với đó, Tập đoàn sẽ giải thể một số tổ chức, bộ phận không liên quan đến 5 lĩnh vực chính của ngành. Ngoài ra, việc thoái vốn tại một số lĩnh vực với các đối tác nước ngoài sẽ được tiếp tục thực hiện mạnh mẽ trong năm 2014.
Dệt may: Tận dụng thuận lợi từ các hiệp định
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường tin tưởng 2014 là năm khá thuận lợi đối với ngành Dệt may, đến nay, các doanh nghiệp của Tập đoàn đã có lượng đơn hàng ổn định hết quý I.
Ông Lê Tiến Trường cho rằng thị trường luôn có cạnh tranh và thách thức, điều này này sẽ giúp những doanh nghiệp làm ăn bài bản nếu vượt qua được sẽ phát triển bền vững. Còn những doanh nghiệp chưa đạt ngưỡng năng suất trung bình chắc chắn sẽ khó khăn, trong đó sẽ có doanh nghiệp bị đào thải. Đây cũng là điều bình thường và chính nó sẽ làm cho chúng có doanh nghiệp ngày càng mạnh hơn, sức cạnh tranh ngày càng tốt hơn.
Ông Lê Tiến Trường. Ảnh: VGP/Linh Đan |
Một điểm đáng chú ý 2014 cũng sẽ là năm nhiều Hiệp định đàm phán sẽ hoàn tất. Các hiệp định đều tạo ra hành lang thông thoáng hơn cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung, trong đó có dệt may.
Ông Trường cho hay, ngoài các thị trường lớn truyền thống (như Mỹ, Nhật Bản...), ngành Dệt may quan tâm thị trường EU. Hiện thị phần Dệt may của Việt Nam tại EU chỉ chiếm 1%. Khi Hiệp định Thương mai tự do Việt Nam-EU hoàn tất trong năm nay, dệt may Việt Nam vào thị trường này sẽ tăng trưởng mạnh.
Còn với thị trường Nga, Belarus, Kazakhstan không phải là thị trường khó tính và đòi hỏi hàng cao cấp. Chúng ta tuy chưa có chân đơn hàng chắc nhưng dự kiến khi Hiệp định FTA Việt Nam - Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan được thông qua trong năm 2014 cũng sẽ là cơ hội tốt cho dệt may Việt Nam.