Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201402/lo-dien-hinh-hai-duong-cao-toc-bac-nam-448086/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201402/lo-dien-hinh-hai-duong-cao-toc-bac-nam-448086/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Lộ diện hình hài đường cao tốc Bắc - Nam - Báo Công An Nghệ An điện tử
.
Thứ Năm, 06/02/2014, 15:08 [GMT+7]

Lộ diện hình hài đường cao tốc Bắc - Nam

Đường cao tốc Bắc - Nam đang lộ diện dần hình hài khi nhiều đoạn đường được tăng tốc triển khai. Nếu không có gì thay đổi, trong vài năm tới, khoảng cách từ TP.HCM, Hà Nội đi các tỉnh sẽ được rút ngắn đáng kể, tạo sức bật quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội...

Từ khi thông xe đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM - Đồng Nai) ngày 2-1 đến nay, ôtô có thể chạy một mạch với tốc độ 100km/giờ từ đầu đường cao tốc ở Q.9 đến quốc lộ 51 chỉ mất 10-12 phút. Đoạn đường cao tốc dài 20km này đem lại hiệu quả rõ nét nhất là rút ngắn thời gian đi lại từ TP.HCM đến bãi biển Vũng Tàu (dài khoảng 120km) chỉ còn 1 giờ 30 phút.

Đoạn đường cao tốc TP.HCM - Long Thành vừa đưa vào sử dụng đã rút ngắn đáng kể thời gian đến TP Vũng Tàu
Đoạn đường cao tốc TP.HCM - Long Thành vừa đưa vào sử dụng đã rút ngắn đáng kể thời gian đến TP Vũng Tàu


Rút ngắn khoảng cách

Dự kiến trong năm 2015 sẽ hoàn thành toàn bộ công trình và tuyến đường cao tốc này sẽ phát huy hiệu quả kết nối sân bay quốc tế Long Thành (chuẩn bị đầu tư) với TP.HCM.

Tương tự, người dân ở các tỉnh ĐBSCL cảm thấy TP.HCM ngày càng gần hơn khi đi đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (TP.HCM - Long An - Tiền Giang) vì rút ngắn được khoảng một giờ. Thế nhưng, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ở phía bắc TP và đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương ở phía nam TP vẫn là hai đường rời rạc. Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC), quý 1-2014 sẽ khởi công xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (Long An - TP.HCM - Đồng Nai) dài 57,1km để kết nối hai tuyến đường trên.
"TP.HCM là trung tâm khu vực nên việc mở đường cao tốc từ đây đi các nơi mới đạt hiệu quả cao nhất" - Ông Trần Xuân Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển GTVT phía Nam)

Các tuyến đường cao tốc từ TP.HCM đang tiếp tục được triển khai nối dài đến các tỉnh, trong đó dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 98km (tiếp nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) hiện đang thực hiện theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Đây là dự án đường cao tốc đầu tiên tại VN được thực hiện theo hình thức PPP với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân. Tổng chi phí xây dựng tuyến đường dự kiến là 757 triệu USD.

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), nhà đầu tư thứ nhất của dự án đã được lựa chọn là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco với 60% vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp dự án. Nhà đầu tư thứ 2 chiếm 40% vốn chủ sở hữu và sẽ được lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế. Đến nay, đã có bảy nhà đầu tư và liên danh nhà đầu tư quốc tế nộp hồ sơ dự sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thứ hai cho dự án.

“Tháng 1-2014 sẽ thông báo kết quả sơ tuyển và phát hành hồ sơ mời thầu vào tháng 3-2014. Dự kiến sẽ đấu thầu trong năm 2014” - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

Dự án đường cao tốc Nha Trang - Phan Thiết dài 235km (tiếp nối cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết) đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư và dự tính đầu tư theo hình thức PPP. Hiện Ngân hàng Thế giới (WB) cũng quan tâm dự án này. Mới đây, Ban quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) đã trình Bộ GTVT xin chủ trương xây dựng đường cao tốc trên với mục tiêu xây dựng đường cao tốc dài 235km qua Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sáu làn xe (giai đoạn 1 có bốn làn xe), vận tốc thiết kế 120km/giờ. Hiện dự án đã có nhà đầu tư quan tâm và Liên danh Công ty TV&KSTKXD - Bộ Quốc phòng và Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng giao thông 8 đã lập báo cáo giữa kỳ dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Nha Trang - Phan Thiết.


Ở phía Nam, hai dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang - Vĩnh Long) dài 54km, Mỹ Thuận - Cần Thơ (Vĩnh Long - Cần Thơ) dài 34km cũng trong giai đoạn “gút” phương án đầu tư.

Vốn từ đâu?

Theo lãnh đạo Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) thuộc Bộ GTVT (đơn vị lập quy hoạch tuyến đường cao tốc Bắc - Nam), quy hoạch phát triển GTVT đường bộ VN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có tổng vốn đầu tư 392.379 tỉ đồng. Trong đó riêng đường cao tốc Bắc - Nam phía đông là 209.173 tỉ đồng.

Đơn vị thiết kế trên cho biết Chính phủ cũng ban hành cơ chế chính sách đầu tư các tuyến đường cao tốc trên bằng cách huy động mọi nguồn lực trong, ngoài nước và từ các thành phần kinh tế. Theo đó, áp dụng nhiều hình thức đầu tư như BOT (đầu tư, kinh doanh, chuyển giao), BTO (đầu tư, chuyển giao và khai thác), BT (đầu tư, chuyển giao) và PPP (phối hợp đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân).

Chính phủ khẳng định các chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, phí, lệ phí nhượng quyền, đồng thời tiếp tục đầu tư một số công trình quan trọng cấp bách bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Thực tế, việc triển khai thi công ở những dự án sử dụng vốn vay ODA thuận lợi hơn so với dự án sử dụng vốn ngân sách. Thế nhưng nhiều dự án ODA cũng không suôn sẻ khi vốn đối ứng của ngân sách cấp chậm cho công tác đền bù, giải tỏa.

Cụ thể, như dự án đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, do vốn ngân sách cấp đền bù giải tỏa 4km đường ở Q.2, Q.9 chậm nên phải dời tiến độ hoàn thành hạng mục này vào đầu năm 2015. Còn dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, tổng mức đầu tư là 1,6 tỉ USD (tương đương 31.320 tỉ đồng), trong đó vốn đối ứng cho giải phóng mặt bằng khoảng 3.730 tỉ đồng.

Tính đến tháng 11-2013, ngân sách đã cấp 1.067 tỉ đồng, nhu cầu vốn trong năm 2014 là 2.663 tỉ. Theo ông Phạm Hồng Quang - phó tổng giám đốc VEC, cần dành đủ vốn cho giải phóng mặt bằng là điều mấu chốt để thực hiện dự án đúng tiến độ, tránh trượt giá và các phát sinh khác.

Theo ông Dương Tuấn Minh - tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, chủ đầu tư dự án, đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ có vốn đầu tư quá lớn nên các nhà tài trợ ODA không thể cấp toàn bộ vốn cho dự án này.

Do đó, các cơ quan chức năng đang tính đến phương án sử dụng ODA thực hiện 2/3 đường cao tốc, còn lại 1/3 đường cao tốc giao cho nhà đầu tư BOT và cho phép nhà đầu tư này được thu phí toàn bộ tuyến đường cao tốc để hoàn vốn cho dự án.

Theo Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo khi triển khai các dự án, gói thầu xây dựng đường ôtô cao tốc, công tác giải phóng mặt bằng phải thực hiện đúng kế hoạch; phải có đủ nguồn vốn bảo đảm tiến độ xây dựng công trình như phê duyệt mới triển khai thi công.

Khi nào hoàn thành?

Theo TEDI, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu nhanh chóng phát triển mạng đường cao tốc. Dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam. Cả nước có 2.018,6km đường cao tốc. Trong đó có năm tuyến đường cao tốc đã hoàn thành có tổng chiều dài 167 km, gồm đoạn TP.HCM - Trung Lương dài 40km, Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 50km, Liên Khương - Đà Lạt dài 19km, vành đai 3 Hà Nội (đoạn cầu Phù Đổng - Mai Dịch) dài 28km và đại lộ Thăng Long dài 30km. Từ năm 2013 đến năm 2020, sẽ hoàn thành 1.851,6km đường cao tốc, trong đó đường cao tốc Bắc - Nam dài 776km, đường cao tốc phía Bắc dài 705km, còn lại là các đường cao tốc khác...

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết các dự án đường cao tốc ở TP.HCM và khu vực phụ cận nằm trong vùng kinh tế phát triển năng động nên các nhà tài trợ vốn như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản... và các nhà đầu tư rất quan tâm. Chính phủ và Bộ GTVT chủ trương đầu tư các dự án cao tốc trong khu vực này bằng nhiều hình thức và đến nay một số dự án đã có triển vọng khá rõ ràng.

.

VNN