(Congannghean.vn)-Những ngày cuối năm, không khí mua sắm tại các chợ từ thành thị đến nông thôn tấp nập hơn bao giờ hết. Nhiều cơ sở kinh doanh đã tất bật chuẩn bị nguồn hàng phục vụ dịp lễ, Tết sắp đến. Nhằm hạn chế tình trạng “sốt giá” trong dịp Tết Giáp Ngọ này, cùng với chương trình bình ổn giá, các doanh nghiệp thương mại lớn sẽ tổ chức bán hàng lưu động về các huyện vùng sâu, vùng xa.
Sẵn sàng nguồn hàng
Cùng với triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", trong dịp Tết Nguyên đán, Sở Công thương Nghệ An đang chỉ đạo lồng ghép chương trình đưa hàng Việt về nông thôn với khai thác nguồn hàng hóa sản xuất trong nước phục vụ người dân đón Tết. Bên cạnh đó, Sở Công thương đã triển khai các giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành nhằm bình ổn thị trường và chuẩn bị lượng hàng hóa cho dịp Tết với giá cả ổn định. Hiện các doanh nghiệp tuy còn lo ngại về khả năng tiêu thụ hàng trong thời điểm Tết ở vùng nông thôn, miền núi nhưng vẫn chuẩn bị kế hoạch cung ứng hàng hóa đầy đủ. Các mặt hàng bình ổn gồm 9 nhóm hàng thiết yếu như gạo, đường, muối, nước mắm, bột ngọt, thịt gia súc, gia cầm, trứng, bánh kẹo, rau củ, thực phẩm chế biến sẵn… Chính vì thế, công tác chuẩn bị nguồn hàng luôn được chú trọng.
UBND tỉnh Nghệ An vừa quyết định tạm ứng ngân sách cho Tổng Công ty Xuất khẩu Nông sản Nghệ An với số tiền được vay hơn 4 tỷ đồng để chuẩn bị 100.000 lít dầu ăn, 100 tấn gạo tẻ. Ngoài nguồn vốn Công ty CP Đầu tư Hợp tác Kinh tế Việt - Lào được hỗ trợ gần 5 tỷ đồng, thì Công ty còn đầu tư thêm 15 tỷ đồng để ký kết hợp đồng mua dự trữ hàng Tết, tăng lên gấp 4 lần so với những tháng kinh doanh bình thường, trong đó 70% lượng hàng hóa được đưa đến người tiêu dùng ở các huyện, thị trong tỉnh.
Các mặt hàng Việt được đưa về nông thôn, vùng sâu, vùng xa phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết |
Về khả năng cung ứng hàng hóa ở các chợ trên địa bàn trong dịp Tết, bà Trần Thị Mỹ Hà - Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương khẳng định: Tổng giá trị hàng hóa mà các doanh nghiệp sản xuất, dự trữ và cung ứng cho thị trường khoảng hơn 100 tỷ đồng, sẽ tập trung ổn định giá vào hai tháng Tết cho đến ngày 28/2/2014 với hàng nghìn hộ kinh doanh tại các chợ trên địa bàn cho thấy, tiềm lực của bà con tiểu thương rất lớn. Quỹ hàng hóa của bà con khá phong phú, sẵn sàng đảm bảo cung ứng hàng về nông thôn. Đây chính là dịp để hàng Việt xâm nhập vào thị trường nông thôn, khẳng định thương hiệu và chất lượng, uy tín đối với người tiêu dùng.
Nhộn nhịp hàng Tết về nông thôn, miền núi
Theo ghi nhận trong mấy ngày qua, sức mua tại các chợ nông thôn, miền núi đã tăng 30% so với tuần trước, song giá cả cũng không biến động nhiều so với ngày thường. Tại các chợ Hòa Bình (Tương Dương), Mường Xén (Kỳ Sơn)… không khí mua sắm chuẩn bị Tết diễn ra rất nhộn nhịp. Các mặt hàng bán chạy nhất trong những ngày này là măng, miến khô, nếp và các lễ vật cúng tổ tiên; các loại bia, nước ngọt, thực phẩm chế biến sẵn, bánh, mứt, kẹo… Dạo một vòng các cơ sở kinh doanh, khu tạp hóa, công tác chuẩn bị hàng hóa Tết đã bắt đầu rộn rã.
Cùng với việc đưa hàng Tết về nông thôn, vùng sâu, vùng xa…, Sở Công thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường xây dựng kế hoạch cụ thể kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Bởi theo quy luật, khi sức mua tăng nhanh ở khu vực nông thôn, nhất là các xã vùng cao, hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ được tuồn về. Ông Bùi Văn Chung - Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 7, Chi cục Quản lý thị trường cho biết: Nhằm ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm kinh doanh thương mại trong dịp Tết tại các chợ nông thôn, miền núi, Đội Quản lý thị trường số 7 đã và đang phối hợp các ngành chức năng khác tăng cường tối đa lực lượng, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo cho thị trường phục vụ Tết ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 1/2014, chúng tôi kiểm tra tại các chợ Mường Xén, Hòa Bình, Con Cuông đã phát hiện và xử lý 25 vụ sai phạm nhãn hàng hóa, làm giả nhãn mác hàng hóa, mì chính giả…
Tuy nhiên, để công tác chống các hành vi vi phạm trong kinh doanh thương mại, nhất là vi phạm về hàng giả tuồn về nông thôn trong dịp Tết đạt hiệu quả cao, bên cạnh nỗ lực của lực lượng Quản lý thị trường, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành chức năng và đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng tích cực của mọi người dân.
.