Kinh tế xã hội
Doanh nghiệp lạc quan với triển vọng kinh tế năm 2014
08:58, 02/01/2014 (GMT+7)
Theo kết quả khảo sát Báo cáo động thái doanh nghiệp Việt Nam (VbiS) năm 2013 do Viện phát triển doanh nghiệp (DN) - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành khảo sát, nghiên cứu tại gần 1.000 DN trên toàn quốc, mặc dù các chỉ số chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong năm 2013 đều thấp hơn so với năm 2012, song cộng đồng DN vẫn lạc quan vào sự cải thiện của nền kinh tế trong năm 2014.
Theo kết quả khảo sát Vbis 2013, tổng doanh số của các DN đã được cải thiện song chưa đáng kể và thấp hơn nhiều so với dự báo của DN đưa ra tại khảo sát vào thời điểm cuối năm 2012. Trong khi đó, giá bán bình quân năm 2013 cũng giảm so với năm 2012. Động thái giảm giá bán này diễn ra ở nhiều DN hơn so với dự cảm vào cuối năm 2012. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường trong nước năm 2013 cũng đã giảm hơn rất nhiều so với dự đoán của DN vào năm 2012.
Một điểm đáng chú ý khác là số lượng nhân công tại các DN trong năm 2013 đã giảm so với năm 2012. Trong đó, nguyên nhân chính là do kinh tế khó khăn, tình trạng đình đốn sản xuất dẫn đến nhu cầu tuyển dụng lao động ở một số ngành giảm. Tương tự, tiếp cận vốn vay không được cải thiện, do nợ xấu cao nên xét duyệt tín dụng kiểm soát chặt chẽ khắt khe hơn để kiềm chế giảm nợ xấu. DN muốn vay được tiền phải chứng minh có tài sản thế chấp mới đủ điều kiện nên dù mặt bằng lãi suất giảm nhưng mức độ khó khăn vay vốn vẫn chưa thực sự được cải thiện trên thực tế.
Bình luận về kết quả khảo sát Vbis 2013, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho rằng: Mặc dù hầu hết các chỉ số đều có diễn biến ngược lại so với dự cảm lạc quan của DN, song kết quả của khảo sát năm nay cho thấy, cộng đồng DN vẫn duy trì niềm tin vào sự khởi sắc của thị trường trong năm 2014. Bằng chứng là có tới 49% DN cho rằng sẽ mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2014. “Trong số các nguyên nhân khiến gần 50% DN đi đến quyết định mở rộng đầu tư kinh doanh vào năm tới, ngoài niềm tin vào triển vọng kinh tế thuận lợi còn có các yếu tố khác như lao động có tay nghề cạnh tranh, chính sách ưu đãi thuế, mở cửa thị trường và huy động vốn được cải thiện” - bà Hằng phân tích.
Trái với những diễn biến ít thuận lợi của hoạt động sản xuất kinh doanh, kết quả khảo sát Vbis 2013 cũng đã cho thấy những cải thiện đáng kể trong việc điều hành kinh tế vĩ mô khi mà hầu hết các yếu tố như thái độ ý thức của cán bộ công quyền, hiệu lực thực thi pháp luật, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ DN đều được cộng đồng DN đánh giá cao. Trong các chính sách hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, các chính sách giảm, giãn nộp thuế được DN đánh giá tích cực nhất. Tuy nhiên, các giải pháp hỗ trợ thị trường nhằm giảm tồn kho chưa được DN đánh giá cao. Nguyên nhân là do các chính sách giúp DN giải phóng hàng tồn kho chưa cụ thể, nên DN chưa thấy lợi ích mà họ được hưởng từ các giải pháp, chính sách này.
Dù kinh tế còn nhiều khó khăn, song vẫn có tới 49% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất - kinh doanh trong năm 2014. |
Bên cạnh đó, DN cũng cho rằng, trong năm 2013, dù lãi suất giảm rất mạnh nhưng vẫn cao so với năng lực hấp thụ vốn nên DN vẫn không dám vay. Hơn nữa, thị trường thu hẹp không mở rộng sản xuất kinh doanh nên DN cũng không có nhiều nhu cầu vay vốn. Cụ thể, 18,6% DN chọn không vay vốn vì đã tìm được kênh khác và chỉ có khoảng 27% DN không vay vốn vì có nợ xấu cao. Đề xuất các giải pháp giúp DN cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh trong năm 2014, ông Hà Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các nhà quản trị Việt Nam nhấn mạnh: Thay vì chờ đợi các chính sách của Chính phủ, DN cần phải chủ động “cứu mình”. Cụ thể, để giảm thiểu tối đa rủi ro, DN chỉ nên kinh doanh ở lĩnh vực có lợi thế, các ngành nghề cốt lõi, không kinh doanh tràn lan, chạy theo đám đông. Lợi ích chính sách không đến ngẫu nhiên, thay vào đó DN cần phải chủ động cập nhật chính sách để có giải pháp phù hợp. Đồng thời, cần thiết lập kế hoạch kinh doanh rõ ràng và dài hạn.
“Trên thực tế, tôi đã từng nghe nhiều lãnh đạo DN phàn nàn rằng, trong bối cảnh mà chính sách quản lý luôn có nhiều biến động khó lường như hiện nay, rất khó để DN có thể đưa ra các chính sách dài hạn cho DN của mình. Điều này rất đúng song thực tế cũng đã chứng minh rằng, nếu DN luôn có giải pháp quản trị ổn định, linh hoạt ứng phó với các thay đổi thì những rủi ro mà chính sách mang lại sẽ được giảm thiểu một cách tối đa” - ông Hà Mạnh Tiến chia sẻ.
CAND