Kinh tế xã hội

Tai tiếng tiêu cực, tham nhũng: Hải quan luôn đứng đầu

16:23, 07/12/2013 (GMT+7)
Từ những cảnh báo
 
Báo cáo thường niên của VBF cuối năm 2013 cho biết, cán bộ Hải quan vẫn được trả phí bôi trơn để giải quyết nhanh chóng hoặc bỏ qua các thủ tục thông quan áp dụng với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Cán bộ Hải quan nhận hối lộ để làm ngơ trước hoạt động buôn lậu, hàng cấm hoặc khai báo sai khối lượng và chủng loại hàng hóa đi qua địa bàn của họ.
 
"Có những áp lực trực tiếp hoặc áp lực thông qua các đại lý hải quan, trung gian để chi trả các chi phí bôi trơn nhỏ và mang tính hệ thống để thông quan các chuyên hàng", VBF chia sẻ.
 
Tháng 10/2013 VBF đã thực hiện một cuộc khảo sát DN tại Việt Nam để biết tham nhũng ảnh hưởng thế nào đến họ mỗi ngày và nghe những đề xuất cải thiện. Những người tham gia xác định 3 lĩnh vực mà Chính phủ cần ưu tiên chống tham nhũng, xếp đầu tiên là Hải quan với 55,2% tiếp đó là đến thuế 46,2% và quản lý đất đai 39,8%.
 
Trước đó, vào cuối tháng 11/2012, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới đã công bố Báo cáo kết quả khảo sát xã hội học "Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, DN và cán bộ, công chức, viên chức". Kết quả khảo sát cho thấy, Hải quan thuộc 1 trong 4 ngành tham nhũng phổ biến nhất.
 
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa
 
Ngày 31/10/2013 tại Hội thảo "Tăng cường sự tham gia của DN, hướng tới thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam" do Thanh tra Chính phủ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức, đại diện Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra thông tin, có tới 63% DN trả các khoản phí không chính thức nhằm tạo ra cơ chế ngầm để được giải quyết công việc nhanh chóng hơn. Trong đó Hải quan và Thuế là 2 ngành được DN hối lộ nhiều nhất.
 
Đến thực tế
 
Trên thực tế, thời gian qua có hàng trăm cán bộ ngành Hải quan đã bị xử lý vì liên quan đến tham nhũng và hối lộ.
 
Tháng 6/2013, TAND tỉnh Lào Cai xử các bị cáo Trần Minh Thượng, sinh năm 1964, nguyên Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Mường Khương 20 năm tù và Nguyễn Văn Cường 12 năm tù về tội "nhận hối lộ" gần 1,5 tỷ đồng của 1 DN, để làm dịch vụ cho một số đơn vị có hàng tạm nhập tái xuất, qua cửa khẩu Mường Khương cả trong và ngoài giờ hành chính.
 

 

Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa
 
Ngay cả những vụ nhập ụ nổi do 83M do Dương Chí Dũng nguyên là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) thực hiện cũng có những vấn đề của nhân viên Hải quan.
 
Kết luận của Cơ quan điều tra cho thấy, mặc dù biết rõ ụ nổi 83M là tàu biển, có tuổi thọ 43 năm, đã cũ nát, hư hỏng nặng, không hoạt động được, không đủ điều kiện nhập khẩu nhưng một số cán bộ thuộc Chi cục Hải quan Vân Phong không báo cáo lãnh đạo mà vẫn làm thủ tục đề nghị cho thông quan, nhập khẩu. Nếu cán bộ Hải quan thực hiện đúng có thể Vinalines không nhập khẩu được ụ nổi và không gây thiệt hại hơn 335 tỷ đồng.
 
Đại diện của VBF cho biết, Việt Nam có hành lang pháp lý sâu rộng nhằm xử lý và giảm thiểu nạn tham nhũng trong hệ thống Hải quan song kết quả đến nay lại rất hạn chế, do chưa có hiệu quả trong công tác giám sát cán bộ, công chức, viên chức, phát hiện hành vi bất hợp pháp và xử phạt nghiêm theo quy định.
 
Nhận xét này cũng phù hợp với kết luận của Thanh tra Chính phủ vào tháng 5/2012, sau khi kết thúc cuộc kiểm tra thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại Tổng cục Hải quan.
 
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ cho biết đơn vị này vẫn chưa quan tâm đúng mức công tác thanh, kiểm tra để phòng ngừa tệ nạn nhũng nhiễu, lạm quyền, hạch sách. Từ năm 2006 đến thời điểm kiểm tra xong, có 24 cán bộ công chức Hải quan bị xem xét trách nhiệm hình sự về tiêu cực, tham nhũng, trong đó phần lớn là do các cơ quan báo chí hoặc các cơ quan chức năng ngoài ngành Hải quan phát hiện.
 
Bên cạnh đó, 5 năm qua đã có 295 cán bộ Hải quan bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo cho đến thôi việc, do nhiều nguyên nhân trong đó có cả tiêu cực.
 
Khảo sát của VBF ghi nhận những nỗ lực loại bỏ hối lộ và tham nhũng, hầu hết các nỗ lực này tập trung vào các khoản hối lộ thấy được giữa các nhà xuất, nhập khẩu và cán bộ Hải quan mà những gian lận từ thuế mang lại lợi ích không chính đáng cho nhà xuất, nhập khẩu.
 
Vì thế, VBF đề nghị phải có một kế hoạch phù hợp sẽ được thực hiện để đảm bảo tất cả các khoản chi trả thường xuyên cho Hải quan được minh bạch, rõ ràng để giảm thiểu rủi ro cho các DN. Thậm chí, có thể thành lập một Văn phòng Thanh tra Hải quan như cơ quan Hải quan 1 số nước.
 
Ở chiều ngược lại, VBF cũng lưu ý phần trách nhiệm thuộc về các DN khi vẫn chi trả những khoản tham nhũng, hối lộ này.
 
"Chính phủ phải giúp đỡ họ bằng cách thiết lập những quy định được đơn giản hóa và minh bạch đối với xuất nhập khẩu hàng hóa, cùng với các khoản chi phí liên quan. Các nhà xuất, nhập khẩu cần biết họ tốn kém bao nhiêu để thông quan hàng hóa và từ chối đề nghị của các bên môi giới, trung gian khác nhau nhằm chi trả thêm những khoản bôi trơn", VBF kiến nghị.
 
"Các DN nhận thấy rằng nhiều quy định của pháp luật, thủ tục và quy định cần thiết đã được áp dụng, nhưng vẫn thất vọng khi các cơ quan không thi hành", Báo cáo của Nhóm công tác quản trị và minh bạch thuộc VBF viết.

VEF

Các tin khác