Kinh tế xã hội
Có gì ở 1km đường nông thôn trị giá gần 3 tỷ đồng?
14:01, 12/12/2013 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Tuyến đường giao thông nông thôn xã Nghĩa Mai, thuộc tuyến Nghĩa Minh đi Nghĩa Mai (Nghĩa Đàn, Nghệ An), với hạng mục chính là nền mặt đường, có giá trị làm tròn là 2.982.411.000 đồng cho chiều dài chưa đầy 1 km, do Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Hương Hạnh thi công. Tuyến thi công ngắn, vốn "khủng", nhưng nhà thầu lại chỉ thi công thủ công, vắng bóng máy móc trên công trường nên người dân quan ngại về chất lượng công trình sau khi đưa vào sử dụng.
Tuyến đường này chạy qua khu vực chợ và UBND xã Nghĩa Mai, đến xóm 3C thì kết thúc, được thi công dựa trên mặt nền đường cũ, địa chất tốt, quá trình thi công người dân lại tự nguyện bàn giao mặt bằng nên gặp rất nhiều thuận lợi. Điều đáng nói là, toàn tuyến đường Nghĩa Minh đi Nghĩa Mai dài hàng chục km, đường rất khó đi nhưng gói thầu này, UBND huyện Nghĩa Đàn chỉ phê duyệt gần 1 km ở vị trí nói trên. Dự án không đem ra đấu thầu công khai rộng rãi mà được chỉ định thầu cho Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Hương Hạnh (khối Đồng Tâm 2, phường Hòa Hiếu, TX Thái Hòa) tại Quyết định số 2186/QĐ-UBND ngày 20/8/2013 của UBND huyện Nghĩa Đàn. Công ty CP Tư vấn thiết kế xây dựng Hùng Tiến (khối Kim Tân, phường Hòa Hiếu, TX Thái Hòa) tư vấn, thiết kế. Thời gian thực hiện là 150 ngày, nguồn vốn do ngân sách của UBND tỉnh hỗ trợ, ngân sách huyện, xã đối ứng và huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác.
Ngày 28/11, sau khi nghe người dân nơi đây phản ánh về quá trình thi công công trình này, nhà thầu làm không đúng với hồ sơ thiết kế ban đầu, chúng tôi đã có mặt tại công trường. Mặc dù thời gian thi công theo cam kết đã kết thúc, song vẫn còn khoảng 300 m chỉ mới đổ đá hộc, toàn tuyến vẫn còn thi công dang dở. Trên công trường, có khoảng 10 công nhân đang làm việc và mọi công đoạn gần như chỉ được làm thủ công, không có sự tham gia của máy móc, ngoại trừ hai chiếc máy trộn bê tông. Sau mỗi mẻ bê tông được nhào trộn xong, công nhân dùng tay gạt ra nền đường rồi dùng vét san phẳng là kết thúc, chứ hoàn toàn không có đầm máy hoặc đầm tay để đảm bảo độ chắc cũng như độ nén theo tiêu chuẩn của kết cấu đường bê tông.
1km đường gần 3 tỷ đồng được thi công bằng tay |
Lật giở lại hồ sơ thiết kế và dự toán của công trình này, chúng tôi không khỏi giật mình khi thấy chi phí riêng cho máy thi công là 223.398.906 đồng, bao gồm các loại máy và hạng mục công trình như đắp nền đường bằng máy đầm 9T, ôtô tưới nước, ôtô tự đổ 7T, đầm bàn 1KW, máy đào, máy đầm 9T, máy đầm bánh thép tự hành 8,5T, máy đầm dùi 1,5KW, máy ủi 108CV, máy trộn bê tông và một số loại máy móc khác. Ngoài ra, hồ sơ còn thể hiện làm mặt đường đá dăm lớp nước dưới, chiều dày mặt đường đã lèn ép 10 cm, đắp cát nền móng công trình… Nhưng trong quá trình thi công, ghi nhận của phóng viên tại hiện trường cũng như phản ánh của người dân, những loại máy móc này hoàn toàn vắng bóng, mọi công đoạn gần như được làm thủ công.
Khi chúng tôi nghi ngại về chất lượng công trình sau khi đưa vào sử dụng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Hương Hạnh công nhận phản ứng của người dân là có thật, song thực tế, trên toàn tuyến làm được 100% theo ý dân thì không thực hiện được, chỉ làm theo hồ sơ thiết kế. Về sự "vắng bóng" máy móc trên công trường, ông này cho hay, hệ thống đầm có chứ không phải không, nhưng không đưa ra công trường, vì hệ thống dây điện lằng nhằng nên tận dụng đầm tay và khẳng định, đảm bảo đầm tay cũng chất lượng như đầm máy. Riêng về độ dày 20 cm trên toàn tuyến, cũng không đảm bảo được 100% vì lý do địa hình, địa chất. Thời gian thi công là 2 tháng, song không đạt được tiến độ, theo ông này là do mưa gió, thời tiết không thuận lợi. Trao đổi qua điện thoại, ông Giám đốc Công ty Vũ Đức Hương khẳng định, máy móc Công ty có đầy đủ, nhưng đã đưa đi làm công trình khác, nếu phóng viên không tin có thể đến tận Công ty để kiểm chứng.
Ông Hoàng Văn Nhường - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mai cho biết, thời gian đầu khi mới thi công công trình, nhiều người dân có ý kiến phản ánh nhà thầu thực hiện không đúng quy trình, xã đã lập Ban Giám sát cộng đồng, phối hợp với cán bộ kỹ thuật để kiểm tra. Gần đây, thấy dân không phản ánh gì thêm nên Ban Giám sát cộng đồng của xã cũng không thấy báo cáo lại tình hình trên công trường.
Thành Thảo