Đây là lực cản lớn đối với công tác xoá đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống văn minh, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Việc cấp điện cho những xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa này đang còn là vấn đề nan giải.
Nhìn nhận một cách toàn diện thì hiện nay, sự phân hóa vùng, miền thể hiện rõ ở số thôn, hộ có điện. Cụ thể, đối với các huyện ở đồng bằng có 100% số thôn và hầu hết các thôn 100% số hộ có điện. Số hộ chưa có điện chủ yếu ở khu vực trung du và miền núi. Nguyên nhân là do những nơi này ở sâu trong vùng rừng núi, cách điểm đấu nối nơi gần nhất 20, 30 km, có nơi hơn 60 km, lại ngăn sông cách núi, không có đường giao thông vận chuyển vật tư, thiết bị vào xây dựng các công trình điện. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do thiếu vốn, vì nguồn đầu tư quá lớn.
Các dự án đầu tư của địa phương và ngành điện trước đây đều "hụt hơi", vì không thể tiếp tục cáng đáng nổi khi kéo điện đi xa, tốn hàng chục tỷ đồng nhưng chỉ thắp sáng cho vài chục hộ ở rải rác trong núi. Cũng vì thế mà người dân và nhất là các em học sinh khu vực này cứ mãi “dài cổ” mong đến ngày dòng điện Quốc gia được kéo về thắp sáng làng quê. Vấn đề này là nỗi trăn trở của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh nhiều năm qua.
Việc kéo điện vào xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa đang còn nhiều trở ngại
Theo ông Vương Đinh Dũng - Phó Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty Điện lực Nghệ An cho biết: Lộ trình của Đề án triển khai “Cấp điện cho các xã, thôn, bản chưa có điện” đến năm 2020 sẽ giúp Nghệ An hoàn thiện mạng lưới điện nông thôn. Để làm được vấn đề này, Nghệ An phải cần nguồn vốn gần 1.000 tỷ đồng trong xây dựng mạng lưới điện về những xã, thôn, bản chưa có điện. Tính đến nay, đã và đang đầu tư được 152 tỷ đồng - một phần rất nhỏ trong tổng số 1.000 tỷ đồng. Vì vậy mà việc thực hiện chủ trương phủ điện vùng sâu, vùng xa, phấn đấu về lâu dài 100% khu dân cư đều có điện sinh hoạt đang gặp nhiều khó khăn, rất khó đạt được, vì tỷ lệ hộ tăng lên liên tục theo sự phát triển của xã hội.
Giải thích việc khó đạt 100% hộ có điện theo lộ trình của Đề án, ông Dũng cho rằng, do người dân ở quá xa lưới điện, hàng năm đều phát sinh những khu dân cư ở vùng sâu, vùng xa do người dân di dân tự do. Giải pháp của Công ty Điện lực là cấp điện cho những điểm có nhu cầu sử dụng điện lớn trước, với số tiền đầu tư thấp.
Rõ ràng, các xã, thôn, bản chưa có điện ở vùng sâu, vùng xa đã phản ánh toàn diện những khó khăn mà các đề án xây dựng, cải tạo lưới điện phải đối mặt. Khả năng hưởng thụ điện không đồng đều giữa các địa phương, với nhiều khu vực còn lắm gian nan. Vấn đề đặt ra hiện nay là, từng bước tháo gỡ những khó khăn để đưa điện đến nhà dân. Có điện, cuộc sống người dân vùng sâu, vùng xa mới có điều kiện khởi sắc, diện mạo nông thôn mới đổi thay, phát triển.
Trường Khuyên
.