Chiều 23/9, nước lũ bắt đầu rút chậm, chúng tôi tìm về những vùng bị ngập úng nặng của huyện Anh Sơn và nghe không ít tiếng thở dài của nhà nông vì hàng loạt diện tích ngô, lúa, rau màu của họ bị hư hại do ảnh hưởng cơn bão số 8 gây nên. Hàng trăm nông dân đang dầm mình trong nước để thu hoạch ngô, lúa, nếu chậm trễ, ngô, lúa sẽ nảy mầm.
Chị Nguyễn Thị Xuân ở xã Tam Sơn, huyện Anh Sơn đau xót cho biết: “Nhà có 8 sào ngô đang vào vụ thu hoạch, nhưng từ nhiều ngày qua, trời mưa như trút nước làm ngã đổ, ngập hết trong nước. Sợ để lâu bị nảy mầm, nên chúng tôi tranh thủ ra đồng cố vớt vát chút ít. Không riêng gì gia đình tôi, mà hàng trăm ha ngô của nông dân khu vực này cũng cùng chung số phận, có nguy cơ mất trắng nếu nước rút chậm như thế này”.
Người dân cố vớt vát những gì còn sót lại sau lũ
Chịu ngập úng nặng trong đợt ảnh hưởng lũ này là các xã Tam Sơn, Đỉnh Sơn, Cẩm Sơn, Hùng Sơn, Thạch Sơn, Đức Sơn... có tới 150 - 250 ha ngô hè chỉ còn nhìn thấy ngọn. Nước lũ rút chậm khiến cho việc thu hoạch nông sản của bà con gặp khó khăn. Hiện tại, vẫn còn rất nhiều diện tích ngô, lúa ngập lũ chưa thể thu hoạch được, nhiều hộ nông dân đang đối mặt với cảnh trắng tay ở vụ ngô năm nay.
Theo tính toán của bà con nông dân, bình quân cứ mỗi ha ngô, nông dân phải đầu tư khoảng 10 triệu đồng, nếu không bị tác động của thời tiết, sâu bệnh, với giá mua của thương lái ở thời điểm này là 6.000 - 7.000 đồng/kg, cứ 1 ha tương đương 6 tấn ngô, nông dân thu được 36 triệu đồng. Thế nhưng, hiện nhiều nông dân chỉ mong lấy lại vốn, chứ không dám nghĩ đến lời.
Rời cánh đồng ngập lũ ở huyện Anh Sơn, chúng tôi về các xã ven bờ sông Con là Nghĩa Đồng, Nghĩa Thái, Kỳ Tân thuộc huyện Tân Kỳ có hàng trăm ha cây nông nghiệp ngập nặng. Hơn 1.000 ha mía, 500 ha lúa, 56 ha ngô, 61 ha sắn bị ngập và đổ.
Theo đúng lịch trình thời vụ, phải đến hết tháng 9/2013, bà con mới tiến hành thu hoạch. Tuy nhiên, đợt mưa lũ vừa qua đã làm gần 90% diện tích ngô, lúa bị ngập lụt, trong đó có nhiều khu vực bị ngập sâu, lúa bị nước lũ ngâm trong thời gian 3 - 4 ngày. Trước tình hình đó, lãnh đạo các xã đã chỉ đạo bà con gấp rút thu hoạch trên các diện tích bị ngập, tránh mất trắng.
Đến cánh đồng của người dân ở ven sông Lam thuộc huyện Đô Lương, tất cả đều ngập trắng, có 75 ha khoai vụ đông bị ngập, 302 ha ngô bị hỏng, 151 ha ao hồ bị tràn. Người dân dầm mình trong nước, lụi hụi ngăn bờ, ngăn thửa nhằm vớt vát được phần nào để trang trải cho khoản nợ tiền giống. Những thân cây ngô sẫm màu vì ngấm nước, èo uột rủ xuống mặt nước, sau mấy ngày ngâm trong nước, thân cây ngô đã bị thối, bốc mùi. Cầm cây ngô trên tay, nông dân than thở: Buồn nhất là trồng cây không được hái quả. Mưa lũ đột ngột kéo về nên diện tích ngô bị ngập trắng, hy vọng cứu chữa là không còn.
Theo báo cáo mới nhất (ngày 23/9) của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh Nghệ An, hiện tại, 11 huyện gồm Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ, Đô Lương, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành và Quỳnh Lưu có gần 3.000 ha lúa, hơn 7.000 ha ngô và rau màu các loại bị ngập trong lũ, nguy cơ mất trắng trên 70% số diện tích bị ngập.
Trước những thiệt hại trên, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành, thị vận hành các trạm bơm hết công suất, đảm bảo tiêu úng nhanh nhất, khẩn trương tiến hành các biện pháp khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra, bảo vệ lúa, hoa màu, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Đối với những diện tích hoa màu bị đổ, bị vùi lấp, tỉnh chỉ đạo, để kịp thời vụ những diện tích không thể khắc phục được, người dân cần khẩn trương làm lại đất để trồng các cây trồng ngắn ngày.
Đồng thời, đào các khe, rãnh để đưa nước ra khỏi ruộng càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu cán bộ địa phương hướng dẫn nông dân cách chăm sóc ngô, lúa ngay sau khi ráo nước và tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm giúp cây lúa nhanh hồi phục.
Trường Khuyên
.