Gia đình xã hội
Tái diễn đa cấp, huy động vốn trái quy định
09:32, 31/10/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Sau một thời gian lắng xuống, gần đây trên địa bàn TP Vinh tiếp tục tái diễn hoạt động của các nhóm đa cấp, thông qua hình thức là những hội, nhóm trên các mạng xã hội để huy động vốn, bằng phương thức lấy của người sau trả cho người trước.
Cụ thể, một nhóm người đang sử dụng mạng xã hội có tên là Vitae, có nguồn gốc xuất xứ từ Thụy Sĩ để lôi kéo người chơi, dưới hình thức trả tiền cho người dùng hàng tháng. Trong đó, 90% lợi nhuận được chia sẻ cho người tham gia, công ty chỉ lấy 10% thu nhập từ quảng cáo. Để bắt đầu kiếm tiền trên Vitae, người dùng sẽ phải bỏ ra 200 USD phí gia nhập. Tuy nhiên, theo một cán bộ Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Nghệ An thì, việc mạng xã hội đưa ra hứa hẹn chi trả tới 90% doanh thu cho người dùng là một điều cực kỳ phi lý. Tỉ lệ doanh thu cao như thế này thường chỉ thấy ở các dự án lừa đảo như Crowd1 (80%), MyAladdinzs (80%)... mà Bộ Công an vừa phát cảnh báo tới người dân. Theo vị cán bộ này, Vitae có dấu hiệu đi theo mô hình Ponzi, lấy tiền của người sau trả tiền cho người trước, một phương thức lừa đảo đa cấp đang rất phổ biến.
Vitae tổ chức hội thảo rầm rộ, thu hút hàng trăm người tham gia |
Không chỉ Vitae, hiện nay còn hàng loạt hình thức huy động vốn tương tự khác cũng đang nở rộ, chuyên đi lôi kéo người dân tham gia. Có thể kể đến như Chilimall - một sàn thương mại điện tử - đang rầm rộ lôi kéo người tham gia bằng lời chào mời hấp dẫn: “Mùa dịch COVID-19, kiếm ngay 50 triệu đồng/tháng tại nhà”. Đây là ứng dụng mua bán mà người tham gia chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại, đăng ký tham gia và đăng sản phẩm muốn bán lên đây. Tuy nhiên, mỗi thành viên tham gia phải đóng phí theo mức từ vàng, bạc đến kim cương để mua đồng tiền mã hóa có tên là siling, sau đó dùng đồng siling này để mua sản phẩm trên Chilimall… Hay như trang web onelinknetwork.com cũng đang kêu gọi giới trẻ đầu tư bằng hình thức sinh lời thông qua tiền điện tử có tên OneLink Coin, người tham gia lôi kéo càng nhiều người thì hưởng hoa hồng càng lớn. Thực tế cho thấy, các khoản tiền của người tham gia vào các dự án như nói trên, đều không được ghi nhận trên bất kỳ tài liệu chính thức nào mà chỉ được ghi nhận thông qua tài khoản của người tham gia hiển thị trên giao diện website.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, Công an Nghệ An đã nhận được đơn trình báo của nhiều công dân trên địa bàn tỉnh về việc họ bị rủ rê tham gia đầu tư vào hệ thống MFCClub (MBI), BBI Mall, BBONUS, MyAladdinz… làm thiệt hại hàng tỉ đồng. Những người tham gia hầu hết là những người lớn tuổi, ít hiểu biết về công nghệ và số tiền họ đầu tư là rất lớn, có người thậm chí còn lên đến tiền tỉ. Qua xác minh, cơ quan điều tra xác định số tiền mà họ đầu tư đều đã được quy đổi sang tiền ảo của hệ thống. Tuy nhiên, sau một thời gian dồn hết tiền để đầu tư vào hệ thống, toàn bộ tiền ảo của họ không thể quy đổi ra tiền thật để rút về tài khoản ngân hàng của họ. Thông tin về hệ thống của các ứng dụng này đều mập mờ, máy chủ hệ thống không đặt tại Việt Nam nên rất khó xác định và xử lý các đối tượng.
Liên quan đến vấn đề này, thời gian vừa qua, Bộ Công an và Bộ Công thương đã liên tục phát đi các cảnh báo về sự bất hợp pháp của các hoạt động huy động vốn trái quy định, có dấu hiệu hoạt động theo mô hình đa cấp của các loại hình tương tự như Vitae, MyAladdinzs… Mới đây nhất, tháng 10/2020 Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cũng vừa có thông tin cảnh báo đến người dân về hiện tượng rất nhiều mô hình, dự án kinh doanh được giới thiệu là “kinh doanh hệ thống”, “kinh doanh mạng” hay “kinh doanh thời đại 4.0”… trên nền tảng mạng xã hội không đúng quy định pháp luật.
Những mô hình, dự án này được lan truyền rất nhanh trên các trang thông tin điện tử, youtube các nhóm mạng xã hội như là “sân chơi” của những “bạn trẻ khởi nghiệp”, của những “doanh nhân” muốn kết nối toàn cầu, giao dịch và chia sẻ cơ hội đầu tư các loại tiền điện tử thông qua các ứng dụng internet như sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội phân quyền, hệ sinh thái số, hay qua mô hình tiếp thị liên kết. Một số địa chỉ liên kết như: Onelinknetwork.com; ChiliMall.net; Vitae.co; Crowd1.com; Winvest.io…
Các mô hình, dự án này đưa ra những quảng cáo và đưa ra nhiều lợi ích khi hợp tác đầu tư với hoa hồng, thu nhập rất cao. Tuy nhiên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng cho biết, khoản tiền đầu tư của người tham gia không được ghi nhận trên bất kỳ tài liệu chính thức nào mà chỉ được ghi nhận thông qua tài khoản của người tham gia hiển thị trên giao diện website. Hệ thống máy chủ lưu giữ dữ liệu thường đặt tại nước ngoài. Đồng thời, chủ đầu tư không hiện diện tại Việt Nam hoặc có tư cách pháp nhân theo quy định pháp luật Việt Nam. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đánh giá các mô hình hoạt động của các dự án nêu trên có dấu hiệu là hoạt động đầu tư theo mô hình kim tự tháp và là hành vi bị cấm theo quy định hiện hành. Để tránh rủi ro về mặt vật chất và pháp lý, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng đưa ra cảnh báo người dân không tham gia đầu tư, hay phát triển hệ thống kinh doanh vào các dự án có dấu hiệu nêu trên.
THIỆN THÀNH