Gia đình xã hội
Bình tĩnh, triển khai có hiệu quả giải pháp phòng, chống dịch COVID-19
08:42, 03/08/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Ngay khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Đà Nẵng vào cuối tháng 7, Chính phủ và các địa phương đã khẩn trương, quyết liệt triển khai các giải pháp với quyết tâm, Đà Nẵng và Việt Nam sẽ lần nữa chiến thắng đại dịch.
Mới đây, tại phiên họp của Thường trực Chính phủ với các địa phương, bộ, ngành về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, dịch lần này có sự phức tạp hơn so với trước, bởi đã có sự lây lan ra cộng đồng nhiều ngày và chưa tìm được F0. Chính vì vậy, cần nâng cao tinh thần cảnh giác, nêu cao trách nhiệm trước nhân dân, không được để vỡ trận, không được chủ quan. Vì khi tình hình xấu rồi sẽ trở tay không kịp. Các địa phương phải tuyên truyền lại ở các cấp độ khác nhau để nhân dân đề cao cảnh giác.
Các cấp, ngành và địa phương chung tay hỗ trợ Đà Nẵng vượt qua đại dịch COVID-19 |
Do đó, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện của Thường trực Ban Bí thư, lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo. Vì các địa phương đều có nguy cơ cao. Bí thư, Chủ tịch phải ra tay, hệ thống chính trị phải vào cuộc và người dân phải cảnh giác thực hiện các biện pháp cần thiết"- Thủ tướng nhấn mạnh. Theo đó, từng địa phương đều phải có kịch bản ứng phó với dịch COVID-19 như giai đoạn đầu đã triển khai, trong đó phải có những biện pháp khuyến cáo đến nhân dân về phòng, chống dịch. Các địa phương đều phải tổ chức tốt quản lý dân cư, an ninh trật tự, nhất là đảm bảo bình ổn giá cả hàng hóa dịch vụ, không được để xảy ra tình trạng lộn xộn.
Tại Nghệ An, trong thời gian vừa qua, số lượng công dân trở về từ vùng có dịch liên tục tăng, nguy cơ tiếp xúc với người nhiễm, nghi ngờ nhiễm COVID-19 lớn. Nghệ An liên tiếp ra các văn bản, triển khai đồng bộ các giải pháp để phòng dịch COVID-19. Tỉnh đã khẩn trương phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng, điều trị hiệu quả ngay các đối tượng có triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19, loại trừ dịch bệnh ngay từ đầu nhằm không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc và tử vong; xác định rõ việc tổ chức cách ly tại nhà hoặc nơi cư trú, tổ chức cách ly tập trung, cách ly tại các cơ sở y tế. Lũy tích số công dân cách ly toàn tỉnh là 15.537 người (cách ly tập trung tuyến tỉnh 11.847 người; cách ly tập trung tuyến huyện 243 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 3.174; cách ly tại cơ sở khám, chữa bệnh 250 người; cách ly chuyên gia 23 người).
Trong đó, 15.017 người hết thời gian cách ly; 520 người hiện đang cách ly. Ngành Y tế cũng đã triển khai lấy 17.462 mẫu xét nghiệm, số mẫu kết quả âm tính là 17.457 mẫu. Các cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Trung ương trong công tác phòng, chống dịch; kiểm soát tốt người trở về từ vùng có dịch, bám sát, phân loại nhóm các đối tượng có nguy cơ cao để cách ly an toàn; đối với nhóm nguy cơ thấp thì vận động cách ly tại nhà; chủ động các biện pháp phòng, chống dịch đã được ban hành, chủ động thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ; tiếp tục đảm bảo kinh phí để mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm cần thiết để bảo đảm cho công dân và lực lượng phục vụ làm nhiệm vụ tại các điểm cách ly.
Nửa đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 mới xuất hiện, bằng sự quyết tâm, đồng lòng của Đảng, Chính phủ và nhân dân, đất nước ta đã có những thắng lợi bước đầu. Lần này, khó khăn sẽ nhiều hơn, vì thế, chính mỗi chúng ta phải nâng cao ý thức phòng ngừa, tự bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng, không nên hoang mang, lo lắng, tin tưởng và thực hiện nghiêm chỉnh những khuyến cáo của Bộ Y tế. Đồng thời, thực hiện theo các khuyến cáo của ngành Y tế và chính quyền: Không lan truyền các thông tin sai lệch, bịa đặt hay chưa có công bố chính thức; thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng NCOVI do Bộ Y tế triển khai; thường xuyên đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn; trường hợp nếu đi từ vùng dịch trở về cần phải đến khai báo y tế, tiến hành cách ly và theo dõi 14 ngày… Chính bằng những việc làm cụ thể, chúng ta không chỉ bảo vệ gia đình mà cùng chung tay hỗ trợ Chính phủ và các ngành đẩy lùi dịch COVID-19, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Tính đến sáng 2/8, theo Thông báo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Việt Nam có tổng cộng 590 ca mắc, trong đó 306 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 144 ca. Đến thời điểm này, có 373 ca bệnh COVID-19 được công bố khỏi bệnh, chiếm 66,8% tổng số ca bệnh. Riêng đối với bệnh nhân người nước ngoài, đến nay có 50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi.
Tính đến sáng 2/8, theo Thông báo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Việt Nam có tổng cộng 590 ca mắc, trong đó 306 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 144 ca. Đến thời điểm này, có 373 ca bệnh COVID-19 được công bố khỏi bệnh, chiếm 66,8% tổng số ca bệnh. Riêng đối với bệnh nhân người nước ngoài, đến nay có 50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi.
TUỆ TRANG