Gia đình xã hội

Những phận đời cơ cực ở thượng nguồn Lam giang

09:04, 14/05/2020 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Sống dựa vào sông, vào núi rừng vốn dĩ đã trở thành bản năng của đồng bào dân tộc ít người ở miền Tây xứ Nghệ. Thế nhưng, cuộc sống an yên ấy bị đảo lộn kể từ khi dòng sông Lam bị chặn dòng để xây dựng các nhà máy thủy điện. Sau nhiều năm, các nhà máy này lần lượt hòa lưới điện quốc gia, nhưng cuộc sống của người dân quanh các nhà máy thủy điện ngày càng khốn cùng, quẫn bách. 
 
Tha hương, khánh kiệt vì thủy điện 
 
Bà Nguyễn Thị Vinh, một hộ dân sinh sống ở Cửa Rào 2, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương. Hàng trăm năm qua, cuộc sống của gia đình bà với nhiều thế hệ tiếp nối, sống an yên bên dòng sông Lam. Thế nhưng, cuộc sống ấy hoàn toàn bị đảo lộn kể từ khi nhà máy thủy điện Nậm Nơn được xây dựng trên địa bàn. Hứa hẹn trăm điều từ khi mới đi vào xây dựng, thế nhưng đến nay, nhà máy đã hoạt động được nhiều năm, những điều hứa ấy không những không được thực hiện, mà bà Vinh cũng như bao gia đình khác trong bản Cửa Rào 2 nói chung phải khốn đốn vì những hệ lụy mà dự án này mang lại. Mất nhà, mất luôn cả kế sinh nhai vì thủy điện, dẫn đến các con phải tha hương, ly tán, bà Vinh còn phải tất tả đi đòi công lý nhưng bao nhiêu năm qua, lời khẩn cầu ấy vẫn chưa được quan tâm, xem xét. 
Dự án thủy điện Khe Bố sau gần 15 năm vẫn còn nhiều vướng mắc, tồn tại
Dự án thủy điện Khe Bố sau gần 15 năm vẫn còn nhiều vướng mắc, tồn tại
Chồng mất sớm, một mình bà Vinh tần tảo nuôi 4 người con. Tai họa ập đến vào một đêm cuối tháng 8/2018, như nhiều căn nhà ven sông khác, nhà bà Vinh bị cuốn xuống dòng sông Lam do dòng chảy bị nắn dòng sau khi chặn sông để làm thủy điện. Bất lực nhìn ngôi nhà trôi theo dòng nước, những ngày sau đó gia đình bà phải sống tạm dưới một cái ô nhỏ chỉ đủ để che mưa, che nắng, rồi sống nhờ anh em, hàng xóm. “Họ hứa sẽ cho tôi nhà tái định cư, nhưng chờ mãi gần 2 năm rồi vẫn chưa thấy gì”, bà Vinh cho biết. Mất đi kế sinh nhai duy nhất, bà Vinh sau đó phải lặn lội vào miền Nam đi giúp việc tại gia. Nhiều tháng nay, bà Vinh xin nghỉ về quê làm nhà nhưng gặp đúng đại dịch COVID-19 nên chưa đi làm trở lại được. 
 
Cách nhà bà Vinh không xa về phía thượng nguồn, nhiều năm nay ông Lương Xuân Hương trú tại bản Ang, xã Xá Lượng cũng phải tất bật mưu sinh đủ nghề. Như nhiều người sinh ra ở bản làng ven sông, từ nhỏ ông Hương đã theo người lớn đánh cá trên sông Lam. “Ngày xưa, chỉ cần quăng lưới xuống sông vài chục phút kéo lên là có cá, tôm đủ cho gia đình ăn cả ngày. Phần còn lại đem bán mua gạo, thực phẩm khác”, ông Hương nói. Nhưng bây giờ, với hàng loạt đập thủy điện ngăn dòng, đàn cá dường như cũng biến mất theo. Có nhiều thời điểm trong năm, dòng sông gần như cạn trơ đáy. Như những dân chài lưới khác ở đây, ông Hương gọi đó là “những dòng sông chết”. Nó chết bởi thủy điện. 
 
Không giống như ông Hương, bà Vinh, những năm trước đây, ông Lô Văn Thủy (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương), được đánh giá là người nhạy bén với thời cuộc. Nhà ông Thủy nằm ven sông Nậm Nơn. Cách nhà ông chừng 2 km về hạ du là nhà máy thủy điện Nậm Nơn, còn chạy ngược lên thượng nguồn chưa đầy 10 km là thủy điện Bản Vẽ - nhà máy thủy điện lớn nhất Bắc Trung Bộ. Ngay sau khi các thủy điện được xây dựng, ông Thủy đã tìm ra được kế sinh nhai mới, tận dụng lòng hồ thủy điện để nuôi cá lồng bè.
 
Thời gian đầu, việc làm ăn của ông Thủy rất phát triển, những đàn cá lớn nhanh như thổi. Thậm chí, mô hình này còn được xã nhân rộng, tập huấn để cho bà con trong xã thoát nghèo. Tuy nhiên, khi người dân ở xã Lượng Minh đã chuẩn bị sẵn các ngư cụ để học tập. Một ngày đầu tháng 3/2017, nhà máy thủy điện lớn nhất Bắc miền Trung này bất ngờ xả nước cùng thời điểm với thủy điện Nậm Nơn phía dưới hạ du đang xả đáy khiến 4 lồng cá của ông Thủy trôi theo dòng nước. Nguyên nhân là do thủy điện Bản Vẽ xả nhưng không thông báo với người dân. Sau vụ việc đó, ông Thủy khánh kiệt, nhiều năm trời đi khiếu nại đòi đền bù nhưng vẫn không được. Còn người dân ở xã Lượng Minh cũng không ai dám nuôi cá lồng bè nữa, vì sợ thủy điện xả nước. 
 
Ông Thủy, bà Vinh hay ông Hương chỉ là 3 trong hàng nghìn hộ dân ở miền Tây Nghệ An bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện. Nhiều người trong số này đã chấp nhận nhường đất, dời nhà để làm dự án. Để rồi giờ đây lại phải sống cơ cực ngay trên những mảnh đất quê mình vì bị cướp đi kế sinh nhai. Trong khi đó, hàng loạt chính sách đối với người dân như hỗ trợ khuyến nông... thì lại được các nhà máy thủy điện tiến hành một cách ì ạch. 
 
Chậm chạp trong giải quyết những tồn tại của thủy điện Khe Bố
 
Cũng trên thượng nguồn Lam giang, dự án thủy điện Khe Bố được xây dựng và đi vào hoạt động gần 15 năm nay nhưng hàng loạt vướng mắc đến nay vẫn chưa giải quyết được. Có thời điểm, chính quyền huyện Tương Dương đã phải đưa ra thông điệp nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết sẽ đề nghị UBND tỉnh yêu cầu thủy điện ngừng tích nước. Ngày 11/5/2020, ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho biết, ông đã chỉ đạo bản Đình Tiến, xã Tam Đình phải trả lại 40 triệu đồng cho ông Lương Đình Tiến, bản Tam Bông, xã Tam Quang. Ngoài ra, người đứng đầu Huyện ủy Tương Dương cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan, sớm trả lại đất cho ông Tiến theo nguyện vọng của công dân này. 
Bà Vinh mất đất, mất nhà vì thủy điện
Bà Vinh mất đất, mất nhà vì thủy điện
Trước đó, năm 1998, ông Tiến được huyện Tương Dương giao 13,3 ha đất với thời gian 50 năm. Đến năm 2006, 7 ha trong số này bị thu hồi để làm thủy điện Khe Bố. Tuy nhiên, ông Tiến không được nhận tiền bồi thường cho khu đất này. Sau nhiều năm khiếu nại, ông mới biết lý do không được đền bù là do khu đất đó được phân lại địa giới hành chính thuộc vào xã Tam Đình. Trong khi, Chủ tịch UBND xã Tam Đình và Trưởng ban quản lý bản không chịu ký xác nhận nguồn gốc đất. Để đổi lấy 2 chữ ký này, phía xã Tam Đình đã đề nghị ông Tiến trả lại 6,3 ha phần đất còn lại trên cốt ngập. Nhưng mặc dù ông Tiến đã có đơn trả lại, nhưng Chủ tịch UBND xã cũng như Ban quản lý bản sau đó vẫn không chịu ký xác nhận. Phía xã Tam Đình sau đó yêu cầu ông Tiến phải “hỗ trợ” mới chịu ký. Sau nhiều lần thương thảo, phía Tam Đình mới đồng ý giảm số tiền này xuống 40 triệu đồng. Bí thư Huyện ủy Tương Dương đã trực tiếp làm việc với ông Lương Đình Tiến và các cán bộ liên quan. Ông Hải sau đó đã chỉ đạo Ban quản lý bản Đình Tiến phải lập tức trả lại 40 triệu đồng này. Về phần 6,3 ha đất trên cốt ngập, ông Hải cũng chỉ đạo cơ quan liên quan phải làm thủ tục theo đúng nguyện vọng của ông Tiến. 
 
Được biết, dự án thủy điện Khe Bố được xây dựng trên sông Cả, xã Tam Quang, huyện Tương Dương với công suất 100MW với 2 tổ máy, khởi công tháng 9/2007, do Công ty Cổ phần Phát triển điện lực Việt Nam là chủ đầu tư và trực tiếp quản lý dự án. Dự án ảnh hưởng đến 7 xã, thị trấn phải di chuyển do bị ngập nước và hàng nghìn hộ dân phải di dời đến nơi ở mới nhường đất cho dự án. Dù nhiều hộ đã được đền bù theo quy định về tài sản đất đai và di chuyển đến nơi ở mới nhưng những ảnh hưởng của dự án vẫn khiến cho người dân gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Dù đã đi vào hoạt động từ lâu, nhưng đến cuối năm 2019, theo báo cáo của huyện Tương Dương, vẫn còn đến 13 tồn tại, vướng mắc liên quan thủy điện này. Cụ thể như chi trả tiền san nền cho các hộ dân tái định cư chậm trễ. Nhiều hộ dân chưa được lập hồ sơ để đền bù đất nông nghiệp. Công tác bồi thường về đất ở nơi đi và nơi đến. Hay như công tác lập hồ sơ địa chính đối với các hộ dân bị ảnh hưởng một phần bởi thủy điện, cho đến bồi thường các công trình xây dựng... được tiến hành với một tiến độ “rùa bò”.
 
Mặc dù chính quyền địa phương nhiều lần đôn đốc, nhưng phía chủ đầu tư vẫn hứa hết lần này đến lần khác, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Huyện Tương Dương có lần thậm chí đã phải có báo cáo với thông điệp “nếu chủ đầu tư không phối hợp và thực hiện đúng cam kết với tỉnh, huyện thì sẽ đề nghị UBND tỉnh yêu cầu thủy điện ngừng tích nước. Để tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư để người dân sớm ổn định cuộc sống”.

THIỆN THÀNH

Các tin khác