Chủ Nhật, 17/05/2020, 09:44 [GMT+7]

Nhiều phương pháp truyền thông hiệu quả bảo vệ trẻ em mùa COVID-19

Trong tuần đầu trẻ em toàn quốc từ lứa tuổi mầm non cho đến Đại học trở lại trường, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang được kiểm soát tốt. Công tác tuyên truyền về phòng chống COVID-19 và bảo vệ trẻ em trước dịch bệnh này cũng được triển khai sâu rộng và hiệu quả.
 
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 được triển khai sớm, đồng bộ, triệt để đã khiến Việt Nam trở thành một hình mẫu về tính hiệu quả phòng, chống dịch.
 
Riêng đối với những đối tượng dễ bị tổn thương là phụ nữ và trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Quỹ Nhi đồng LHQ (Unicef) tại Việt Nam, Tổ chức LHQ về phụ nữ (UN Women) và một số tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động vì quyền trẻ em (Save Children, Child Fund) nhanh chóng biên soạn các tài liệu hướng dẫn an toàn, bảo vệ trẻ em, phụ nữ tại các khu cách ly tập trung.
 
Hơn 50.000 bản in của 2 loại tài liệu bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh đã được Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) chuyển đến tất cả các cơ sở cách ly trong toàn quốc. Hai loại tài liệu này gồm 1 tài liệu dành cho cán bộ quản lý và các nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ chăm sóc những người phải cách ly tập trung theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19. Và 1 tài liệu dành cho chính trẻ em và người chưa thành niên đang được chăm sóc cách ly.
 
Hàng trăm trẻ em tại các khu cách ly được chăm sóc một cách tốt nhất.
Hàng trăm trẻ em tại các khu cách ly được chăm sóc một cách tốt nhất.
Ghi nhận của các phương tiện thông tin đại chúng cũng cho thấy đội ngũ phục vụ tại các cơ sở cách ly cũng đã làm tốt trách nhiệm đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của trẻ em mà trước đó họ chưa có những trải nghiệm tương tự. Ví dụ: việc chế biến những suất ăn riêng cho trẻ nhỏ hay hỗ trợ việc tổ chức những cuộc kỷ niệm sinh nhật cho trẻ em trong bối cảnh cách ly.
 
Còn để bảo vệ trẻ em trong bối cảnh trẻ em không đến trường, thực hiện giãn cách xã hội, một chiến dịch truyền thông online đã được triển khai để kịp thời hướng dẫn việc giải quyết những vấn đề của trẻ em, cha mẹ và giáo viên trong bối cảnh giãn cách xã hội như: bộ tài liệu gồm 6 nhóm nội dung giúp cha mẹ và người chăm sóc trẻ em có thể tận dụng thời gian giãn cách xã hội để tạo ra những mối quan hệ tâm lý, tình cảm mà bình thường họ khó có cơ hội làm được; bộ tài liệu gồm 2 nhóm nội dung dành cho cha mẹ và dành riêng cho trẻ em để giải quyết những nguy cơ hoặc bị xâm hại trên môi trường mạng; bộ tài liệu hướng dẫn cha mẹ và người chăm sóc trẻ phòng tránh, xử lý những tai nạn thương tích ở trẻ em thường gặp trong ngôi nhà và môi trường xung quanh nhà, đặc biệt khi trẻ em phải ở nhà một mình hoặc thiếu sự giám sát thường xuyên của cha mẹ...
Việc bảo vệ an toàn trẻ em trước COVID-19 khi đến trường cũng được chú trọng
Việc bảo vệ an toàn trẻ em trước COVID-19 khi đến trường cũng được chú trọng
Để phòng ngừa lây nhiễm diện rộng đối với trẻ em, Cục Trẻ em đã ban hành công văn số 103/TE-CSTE ngày 23/3/2020 chỉ đạo Sở LĐTBXH các tỉnh thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID- 19 liên quan đến các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vê trẻ em, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong thời gian dịch bệnh tại địa phương.
 
Đặc biệt, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 thuộc Cục Trẻ em đã chính thức tham gia hỗ trợ tiếp nhận cuộc gọi, giải đáp thông tin về chính sách hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ dành cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đây cũng là một biện pháp công khai, minh bạch chính sách kịp thời của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
.

Nguồn: CAND

.