(Congannghean.vn)-Làm bác sĩ, luôn phải đối mặt với rất nhiều áp lực, trong đó có cả sự an ninh của cả ngành Y tế và an toàn đến tính mạng của bản thân. Với những người chiến sĩ Công an công tác trong môi trường trại tạm giam, áp lực ấy còn tăng lên gấp bội khi can, phạm nhân luôn có tư tưởng không ổn định, với rất nhiều loại bệnh tật, thậm chí là bệnh hiểm nghèo.
Muôn vàn loại bệnh nhân
Thiếu tá Lê Giang Nam, Bệnh xá trưởng Trại Tạm giam Công an tỉnh trực tiếp khám, chữa bệnh cho can, phạm nhân |
Tháng 12/2019, Bệnh xá Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An tiếp nhận, điều trị cho bị can Lô Văn Biên (SN 1982) trú tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Biên bị bắt vì tội mua bán trái phép chất ma túy trong tình trạng sức khỏe yếu, bệnh huyết áp cao, vào trại khi hai chân không tự đi lại được mà phải có sự hỗ trợ của cán bộ quản giáo, đối tượng này cũng không có lưu ký nhiều. Thay vì làm thủ tục nhập buồng giam, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho đối tượng này, Ban Giám thị đã giao trách nhiệm cho bệnh xá vừa làm nhiệm vụ tiếp quản, trông coi, vừa chăm sóc đối tượng Lô Văn Biên. Mặc dù quân số ít, số lượng bệnh nhân là can, phạm nhân thăm khám, điều trị biến động thường xuyên nhưng cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại đây vẫn dành cho đối tượng này sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt. Nhờ vậy, sau một thời gian ngắn, Biên đã có thể tự đi lại được, vận động thường xuyên và các chỉ số sức khỏe đều ở ngưỡng cho phép.
Trường hợp của bị can Lô Văn Biên chỉ là một trong hàng nghìn câu chuyện thầm lặng nhưng nhân văn, đã và đang diễn ra hằng ngày tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An. Với số lượng đối tượng biến động trên 1.000 lượt người phạm tội được đưa đến đây để tạm giam, chờ xét xử và thi hành án hàng năm, đồng nghĩa với việc xác suất và cường độ các mầm bệnh cũng có nguy cơ tăng cao, khi số lượng can, phạm nhân mang các loại bệnh tật hiểm nghèo ngoài xã hội vào trại giam là rất nhiều, trong đó có những căn bệnh đặc biệt nguy hiểm như HIV, lao phổi kháng thuốc. Trung tá Đinh Trọng Dung, Giám thị Trại Tạm giam cho biết, cùng với việc chú trọng đảm bảo an ninh, an toàn cho trại tạm giam, một trong những nhiệm vụ được Ban Giám thị đặc biệt quan tâm, đó là công tác chăm sóc sức khỏe cho các can, phạm nhân luôn được đặt lên hàng đầu. Can, phạm nhân trong quá trình tạm giữ, tạm giam, nhiều thành phần ở ngoài xã hội phức tạp, mang nhiều loại bệnh tật khác nhau, từ đau ốm đơn thuần, tăng huyết áp, các bệnh viêm khớp, viêm phế quản đến tiểu đường, nhiễm các loại bệnh xã hội, trong đó có HIV phải điều trị ARV thường xuyên, thậm chí là HIV/AIDS giai đoạn cuối.
Hiện tại, Trại Tạm giam đang quản lý, giam giữ hơn 30 can, phạm nhân bị nhiễm HIV. Trung bình mỗi năm có hơn 42.000 lượt can, phạm nhân được khám, cấp phát thuốc; trong đó có gần 200 lượt can, phạm nhân bị nhiễm HIV và hơn 6.000 lượt can, phạm nhân nhập trại được khám sức khỏe. Đối với những can, phạm nhân mang trọng bệnh, tâm lý thường bất cần, tư tưởng chống đối, bất hợp tác, thậm chí tìm cách trốn trại, tự sát hoặc vi phạm nội quy, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Trong số hàng nghìn đối tượng bị tạm giam, tạm giữ hằng năm, bên cạnh những đối tượng ngổ ngáo, có tư tưởng chống đối, trốn trại, khó khăn và phức tạp nhất vẫn là quản lý, chăm sóc sức khỏe cho những can, phạm nhân bị bệnh tâm thần và giả tâm thần kinh.
Quá trình điều trị, các đối tượng này thường chống đối, tuyệt thực, la hét, cởi bỏ quần áo, đập phá buồng giam… Đối với những bệnh nhân này, đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh xá vừa phải giám sát, thức ngủ cùng bệnh nhân, vừa phải lên phác đồ điều trị, xây dựng các biện pháp, liệu pháp bảo vệ thích hợp, để giúp bệnh nhân không chỉ giảm được bệnh tật, mà còn đảm bảo trật tự, an toàn trong khu vực giam giữ, cách li. Mới đây nhất, ngày 31/12/2019, đối tượng Nguyễn Văn Hội (SN 1988) trú tại xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) - kẻ có hành vi châm lửa đốt Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quỳnh Lập và đánh trọng thương nữ điều dưỡng đang mang thai diễn ra vào rạng sáng 26/12/2019 - bị khởi tố, bắt giam và đưa vào tạm giữ, tạm giam tại đây có biểu hiện rối loạn tâm thần, cũng đã có những hành vi chống đối, bất hợp tác khiến các y, bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác điều trị.
Lặng lẽ hy sinh, âm thầm cống hiến
Thiếu tá Lê Giang Nam, Bệnh xá trưởng Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An chia sẻ: Hằng năm, đội ngũ y, bác sĩ tại đây phải khám, điều trị sàng lọc cho hàng nghìn phạm nhân, với nhiều loại bệnh tật khác nhau. Trong khi đó, khó khăn lớn nhất là đội ngũ y, bác sĩ mỏng, hiện Bệnh xá chỉ có 11 cán bộ, chiến sĩ, trong đó chỉ có 2 bác sĩ, còn lại là y sĩ điều dưỡng. Bệnh xá có quy mô 15 giường bệnh nội trú, thế nhưng thực tế hằng ngày nơi đây luôn phải tiếp nhận, điều trị cho trên 30 can, phạm nhân, đó là chưa kể hàng trăm can, phạm nhân ngoại trú, thăm khám và lấy thuốc điều trị thường xuyên. Dù vậy, với việc làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình, trong hàng chục năm qua, y, bác sĩ ở Trại Tạm giam Công an tỉnh luôn tận tụy, cần mẫn như những “thần y” để mang lại sức khỏe, niềm tin hướng thiện cho những phận người lầm lỡ.
Chỉ tính riêng trong năm 2019, đơn vị đã tổ chức khám sức khỏe nhập trại cho 4.832 lượt người, khám sức khỏe chuyển trại cho 1.768 lượt phạm nhân, khám và cấp phát thuốc điều trị tại buồng giam cho 56.059 lượt người, khám và điều trị tại bệnh xá 212 lượt người. Trong đó, điều trị khỏi 200 lượt người, chuyển khám và điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh và Bệnh viện Lao và bệnh phổi (nay là Bệnh viện Phổi) Nghệ An 121 lượt người. Hiện, đang quản lý và điều trị ARV cho 100 đối tượng bị nhiễm HIV, tăng huyết áp 97 người, đái tháo đường 16 trường hợp, lao kháng thuốc 8 trường hợp và có 7 can, phạm nhân bị bệnh tâm thần, động kinh. Khó khăn lớn nhất trong công tác chăm sóc sức khỏe cho can, phạm nhân, theo Thiếu tá Nam là hiện nay chế độ, quy định điều kiện về thuốc men, thiết bị cung cấp cho ngành y trong trại giam, trại tạm giam còn hạn chế. Trong khi đó, số lượng người phạm tội bị tạm giam, tạm giữ và thi hành án nhiều, kéo theo nhiều loại bệnh tật ngoài xã hội vào. Cùng với đó, một số bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, HIV, thậm chí là ung thư làm suy giảm hệ miễn dịch kéo theo các loại bệnh tật khác gây khó khăn trong quá trình điều trị. Ngoài ra, quá trình điều trị, có nhiều bệnh nhân không đáp ứng thuốc do không tuân thủ phác đồ điều trị, một phần do gia đình không quan tâm nên dẫn đến tình trạng lao kháng đa thuốc, rất nguy hiểm.
Có một thực tế cho thấy, nếu như ngoài xã hội, bệnh nhân có bệnh tìm đến bác sĩ để chữa trị thì trong môi trường trại giam, bác sĩ lại đi tìm bệnh nhân để khám, chữa bệnh, thậm chí có một số trường hợp phải “năn nỉ” để được khám chữa bởi thông thường, một người phạm tội khi vào trại giam để thụ án, rất ít người đã biết là mình bị nhiễm các loại bệnh tật hiểm nghèo, hoặc biết nhưng cố tình giấu bệnh. Đó là một nghịch lý, nhưng không vì thế mà đội ngũ y, bác sĩ tại đây lại thiếu tâm huyết với nghề mà ngược lại, họ luôn trăn trở với từng mức độ bệnh tật của can, phạm nhân, ngay cả trong từng bữa ăn, giấc ngủ.
Niềm vui của những người làm công tác y tế ở môi trường trại giam, trại tạm giam đôi khi rất đỗi nhỏ nhoi. Đó, đơn giản là được gia đình, người thân hiểu và chia sẻ; cũng có thể là khi phát hiện được bệnh, điều trị mà phạm nhân hợp tác, cùng chữa bệnh với mình. Nhưng, nói như Thiếu tá Cao Bá Tú, người đã có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với công việc của y, bác sĩ tại Bệnh xá Trại Tạm giam Công an tỉnh, thì niềm vui lớn nhất, đơn giản chỉ là nhìn những phạm nhân chiến thắng bệnh tật, sống khỏe và yêu đời trở lại, thì lương tâm nghề nghiệp của những y, bác sĩ trong môi trường trại giam lại được tiếp thêm sức mạnh, để tiếp tục âm thầm hy sinh, lặng lẽ cống hiến.
.