Thứ Ba, 28/01/2020, 16:01 [GMT+7]
Tết ở trại giam:

Mong đợi ngày về

(Congannghean.vn)-Tết đang về trên khắp các nẻo đường, ngõ phố. Ở một nơi đặc biệt, Tết cũng đã bắt đầu len lỏi: Trại giam! Ở đấy, cánh hoa đào đã khoe sắc, mùi hương trầm phảng phất, bánh chưng xanh thơm, dẻo và trên hết đong đầy tình người ấm áp. 
Bữa cơm tất niên ấm cúng của các phạm nhân
Bữa cơm tất niên ấm cúng của các phạm nhân
Bữa cơm ấm cúng
 
Trung tá Đinh Trọng Dung, Giám thị Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đã gần 10 năm nay, cứ vào khoảng ngày  24, 25 tháng chạp, đơn vị lại tổ chức bữa cơm tất niên sớm dành cho những phạm nhân đang thi hành án tại đây. Dịp Tết đến, Xuân về, ai cũng chung một tâm trạng nhớ nhà, nhớ người thân. Bữa cơm thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, là tấm lòng của cán bộ quản giáo. Sẻ chia, động viên bằng bữa cơm tất niên ấm cúng có ý nghĩa trong việc đánh thức nỗi khao khát đoàn tụ ở những con người lầm lỡ. Từ đó, mỗi phạm nhân sẽ phấn đấu cải tạo, lao động để được giảm án, hoàn lương, sớm trở về với gia đình và xã hội. Cái cốt lõi là giáo dục cho các phạm nhân những giá trị đạo đức truyền thống gia đình và những chuẩn mực xã hội.
 
Để có được không khí Tết cổ truyền dân tộc, dưới sự hướng dẫn của cán bộ quản giáo, can, phạm nhân ở trại được phân thành từng đội với những nhiệm vụ khác nhau. Có đội tập trung muối dưa hành, gói bánh chưng, làm giò chả… Ở hội trường, một đội khác được phân công bố trí đặt cành đào, lắp bóng nháy; bên kia, một đội được giao nhiệm vụ dọn dẹp khuôn viên, tưới cây, quét vôi tường nhà.
 
Mâm cơm tất niên trong Trại Tạm giam cũng đậm hương vị Tết cổ truyền dân tộc. Tất thảy đều do bàn tay can, phạm nhân chế biến với nhiều nguyên liệu thực phẩm có sẵn trong trại, là thành quả lao động cải tạo của phạm nhân trong quá trình thụ án tại đây. Khi mọi việc đã xong xuôi, tất cả phạm nhân hàng ngũ chỉnh tề bước vào phòng ăn giữa tiếng nhạc đón Xuân và mùi hương trầm thơm ngát. Trong không khí ấm áp tình người ấy, mỗi phạm nhân phần nào dịu vơi nỗi nhớ nhà. Tuy vậy, ngoài nhiều nụ cười, còn có cả những ánh mắt rưng rưng. Chắc hẳn, ai cũng cùng chung một tâm trạng là nghĩ đến gia đình, về những lỗi lầm mà mình đã gây ra…
 
Ngoài bữa cơm tất niên sớm, Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa cho can, phạm nhân mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Như đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, tổ chức hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ, tạo tinh thần lạc quan, gắn kết giữa can, phạm ở các đội. Vào đêm Giao thừa, Ban giám thị đến tận từng buồng giam để tặng quà cho những người bị tạm giữ, tạm giam có hoàn cảnh khó khăn. Những món quà như đôi dép, chiếc chăn ấm… dù rất nhỏ nhưng là nguồn động viên, chia sẻ kịp thời cho họ vào thời khắc đón chào năm mới. 
Trở về với gia đình là động lực để các phạm nhân             đang thi hành án phấn đấu cải tạo tốt
Trở về với gia đình là động lực để các phạm nhân đang thi hành án phấn đấu cải tạo tốt
Khát khao ngày về
 
Mới thụ án được 20 ngày về tội đánh bạc, phạm nhân Lê Thị N. (37 tuổi), quê ở thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp đã không kìm nén được cảm xúc khi nhắc đến chồng con đang ở quê. Chị N. kể, trước đây chị làm nghề bán quán cơm phở ven đường, chồng lái xe nay đây mai đó. Hai đứa con trai, một mình chị chăm sóc, lo toan. Năm nay, chồng lại chạy xe xuyên Tết, hai đứa trẻ không được mẹ đưa đi sắm sửa quần áo mới khiến chị chạnh lòng. 15 tháng tù là cái giá mà chị phải trả cho những lỗi lầm mình đã gây ra.
 
Chị N. chia sẻ: “Tôi là người dân tộc Thái. Đối với người Thái, vào những ngày cận Tết, nhà nhà, người người nô nức chuẩn bị quần áo, đồ ăn và các trò chơi dân gian. Ngày 30 Tết, theo tục lệ, các thành viên trong gia đình đều đi gội đầu, mặc áo váy mới để tống tiễn những điều không may mắn trong năm cũ, chào đón niềm vui, hạnh phúc trong năm mới. Vui nhất trong dịp Tết là mọi người kéo nhau về nhà văn hóa cộng đồng để nhảy sạp, tung còn trong tiếng cồng, chiêng, hát múa lăm vông rộn rã…”. Nói đến đấy, ánh mắt chị N. sáng rực lên, chị hướng mắt ra ngoài nhìn xa xăm…
 
Không giống như chị N., Tết năm nay ông Lê Viết S. được trở về sum họp bên gia đình. Nghĩ đến đó, ông vui mừng, phấn khởi ra mặt. “Nhờ cải tạo tốt, tôi được giảm án sớm trở về với gia đình. 60 tuổi, tôi đã lên chức ông nội, ông ngoại, cho nên việc làm đầu tiên khi ra khỏi đây là về chăm cháu cho các con đi làm”, ông S. cười.  Nguyên Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Đàn nhiệm kỳ 2011 - 2016, ông S. đã ký giấy ủy quyền cho cán bộ địa chính xã nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng với số tiền 140 triệu đồng. Sau đó, lợi dụng chức vụ và quyền hạn, ông S. và cán bộ địa chính đã biển thủ số tiền trên mà không nộp vào ngân sách Nhà nước. Ông S. bị khởi tố về tội tham ô tài sản và bị Tòa tuyên án 30 tháng tù. Những ngày tháng ở trong trại giam, ông thật sự ăn năn, hối cải. Chỉ vì một phút lầm lỡ để rồi phải trả một cái giá quá đắt.
 
Từng đón Tết trong Trại giam, mặc dù có đôi lúc nhớ nhà nhưng ông S. cũng như những can, phạm nhân khác vẫn cảm nhận được sự ấm cúng, nhất là sự quan tâm của Ban giám thị, cán bộ quản giáo và sự hòa đồng của các phạm nhân. “Chúng tôi được đón một cái Tết giống như ở nhà. Tôi được tham gia vào đội gói bánh chưng, một không khí chuẩn bị rất háo hức, mang hương vị Tết cổ truyền. Ngoài ra, chúng tôi còn được cán bộ chúc Tết nên không thấy chạnh lòng hay tủi thân”, ông S. bộc bạch.
 
Tết này đã là cái tết thứ 3 phạm nhân Vương Xuân H. (SN 1966) trú tại xã Hồng Thành, huyện Yên Thành ở trong trại giam. Phạm tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép, anh H. bị tuyên phạt 42 tháng tù. Những ngày cuối năm, anh H. tỏ ra trầm ngâm hơn khi gặp 6 người con vào thăm. “Là một người chồng, người cha, tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ với những việc mà mình đã làm. Tết đến mới thấy thấm thía giá trị những ngày cả gia đình sum họp, đoàn viên. Những ngày tháng ở đây đã giúp tôi hiểu ra nhiều thứ. Mình làm sai thì phải trả giá. Cố gắng cải tạo tốt, xin được giảm án để sang năm có thể mãn hạn tù, kịp về đoàn tụ, đón Tết với gia đình”, anh H. chia sẻ.
 
Một năm cũ qua đi, mùa Xuân mới lại về, hy vọng những cái Tết đặc biệt ở trại giam sẽ giúp cho các phạm nhân có thời gian suy ngẫm lại quá khứ với những lỗi lầm, để rồi có thêm động lực cải tạo thật tốt, sớm trở về, sống có ích cho gia đình và xã hội.  
.

Gia Khánh