Gia đình xã hội

Khổ vì sống cạnh bệnh viện

09:26, 07/01/2020 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Trên địa bàn Nghệ An hiện nay vẫn còn nhiều bệnh viện, cơ sở y tế xả thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cá biệt, có những bệnh viện đã đưa vào hoạt động hàng chục năm, nhưng đến nay vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, không chỉ làm ảnh hưởng mà còn đe dọa đến sức khỏe, cuộc sống an toàn của người dân. 
Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung
Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung
Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành có quy mô 300 giường bệnh, mỗi ngày có khoảng 500 người đến khám bệnh, nhưng đến nay, bệnh viện vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Chính vì vậy, hàng ngày bệnh viện này vẫn thải ra môi trường nguồn chất thải lỏng ra hồ tự nhiên, hòa vào cống thoát nước khu vực dân cư và ruộng đồng. Ngoài ra, khu vực xử lý chất thải rắn là một lò đốt cao được xây dựng từ hàng chục năm nay, sử dụng công nghệ đốt lạc hậu, đốt bằng dầu nên mỗi khi đốt lò đã gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đó là chưa kể đến việc, khu thu gom và phân loại nguồn rác thải y tế được bệnh viện hợp đồng với một công ty tại TP Vinh, nên từ 3 - 5 ngày mới có một chuyến xe vận chuyển, thời gian rác thải tập kết chờ vận chuyển cũng gây ô nhiễm nghiêm trọng. Các hộ dân sinh sống ở khu vực này cho biết, do lo ngại nguồn nước thải từ bệnh viện không đảm bảo an toàn nên người dân chủ yếu dùng nước mưa và mua nước từ các xe bồn để ăn uống, còn nguồn nước ngầm ở đây chỉ dùng trong việc tắm rửa, giặt giũ. 
 
Nghệ An hiện có 50 cơ sở y tế cần phải có hệ thống xử lý nước thải, gồm 13 bệnh viện tuyến tỉnh, 1 trung tâm y tế tuyến tỉnh, 7 bệnh viện và 12 trung tâm y tế tuyến huyện, 13 bệnh viện tư nhân cùng với 4 bệnh viện thuộc bộ, ngành. Đối với nước thải, đến nay đã có 45 đơn vị có hệ thống xử lý nước thải, còn 5 đơn vị chưa có hệ thống xử lý chất thải; có 2 bệnh viện đang xây dựng, gồm Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Phục hồi chức năng, 2 bệnh viện tuyến huyện chưa có hệ thống xử lý nước thải là Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương và Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ. Ngành Y tế hiện cũng đang có 13 lò đốt chất thải y tế nguy hại đang hoạt động. Đặc biệt, hiện nay có 7 bệnh viện đang nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Y tế tập trung các biện pháp nhằm khắc phục ô nhiễm môi trường để hoàn thành việc xử lý triệt để ô nhiễm. 
 
Danh sách các bệnh viện nói trên bao gồm: Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳ Hợp (đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, đưa vào vận hành ổn định song nước thải sau khi xử lý không đạt quy chuẩn); Bệnh viện Ung bướu Nghệ An và Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An, mặc dù đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và lò hấp rác thải theo công nghệ hấp ướt bằng nguồn vốn sự nghiệp môi trường Trung ương và ngân sách đối ứng của tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Tại  Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành và Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ, đều chưa có hệ thống xử lý nước thải, trong đó tại Yên Thành đã đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào hoạt động, còn tại Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ đang trong giai đoạn đàm phán với đơn vị tư vấn và ngân hàng tái thiết Đức để xin cấp vốn. Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương và Bệnh viện huyện Quế Phong cũng chưa có hệ thống xử lý nước thải, trong đó Bệnh viện Đa khoa huyện Quế Phong hệ thống xử lý chất thải rắn cũng chưa có, mặc dù trước đó đã đầu tư và vận hành ổn định hệ thống xử lý nước thải tập trung, song hoạt động không hiệu quả nên vẫn tiếp tục gây ô nhiễm. 
 
Trước đó, số liệu thống kê cho thấy, hàng loạt cơ sở y tế khác gây ô nhiễm môi trường nhưng đã có biện pháp khắc phục, được xác nhận là Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳ Châu, Bệnh viện Phổi Nghệ An, Bệnh viện Đa khoa huyện Nam Đàn, Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An, Bệnh viện Nội tiết… Theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 6 bệnh viện gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt để trong giai đoạn 2016 - 2019. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số bệnh viện, cơ sở y tế chưa xử lý xong vấn đề môi trường. Để giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường từ các bệnh viện, từ nhiều năm qua, Sở đã chú trọng công tác quản lý chất thải y tế. Đồng thời, chú trọng triển khai thực hiện cơ sở y tế xanh - xạch - đẹp theo Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 15/7/2016 của Bộ Y tế. 
 
Về tiến độ xử lý triệt để ô nhiễm môi trường theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Chính phủ, đến nay phần lớn các cơ sở y tế gây ô nhiễm đã khắc phục hệ thống xử lý chất thải lỏng, chỉ số quan trắc đạt tiêu chuẩn được Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường. Riêng Bệnh viện Đa khoa Đô Lương và Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ đã đàm phán đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải lỏng bằng nguồn vốn ODA, sắp tới sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động. Về thực trạng quản lý chất thải rắn y tế, đến nay 100% bệnh viện đã tuân thủ đúng các quy định về phân loại, thu gom và vận chuyển chất thải y tế. Trong thời gian tới, Sở Y tế Nghệ An tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác quản lý chất thải y tế và triển khai kế hoạch thực hiện cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp nhằm đảm bảo môi trường cơ sở y tế, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và sức khỏe cộng đồng.

THIỆN THÀNH

Các tin khác