Gia đình xã hội
Chậm trễ cung cấp thông tin khiến truyền thông xã hội đi trước báo chí
11:07, 05/12/2019 (GMT+7)
Ngày 4-12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực thi Luật Báo chí năm 2016.
Tại hội nghị, phần lớn các ý kiến đều khẳng định, Luật Báo chí năm 2016 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho phóng viên tác nghiệp, đồng thời là chỗ dựa của những người làm báo được thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ xã hội và nhân dân tốt hơn. Tuy vậy, việc áp dụng Luật Báo chí thời gian qua cũng bộc lộ một số vấn đề cần tiếp tục có hướng dẫn cụ thể để thuận lợi hơn trong quá trình triển khai.
Đại diện của Thông tấn xã Việt Nam cho biết: Luật Báo chí năm 2016 ngày càng thể hiện sát với đời sống báo chí hơn, các quy định có sự ràng buộc cao hơn đối với cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan cung cấp thông tin cho báo chí. Song hiện một số quy định trong Luật Báo chí chưa có hướng dẫn cụ thể nên gặp khó khăn trong triển khai như: Đặt hàng báo chí phục vụ đối ngoại, việc hỗ trợ cước vận chuyển báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, dẫn đến những khó khăn trong việc xây dựng và đề nghị phê duyệt dự toán kinh phí, công tác kiểm toán.
Bên cạnh đó, Điều 23 quy định, người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng Biên tập (đối với báo in, báo điện tử), là Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc đối với báo nói, báo hình. Trên thực tế, mô hình quản lý chỉ có Tổng Biên tập hoặc Tổng Giám đốc có thể gây khó khăn cho cơ quan báo chí do Tổng Biên tập có nhiều kinh nghiệm làm nội dung, trong khi kinh tế báo chí cũng là một phần việc quan trọng cần cán bộ nhiều kinh nghiệm.
Do đó, đại diện Thông tấn xã Việt Nam đề nghị Bộ TT&TT xem xét việc cho phép cơ quan báo chí tùy thuộc điều kiện thực tế có thể lựa chọn một trong hai mô hình: Tổng Biên tập, hoặc Tổng Biên tập phụ trách nội dung và Giám đốc phụ trách kinh doanh.
Bên cạnh đó, Điều 39 về trả lời trên báo chí quy định thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm trả lời trên báo chí là quá dài, nhất là đối với truyền thông hiện đại ngày nay, với những sự kiện nóng được dư luận xã hội quan tâm. Chính việc cơ quan chức năng chậm cung cấp thông tin đã tạo lợi thế cho truyền thông xã hội đi trước báo chí chính thống.
Thậm chí, có những cơ quan, tổ chức có biểu hiện ngần ngại, tránh tiếp xúc với cơ quan báo chí, khi sự việc trôi qua rất lâu mới cung cấp thông tin hoặc thông báo trả lời phỏng vấn. Do vậy, đại diện Thông tấn xã Việt Nam đề nghị Bộ TT&TT xem xét, đề xuất rút ngắn thời gian cung cấp thông tin cho báo chí hoặc bổ sung các tình huống đặc biệt.
Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam cũng cho rằng: Khảo sát của Hội Nhà báo qua 3 năm thực hiện Luật Báo chí cho thấy, nhiều cơ quan, tổ chức coi Luật Báo chí là việc riêng của báo chí nên không đọc, không nghiên cứu dẫn đến không hiểu, gây khó khăn cho hoạt động tác nghiệp của phóng viên.
Theo đại diện Sở TT&TT Hà Nội, thực tế vẫn còn hiện tượng cản trở nhà báo trong tác nghiệp. Mặc dù Luật Báo chí quy định rõ, nhà báo tác nghiệp chỉ cần xuất trình Thẻ Nhà báo là đủ nhưng nhiều nơi vẫn còn hạch sách, yêu cầu đòi thêm Giấy giới thiệu mới làm việc, cung cấp thông tin hoặc né tránh việc tiếp xúc, trả lời báo chí.
Ông Nguyễn Đình Chúc, Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động cho biết: Luật Báo chí đã quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức ở địa phương trong việc cung cấp thông tin, tuy nhiên qua phản ánh của phóng viên, vẫn còn tình trạng người có trách nhiệm phát ngôn ở các cơ quan hành chính nhà nước lấy lý do đi công tác, đi nước ngoài, ốm đau để trốn tránh, không cung cấp thông tin.
Đặc biệt, việc đặt hàng báo chí phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, vùng sâu vùng xa, Luật Báo chí 2016 quy định khá rõ điều này. Thực tế 3 năm qua, nhiều cơ quan báo chí phục vụ nhiệm chính trị nói chung đã có nhiều tuyến bài phục vụ cho các hoạt động này. Nhiều tuyến bài điều tra công phu, phục vụ phát triển kinh tế miền núi, hải đảo, nhiệm vụ chính trị quan trọng của tổ chức công đoàn, đất nước nhưng chưa nhận được sự đặt hàng và tất nhiên là không có nguồn kinh phí cho các hoạt động này. Việc hỗ trợ cước vận chuyển báo ra các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo chưa được thực hiện, dẫn đến việc đưa báo ra những địa bàn này còn khó khăn.
Ông Vũ Văn Tiến, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đề xuất Bộ TT&TT cần có quy định rõ về các loại thẻ ra vào cơ quan, tránh tình trạng mập mờ trong tác nghiệp của phóng viên báo chí. Quy trình cấp Thẻ Nhà báo cũng cần chặt chẽ hơn, đặc biệt là từ các cơ quan báo chí, tránh tình trạng cấp sai đối tượng. Đối với các nhà báo đã nghỉ hưu cần phải thu hồi thẻ...
Riêng đối với hoạt động của phóng viên tại các văn phòng thường trú, tinh thần chung là phải chấn chỉnh để hạn chế tình trạng “sách nhiễu” doanh nghiệp, chính quyền địa phương nhưng cũng phải bảo vệ các phóng viên làm việc đúng...
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định: Luật Báo chí năm 2016 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho phóng viên tác nghiệp. Tuy vậy, do một số đối tượng chịu tác động của Luật chưa hiểu, chưa nắm hết nên dẫn đến việc thực thi có lúc, có nơi còn chưa chuẩn. Đồng chí Thứ trưởng đề nghị, các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí cần nắm rõ các quy định của Luật Báo chí năm 2016 để thực hiện đúng Luật.
“Riêng đối với những vấn đề còn chưa rõ, chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện mà các đại biểu đề cập đến trong hội nghị hôm nay, Ban tổ chức cần phải tập hợp lại để nghiên cứu, từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện”- Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.
Nguồn: Huyền Thanh/CAND