Gia đình xã hội

Những lời nhắn xúc động trên bức tường ngoài phòng mổ Bệnh viện E

08:52, 24/09/2019 (GMT+7)
Lo lắng khi người thân nằm trong phòng mổ, sinh tử mong manh, người nhà bệnh nhân chỉ biết bày tỏ lên bức tường vô tri, vô giác, cầu nguyện cho người thân của họ mau khỏe mạnh, sớm được trở về với gia đình.

Đầu giờ chiều, tại Trung tâm Tim Mạch, Bệnh viện E, cảnh người nhà bệnh nhân hối hả, vội vàng chạy qua chạy lại để làm các thủ tục cho người thân nhập viện. Trong khi đó, ở phía cuối hành lang, khu vực cầu thang tầng 2 và tầng 3 phía ngoài phòng mổ và khoa Hồi sức tích cực, rất nhiều người nhà bệnh nhân với gương mặt thẫn thờ, mệt mỏi, nhưng đều ngóng về cánh cửa luôn đóng kín và cầu nguyện điều gì đó.

Nhà ở xa, gia cảnh khó khăn, không có tiền để thuê nhà trọ, lo lắng và muốn bên cạnh người thân của mình, nhiều người đã coi khu vực cầu thang này là “nhà trọ”. Chỉ cần 1 chiếc chiếu cói để họ ngả lưng khi mệt cũng khiến họ an tâm phần nào khi người thân của mình đang hàng giờ trong phòng mổ, hàng ngày vẫn phải nằm ở Khoa Hồi sức.

Hơn 1 tháng nay, đứa con 6 tuổi của vợ chồng anh Lò Văn Doại (ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) đã phải nằm tại Khoa Hồi sức tích cực, Trung tâm Tim mạch vì bị bệnh tim bẩm sinh. Từ ngày đưa con xuống Hà Nội chữa bệnh, không đêm nào vợ chồng anh Doại được chợp mắt trọn vẹn. Anh Doại cho biết, hơn 20 ngày nay, vợ chồng anh vẫn luôn ngồi chờ ở phía ngoài khu vực phòng mổ và Khoa Hồi sức tích cực, ánh mắt không thể rời căn phòng đóng kín trước mặt.

“Cháu vừa được mổ tim lần thứ 2, bây giờ chưa biết sức khỏe như nào. Cũng không thấy bác sĩ thông báo gì về tình hình sức khỏe của con nên vợ chồng tôi cũng rất lo lắng”- anh Doại nói.

Chị Lường Thị Hồng Nhung (23 tuổi, ở Vân Hồ, Sơn La) cho biết có con gái 2 tháng tuổi bị tim bẩm sinh đang được phẫu thuật. Đã hơn 4 tiếng đồng hồ trôi qua, vợ chồng chị luôn thấp thỏm lo âu khi đứa con được đưa vào phòng mổ.

“Ngồi bên ngoài phòng mổ, lo lắng không biết con thế nào. Chỉ mong con có thể qua khỏi.”- chị Nhung nói.

“Vậy là 4 lần mẹ phải ở đây chờ con rồi”

“Vậy là 4 lần mẹ phải ở đây chờ con rồi, Linh Chi ơi”. Đó là tâm sự của người thân bệnh nhi Nguyễn Lê Linh Chi (quê ở Nghệ An) trên bức tường ở khu vực cầu thang tầng 2 ngoài phòng mổ của Trung tâm Tim mạch. Được biết, bé Linh Chi bị bệnh tim bẩm sinh phức tạp, bé không có động mạch phổi. Bệnh nhi này phải trải qua 4 lần phẫu thuật để tạo thành động mạch phổi. Tuy nhiên, đến nay tình trạng cải thiện oxy của cháu bé vẫn chưa được cải thiện.

Ở quanh cầu thang tầng 2, tầng 3, bức tường loang lổ khoảng 10m, gần như không còn khoảng trống. Trên bức tường vô tri, vô giác ấy là những dòng tin nhắn chất chứa bao tâm tư, hi vọng của những người cha, người mẹ, người con chờ ca mổ thành công. Có những dòng chữ được viết nắn nón, cẩn thận, cũng có những dòng chữ viết vội, nguệch ngoạc. Nhưng tất cả đều mong cho ca mổ thành công, cầu mong một phép màu để người thân của họ mau khỏe mạnh, trở về với gia đình.

“Con trai bé Ti Ti của mẹ ơi, con cố lên nhé, bố mẹ chỉ mong con khỏe nhanh thôi. Mẹ thương, mẹ nhớ con. Yên con...”

“An Tường, cố lên con trai. Mẹ ở đây đợi con. Yêu con nhiều”.

“13/3, ngày con tròn 4 tháng tuổi, ngày thứ 4 con trong Khoa Hồi sức. Cố lên chàng trai bé nhỏ của mẹ”.

“Nghĩa à, cố lên con trai. Bố mẹ luôn mong con khỏe mạnh để gia đình mình được đoàn tụ với nhau con nhé. Bố mẹ đặt hết hy vọng ở con đấy... Bố mẹ yêu con nhiều lắm. Cố lên con yêu nhé”.

Anh Quàng Văn Đương (30 tuổi, ở Lai Châu) hàng đêm không thể chợp mắt khi nghĩ đến đứa con gái của mình đang phải nằm trong Khoa Hồi sức tích cực. Anh Đương chia sẻ, ngồi ở ngoài ngóng chờ tin con, vợ chồng anh chỉ biết viết lên tường, với hy vọng con sẽ vượt qua khó khăn này, sớm được ra viện trở về với gia đình.

“Ngày 19/8/2019, cố gắng lên con gái yêu của bố mẹ...”- dòng tin nhắn anh Đương viết lên tường.

Cùng cảnh ngộ với bao người thân bệnh nhân, anh Tao Văn Đa (ở Lai Châu) và vợ đang chờ đứa con 4 tháng của mình phải nằm ở Khoa Hồi sức tích cực hơn 3 tuần nay. Anh Đa chia sẻ, gia đình khó khăn, không có tiền để thuê nhà trọ nên vợ chồng anh phải ăn, ngủ luôn bên ngoài Khoa Hồi sức tích cực để ngóng tin con.

Anh Đa cũng chia sẻ, những dòng chữ trên tường là những tâm tư của những ai có người thân đang trong phòng mổ khiến mọi người đọc đều rơi nước mắt. “Với những ai chờ người thân đang phải trong phòng mổ chiến đấu với tử thần, ca mổ có thể chỉ diễn ra vài tiếng nhưng cảm giác như dài vô tận"- anh Đa nói.

TS.BS Đỗ Anh Tiến, Phó trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E cho biết, trung bình mỗi ngày, đơn vị thực hiện khoảng 10 ca mổ tim, cho trẻ em và người lớn. Sau khi ca mổ hoàn thành, bệnh nhân sẽ được chuyển từ tầng 3 - phòng Mổ xuống tầng 2 - phòng Hồi sức tích cực.

Cũng theo TS.BS Đỗ Anh Tiến, từ năm 2011, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E thực hiện nhiều ca phẫu thuật phức tạp, vì vậy việc hồi sức sau mỗi ca mổ lâu hơn. Có những ca phải mổ đi mổ lại nhiều lần. Do vậy, trong thời gian chờ đợi, người nhà thường rất lo lắng, sốt ruột và khi đó họ chỉ biết bày tỏ nỗi niềm ấy lên bức tường.

“Đầu tiên, mục đích chính của họ là viết số điện thoại lên tường. Bởi, trước đây, bệnh viện chưa có phòng lưu trú, hành lang bé, vì vậy họ phải đi ra ngoài nên họ ghi số điện thoại lên tường để khi có việc cần, trao đổi, bác sĩ có thể gọi cho họ. Sau này, nhiều gia đình cũng ghi lên đó. Thời gian chờ mổ lâu, họ lo lắng nên đã ghi lên đó, khiến ai đọc cũng xúc động”- TS.BS Đỗ Anh Tiến chia sẻ.

BS Tiến cũng cho biết, đối với những ca bệnh tim bẩm sinh, phải thực hiện mổ rất nhiều lần. Mỗi lần phải làm từng bước, mỗi 1 bước chỉ là phần nhỏ trong quá trình điều trị. Vì vậy, có những bệnh nhi phải điều trị hàng năm.

BS Tiến cho rằng, dự kiến, thời gian tới, Bệnh viện sẽ không có để người nhà ở trong khu hành lang và sẽ bố trí để người nhà chờ bệnh nhân dưới sảnh tầng 1.

“Nếu để người nhà ở khu hành lang cầu thang tầng 2, tầng 3 trông nhếch nhác, không mỹ quan. Hiện nay, dưới tầng 1 có những dãy ghế để dành cho người nhà bệnh nhân ngồi, sạch sẽ hơn. Trong trường hợp cần gặp người nhà bệnh nhân để trao đổi, thống báo, bệnh viện đều có thông báo trên loa. Thời gian tới, có thể bệnh viện sẽ làm 1 quyển sổ để người thân viết những tâm sự vào đó, tôi nghĩ như vậy cũng rất hay”- BS Tiến cho biết.

16h30 phút, tiếng lạch cạch từ cửa phòng mổ được mở ra. Bác sĩ thông báo, ca mổ cho bé B. của vợ chồng chị Lường Thị Hồng Nhung (Sơn La) đã thành công. Bé sẽ được chuyển xuống Khoa Hồi sức tích cực để chăm sóc.

Với chị Nhung, chỉ chờ nghe được thông báo như vậy của bác sĩ cũng phần nào an ủi nỗi lo lắng của người mẹ trẻ này. Trong lúc chờ để được gặp con, chị lại tranh thủ vắt sữa để gửi bác sĩ cho con ăn.

Chị Nhung chia sẻ, vợ chồng chị sẽ còn ở đây, tiếp tục cùng đứa con đầu lòng bé bỏng đang chiến đấu để giành giật sự sống./.

 

Thực hiện: Thy Hạt - Hoàng Lê| Dựng: Đoan Đoan

Nguồn: vov.vn

Các tin khác