Gia đình xã hội

Vụ học sinh trường Gateway tử vong: Chiếc xe đưa đón cháu bé hoạt động không phép

14:35, 07/08/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN
Sở GTVT Hà Nội khẳng định, qua hệ thống quản lý của Sở GTVT cho thấy, chiếc xe đưa đón học sinh của trường quốc tế Gateway trong vụ việc cháu bé 6 tuổi tử vong chưa được cấp phù hiệu chở khách hợp đồng theo quy định.

Cụ thể, tra soát trên hệ thống dữ liệu đăng kiểm, chiếc xe  Ford Transit 16 chỗ BKS 29B-069.56 thuộc sở hữu của ông Đoàn Quý Phiến (ông Phiến chính là người lái xe đưa đón học sinh trường Gateway ngày hôm qua, 6/8). Xe đăng kiểm lần gần đây nhất vào ngày 18/4/2019 và hết hạn đăng kiểm ngày 17/10/2019.

Theo lãnh Sở GTVT Hà Nội, các xe chở học sinh hiện nay nhà trường đều hợp đồng với phụ huynh và có thu thêm tiền đưa đón, nên thuộc diện xe hợp đồng chở khách phải đăng ký kinh doanh theo Nghị định 86/CP.

ảnh 1

Chiếc xe đưa đón học sinh trường Gateway do ông Doãn Quý Phiến điều khiển không được phép đưa đón học sinh (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, kiểm tra dữ liệu quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, chiếc xe BKS 29B-069.56 chưa có giấy phép về kinh doanh vận tải, chưa được cấp phù hiệu xe kinh doanh. Vì vậy, không thể kiểm tra được lịch trình chiếc xe này.

Trong khi đó, theo thông tin từ UBND quận Cầu Giấy tại buổi họp báo trưa nay, 7/8, ông Doãn Quý Phiến (SN 1966), lái xe Ford Transit BKS 29B-069.56, là nhân viên của Công ty TNHH Vận tải và du lịch Ngân Hà.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Vận tải và du lịch Ngân Hà được cấp Giấy phép số 3510/GPKDVT, thời hạn đến ngày 1/8/2023; Có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, người đại diện theo pháp luật là bà Vương Thị Hường.

Tuy nhiên, khi liên hệ với bà Hường để tìm hiểu rõ hơn về chiếc xe đưa đón học sinh trường Gateway không được cấp phù hiệu thì phóng viên không thể liên lạc được.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện tại số lượng xe đưa đón học sinh trên địa bàn TP Hà Nội rất nhiều.

“Hàng năm, Sở GTVT đều có văn bản gửi Sở GD-ĐT và các quận, huyện đề nghị tổng hợp số lượng các phương tiện đưa đón học sinh. Với nhiều huyện vùng sâu, xa có hiện tượng sử dụng xe quá đát, xe hết niên hạn để đưa đón học sinh. Sở đã yêu cầu thanh tra kiểm tra, xử lý và yêu cầu chấm dứt hoạt động của các phương tiện trên”- đại diện Sở GTVT thông tin.

Còn theo ông Đặng Văn Chung, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT), xe chở học sinh của các trường học đều thuộc diện xe hợp đồng chở khách theo Nghị định 86/CP.

Lái xe hợp đồng có trách nhiệm nắm được số lượng khách trên xe, phải kiểm tra khi xe tới điểm đến. Trong trường hợp cháu bé bị bỏ quên trên xe, có trách nhiệm của giáo viên nhưng cũng có trách nhiệm của chính lái xe.

Theo quy định tại Nghị định 86, với xe hợp đồng chở khách có tải trọng thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị/chủ xe kinh doanh phải thông báo tới Sở GTVT hành trình, số lượng khách, điểm đưa đón, trả khách. Đặc biệt, xe phải được gắn thiết bị giám sát hành trình để các cơ quan chức năng có thể nắm lộ trình xe.

Theo số liệu thống kê được Sở Giáo dục - Đào tạo gửi sang Sở GTVT Hà Nội, năm học 2019 - 2020, trên địa bàn Hà Nội có 17 trường có xe đưa đón học sinh, với tổng số xe đưa đón là 629 xe. Trong đó, loại xe 16 chỗ chiếm số lượng lớn nhất với 345 xe. Đáng chú ý, trong danh sách 17 trường đã nêu không có trường Gateway.

Nhưng, đại diện Sở GTVT Hà Nội cũng thừa nhận, có thể danh sách này không đủ, vì hàng năm Sở GTVT đều có văn bản gửi Sở Giáo dục- Đào tạo Hà Nội đề nghị phối hợp, cung cấp danh sách các trường học có ký hợp đồng với doanh nghiệp vận tải đưa đón học sinh. Song, số lượng thống kê gửi về Sở GTVT Hà Nội thường không đầy đủ.

Nguồn: Báo An ninh Thủ đô

Các tin khác