Thứ Năm, 06/06/2019, 08:04 [GMT+7]

Nỗi buồn của một cựu binh bị nhiễm chất độc hóa học

(Congannghean.vn)-Từng có thời gian phục vụ chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, nhiều lần ông Phạm Văn Hào (SN 1956) trú tại thôn 1/5, xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn làm hồ sơ để hưởng chế độ “chất độc hóa học” cho bản thân và các con, song đến nay vẫn chưa được chấp nhận.

Ông Phạm Văn Hào rơi nước mắt khi chụp ảnh chung với người con gái đầu và con gái út bị mang tật “đầu nhỏ”
Ông Phạm Văn Hào rơi nước mắt khi chụp ảnh chung với người con gái đầu và con gái út bị mang tật “đầu nhỏ”

Ông Phạm Văn Hào cho biết, quê gốc của ông ở khối 1, thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu. Năm 1972, giữa cuộc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Hào cũng như nhiều thanh niên trong xã nô nức lên đường nhập ngũ, xung phong ra trận đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc. Theo lời kể của ông Hào, sau khi nhập ngũ ông được biên chế vào đơn vị pháo 12ly7 và pháo 37 thuộc Tiểu đoàn 75, Trung đoàn 84, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2, đóng quân tại chiến trường Quảng Trị. Đến tháng 10/1975, ông Hào được xuất ngũ trở về địa phương.

Đến năm 1992, ông Hào đến huyện Anh Sơn làm ăn. Tại đây, ông đã gặp và cưới bà Nguyễn Thị Quý (SN 1973) làm vợ vào năm 1996. Một năm sau, vợ chồng ông Hào, bà Quý sinh hạ được một người con gái đặt tên là Phạm Thị Hà Anh. Tuy nhiên, niềm vui “ngắn chẳng tày gang” khi đứa con gái đầu lòng của gia đình ông mắc chứng “đầu nhỏ” ngay từ khi mới sinh. Từ đó đến nay, Hà Anh sống phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ, không thể làm được việc gì phụ giúp gia đình, ngược lại bố mẹ và người thân còn phải trông nom không rời mắt. Ông Hào cho biết, hàng ngày ông phải khóa cửa nhà hoặc xích chân lại, không để con ra đường, vì cháu không biết gì, lại hay đi lang thang ngoài đường, gia đình rất sợ bị tai nạn giao thông.

Năm 2002, vợ ông Hào sinh đôi hai người con gái tên là Phạm Thị H. và Phạm Thị Q., theo lời ông Hào, hai người con gái này sinh ra lành lặn, tuy vậy, cháu H. vẫn có những biểu hiện khù khờ, không nhanh nhẹn như những đứa trẻ cùng trang lứa. Vậy nhưng, nỗi vất vả lo lắng, khốn khổ của vợ chồng ông Hào chưa dừng lại mà tiếp tục đeo đẳng đến đứa con gái út sinh năm 2012. Từ khi sinh ra, cháu Phạm Thị Như tiếp tục mang chứng “đầu nhỏ” như người chị cả, nhận thức và hành vi không bình thường!

Ông Hào cho biết, hiện tại cô con gái đầu Phạm Thị Hà Anh đang được hưởng chế độ bảo trợ xã hội với mức 400.000 đồng/tháng; còn cháu Phạm Thị Như được hưởng mức 600.000 đồng/tháng. Năm nay đã hơn 60 tuổi nhưng hàng ngày ông Hào vẫn phải làm công việc đào giếng thuê hết sức nặng nhọc. Ông bảo, ở quê làm nông không ăn thua, phải cố gắng làm thêm nghề khác để kiếm tiền nuôi con. Căn nhà xây đang ở là tự tay ông Hào đổ táp lô, tự làm móng, tự xây nhà để có chỗ cho vợ con chui ra, chui vào cho đỡ cực. Nhìn trong căn nhà ấy, chúng tôi không thấy có vật dụng gì đáng giá.

Ông Hào nói, khi đi bộ đội về, trong một trận lụt lớn ở Diễn Châu đã làm hư hỏng toàn bộ giấy tờ, tư trang cá nhân của ông khi xuất ngũ. Do vậy, khi có chủ trương làm chế độ người bị nhiễm chất độc hóa học, ông không có cách nào làm được. Thời gian gần đây, nhờ bạn bè giúp đỡ, ông Hào về đơn vị cũ và đã xin được giấy xác nhận và các hồ sơ liên quan, nhưng khi trình lên các cấp thì bị lệch năm sinh so với giấy tờ gốc nên hồ sơ bị trả về. Ông Hào buồn bã nói, năm sinh chính thức của tôi là 1956, thế nhưng vào năm 1972, khi mới 16 tuổi, vừa lúc có đợt nhập ngũ, tôi đi bộ đội thay anh trai nên phải khai sinh tăng thêm 2 tuổi để đủ 18 tuổi. Do vậy, toàn bộ giấy tờ gốc của tôi đều có năm sinh là 1956 nhưng hồ sơ trong đơn vị quân đội tôi đều có năm sinh là 1954.

Trao đổi sự việc trên với phóng viên, một chuyên viên của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Anh Sơn cho hay, đơn vị này cũng đã gửi hồ sơ làm chế độ chất độc hóa học cho ông Hào nhưng bị trả về, do bị lệch năm sinh.

Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, tại Giấy xác nhận số 78/GXN của Sư đoàn 325 do Thượng tá Nguyễn Khắc Thơm, Tham mưu trưởng ký vào ngày 3/7/2017, xác nhận thời gian công tác trong quân đội của ông Phạm Văn Hào như sau: Ông Phạm Văn Hào (SN 1954), nhập ngũ tháng 5/1972; xuất ngũ tháng 10/1975; cấp bậc: Binh nhì; chức vụ: Chiến sỹ; đơn vị: Tiểu đoàn 75, Trung đoàn 84, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2. Tổng thời gian công tác là 3 năm, 5 tháng.

Ngoài ra, theo Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 30/6/2016 Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH “Hướng dẫn giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật, có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học đối với người kháng chiến và con đẻ của họ”. Theo đó, có 17 danh mục bệnh, dị tật, dị dạng, có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học, trong đó có “các dị tật, dị dạng bẩm sinh”. Tại Thông tư 20/2016 cũng ghi rõ các dị tật, dị dạng bẩm sinh bao gồm tật đầu nhỏ (Mycroencephaly).   

Mong rằng, các ngành, các cấp có liên quan xem xét, giúp đỡ để ông Hào và các con bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng các quyền lợi chính đáng của Đảng, Nhà nước dành cho người có công với cách mạng.

.

Trần Đức Thắng

.