Gia đình xã hội
Ngại 'dấn thân', giới trẻ đang mất nhiều hơn được?
10:02, 10/06/2019 (GMT+7)
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), trong năm 2018, số người thất nghiệp có trình độ đại học (ĐH) trở lên vẫn ở con số trên 126 ngàn người.
Sau 4 năm miệt mài trên ghế giảng đường học chuyên ngành, nhưng nhiều cử nhân sau đó dễ dàng nhận việc... chạy xe ôm công nghệ, ngán ngại con đường rèn luyện để trở thành một nhân viên chuyên nghiệp.
Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn tới thực trạng mất cân đối về nhân lực hiện nay và sự ngộ nhận về việc nhẹ nhàng, lương cao, ngại lăn xả làm việc khó là một thực tế phổ biến đang khiến giới trẻ của ta mất đi nhiều thứ.
Tốt nghiệp xong đi đâu?
Chúng tôi tiếp xúc với một nam sinh viên năm thứ 4 của một trường ĐH tại TP Hồ Chí Minh. Chạy xe ôm công nghệ (Grab), trong lúc đợi khách, SV này tranh thủ xem Luật Giao thông đường bộ.
Hỏi chuyện, anh cho biết vừa hoàn tất một “cuốc”chở khách từ Đầm Sen lên quận 12. Do chuẩn bị thi lấy giấy phép lái xe ôtô hạng B2 nên anh tranh thủ học luật. Với lại, thấy bạn bè đều đi học lái ôtô nên anh cũng bắt chước và hy vọng có ngày mình “tậu” được ôtô.
Các chuyên gia lo ngại ngày càng phổ biến tình trạng các bạn trẻ ngại dấn thân, bỏ qua những cơ hội có việc làm ổn định, an phận với các công việc như: đi phát tờ rơi, sắm xe bán cà phê, chạy Grab để mưu sinh. |
Các chuyên gia lo ngại ngày càng phổ biến tình trạng các bạn trẻ ngại dấn thân, bỏ qua những cơ hội có việc làm ổn định, an phận với các công việc như: đi phát tờ rơi, sắm xe bán cà phê, chạy Grab để mưu sinh.
SV này cũng cho biết, nếu chịu chạy xe ôm Grabike, mỗi ngày trung bình kiếm ít nhất cũng được 300 ngàn đồng, nhiều cũng phải 500 – 600 ngàn, và có khi được cả triệu đồng. Mà giờ nếu có chừng 150 tới 200 triệu đồng là mua ôtô trả góp được, sau đó chạy lấy tiền trả hằng tháng.
Bạn trẻ này cũng tâm sự, đã từng học âm nhạc ở một trường cao đẳng văn hoá nghệ thuật, ra trường không xin được việc nên chạy xe ôm công nghệ, ngoài thời gian đi show, để kiếm thêm thu nhập và cho rằng: “Nghề chạy xe ôm vất vả nhưng không bị gò bó thời gian, bận việc cần nghỉ thì nghỉ, không phải xin phép ai…”.
Chúng tôi cũng gặp Dương Thanh Phụng, từng là sinh viên một trường cao đẳng kỹ thuật ở TP Hồ Chí Minh, chuyên ngành kỹ thuật máy. Sau 3 năm học, Phụng đi làm tại một công ty dệt may và vừa lên vị trí quản lý, lương 15 triệu đồng/tháng.
Mặc dù lương cao nhưng Phụng vẫn xin nghỉ việc để chạy xe ôm công nghệ. Phụng giải thích rằng, đi làm ở cơ quan nhà nước rất... nhức đầu. Làm nghề này không bị áp lực, thấy thoải mái về thời gian, mà thu nhập cao. Phụng đang thu nhập khoảng 400 đến 600 ngàn đồng/ngày. “Trừ tiền thuê nhà 1 triệu đồng/tháng, chi phí ăn uống, xăng xe, tiền điện thoại… vẫn còn dư”, Phụng thú thật.
Gần đây, chỉ cần dạo nhanh trên các nẻo đường tại khu trung tâm TP Hồ Chí Minh, như khu vực quận 1, quận 3, hiện tượng nổi trội đó là có các nhóm 2-3 sinh viên rủ nhau kinh doanh bán cà phê sạch, trà bí đao, trà sữa "nhà làm", trà sữa "ngoại làm"... Các nhóm lập nghiệp này cũng có nhiều ý tưởng kinh doanh mà vốn bỏ ra rất ít, chỉ cần mua một cái xe gỗ tạp là có thể làm "ông chủ, bà chủ" cà phê sạch ven đường.
Cô bạn chúng tôi tiếp xúc tên Trần Hồng Thuý (25 tuổi) đứng bên chiếc quầy bán cà phê di động bên đường Cộng Hoà (quận Tân Bình) đã cho biết, cô tốt nghiệp cử nhân ngành kế toán ở một trường ĐH trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhưng khi ra trường nộp hồ sơ nhiều nơi, chỗ nào cũng yêu cầu có kinh nghiệmtừ ít nhất 2 – 3 năm trở lên nên đành chọn cách này để “chờ” cơ hội.
Thiếu và mất cân đối nguồn nhân lực chuyên nghiệp
Lý giải về thực trạng trên, ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế, Giám đốc Chương trình Dự báo nhân lực TP Hồ Chí Minh cho biết, một bộ phận giới trẻ đang ngộ nhận "giá trị" của "cuốc xe ôm" công nghệ cao hơn những gì mà họ được đào tạo sau những năm học ở trường CĐ, ĐH.
“Chúng ta đang trong thời kỳ hội nhập 4.0. Dám dấn thân làm việc dù là lao động chân tay, điều này thì ta phải động viên các bạn trẻ. Nhưng các bạn cũng phải hiểu rằng, để trở thành một công dân trưởng thành và là con người toàn diện để nuôi thân, nuôi gia đình, phải hoàn thiện nhân cách sống, sống có trách nhiệm với bản thân, xã hội và có cách nhìn cuộc sống đúng đắn", ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, vì ngộ nhận mà nhiều SV không chịu tư duy tìm kiếm việc làm hoặc khởi nghiệp. Đây sẽ là nguyên nhân làm cho đất nước bị thụt lùi, mất đà phát triển. Trong đó có nguyên nhân do ảo tưởng về công việc tương lai.
Bên cạnh việc học kiến thức và kỹ năng chuyên môn tại giảng đường và phòng thí nghiệm, người sinh viên phải được rèn luyện kỹ năng mềm và các năng khiếu văn, thể, mỹ. Cái cách chọn việc nhẹ nhàng mà không cần có định hướng tương lai phấn đấu thành con người toàn diện đang ngày càng phổ biến hiện nay cũng thể hiện sự dễ dãi của giới trẻ về bản thân.
Sự lãng phí thời gian học chuyên ngành, bỏ phí kiến thức đã học. Thực trạng này đang khiến cơ cấu nhân lực lao động bị mất cân đối nghiêm trọng.
Ông Tuấn cũng cho rằng, con số hơn 200 ngàn cử nhân thất nghiệp mỗi năm, nó hoàn toàn trùng lắp với hiện tượng nhiều các bạn trẻ không dám lăn xả, ngại dấn thân, bỏ qua những cơ hội có việc làm ổn định, lâu dài.
Thay vì cái lợi trước mắt, hãy đến thử việc tại các công ty chuyên nghiệp, dĩ nhiên sẽ mất thời gian rèn luyện, phải nỗ lực học hỏi nhưng đó sẽ là hành trang mà không trường lớp nào có thể trang bị cho họ chính thức bước vào đời.
Cũng theo chuyên gia này, cũng không thể trách các bạn trẻ vì có một thực tế đang diễn ra là mức lương nhiều công việc trí thức ở Việt Nam đang bị trả thấp hơn giá trị của nó, dẫn đến việc nhiều trí thức bỏ ngành đã được đào tạo trong nhiều năm để làm công việc tay chân.
Trong khi đó, sự phát triển của xã hội đang có hệ thống marketing tiếp thị rất cần người vì bùng nổ nhiều dịch vụ. Từ môi trường này cũng có một tỉ lệ nhất định các cử nhân thành công. Nhưng chỉ chừng 20% trong số này vươn lên trở thành người quản lý, quản trị, thành công; còn 80% còn lại là không thành công, họ phải làm lại từ đầu.
Từ thực trạng chọn việc hiện nay của giới trẻ, vấn đề đặt ra trong công tác nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho cuộc cách mạng 4.0 theo ông Tuấn là phải phát triển theo hướng tích hợp của nhiều lĩnh vực, trong đó cốt lõi là công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, quản trị dịch vụ tài chính…
Do đó, các trường ĐH cần trang bị cho người học những kỹ năng để thích ứng, quan trọng nhất là kỹ năng nghiên cứu và sáng tạo. Bên cạnh đó là tính kỷ luật, đạo đức và trách nhiệm với nghề nghiệp. Người lao động còn phải có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng tốt một ngoại ngữ. Nắm bắt được nhu cầu xã hội để tính toán các bước đi phù hợp trong nghề nghiệp.
“Việc đào tạo tại các nhà trường hiện nay với giới trẻ đó là các em cần phải hiểu rằng, học CĐ, ĐH ra không thể đứng mãi ngoài đường vẫy tay chào mời tiếp thị người mua hộp sữa, hay chạy Grabike mà trở thành một con người toàn diện.
Một vị trí chăm sóc khách hàng thôi cũng phải ngày càng trở nên chuyên nghiệp có kiến thức về công nghệ thông tin, về tiếp cận khách hàng theo năng lực giao tiếp. Đúc rút kinh nghiệm và làm được nhiều việc khác nhau, vươn lên thành nhà quản lý, có ý thức tự lập, biết khởi nghiệp, chủ động cho tương lai của chính mình”, ông Tuấn chia sẻ.
Nguồn: CAND