Gia đình xã hội

Nơi bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động

08:43, 01/05/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân vì nhiều lý do khác nhau đã thực hiện không đúng, đầy đủ chế độ, chính sách với người lao động (NLĐ). Phổ biến là cho nghỉ việc nhưng không trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, không nâng lương hoặc không trả tiền tăng ca theo đúng quy định của pháp luật, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH)…, gây thiệt thòi cho NLĐ. Tuy nhiên, nhờ có Ban chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động tỉnh) mà quyền lợi chính đáng, hợp pháp của không ít NLĐ đã được bảo vệ.

Bảo vệ người lao động

Cho rằng Công ty TNHH Haivina Kim Liên (KCN Nam Giang, huyện Nam Đàn) chưa quan tâm quyền lợi NLĐ, nâng lương nhưng lại cắt giảm các khoản hỗ trợ khác, điều kiện làm việc không đảm bảo,… trong 2 ngày 26 - 27/2, hơn 1.500 công nhân đã ngừng việc tập thể, tập trung trong khuôn viên Công ty để yêu cầu lãnh đạo công ty giải quyết các quyền lợi cho NLĐ.

Sau khi sự việc xảy ra, Ban chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động tỉnh) đã phối hợp với BHXH Nghệ An, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra liên ngành về thực hiện Luật BHXH và Luật Lao động đã có buổi làm việc với Công ty. Kết quả, sau thương lượng, Công ty đã cam kết sẽ giải quyết một số quyền lợi cho công nhân như: Tăng lương cơ bản theo quy định vùng 4 là 2.920.000 đồng + 5% độc hại + 7% qua đào tạo; các khoản phụ cấp xăng xe, nhà ở giữ nguyên, mỗi năm sẽ được tăng 20.000 đồng cho thợ phụ và 30.000 đồng cho thợ chính; phụ cấp độc hại Công ty vẫn giữ nguyên. Nếu NLĐ muốn chuyển sang bộ phận khác, Công ty sẽ điều chuyển. Công ty sẽ không bắt công nhân làm việc vào buổi trưa, vào giờ tan ca hay làm thêm giờ... Sau khi đã thỏa thuận được một số yêu cầu chính đáng của NLĐ, sáng 28/2, công nhân Công ty đã quay trở lại làm việc bình thường.

Đại diện Ban chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động tỉnh) tuyên truyền, vận động công nhân tại Công ty TNHH Haivina Kim Liên (KCN Nam Giang, huyện Nam Đàn) quay trở lại làm việc
Đại diện Ban chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động tỉnh) tuyên truyền, vận động công nhân tại Công ty TNHH Haivina Kim Liên (KCN Nam Giang, huyện Nam Đàn) quay trở lại làm việc

Ngoài vụ việc NLĐ được bảo vệ quyền lợi tại Công ty TNHH Haivina Kim Liên thì vào đầu năm 2019, Ban chính sách pháp luật đã phối hợp với BHXH Nghệ An, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kiểm tra việc chậm chi trả tiền chế độ thai sản cho 9 lao động tại Công ty TNHH XNK may Lan Anh. Sau khi kiểm tra sự việc đúng như đơn thư phản ánh, đoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty giải quyết chi trả tiền chế độ thai sản cho 9 lao động nữ theo đúng quy định. Hiện nay, Công ty đã trả tiền thai sản cho 9 công nhân đầy đủ.

Mới đây, Ban chính sách pháp luật phối hợp với Công đoàn ngành Công Thương giải quyết khiếu nại cho công nhân Hồ Xuân Phương về việc chấm dứt Hợp đồng lao động với Công ty TNHH Tôn sắt thép Định Nhàn. Sau khi thống nhất, Công ty đã trả lại bằng gốc, 3.000.000 đồng nộp khi mới vào làm việc, trả tiền lương 3.900.000 đồng (trước chưa nhận) và chốt sổ BHXH trả đầy đủ.

Dẫu sao, các trường hợp trên vẫn may mắn khi đã đòi lại được quyền lợi của mình. Thực tế, có rất nhiều trường hợp NLĐ do không nắm rõ pháp luật lao động nên đã chịu nhiều thiệt thòi, nhất là lao động phổ thông. Thực trạng này không chỉ dẫn đến việc NLĐ bị chèn ép, mất quyền lợi mà chính họ cũng không biết và không hiểu rõ về những quy định của pháp luật nên dễ gây ra những hậu quả khó lường.

Như trường hợp của anh Nguyễn Hữu Nam (35 tuổi), quê ở Diễn Châu. Vì khó khăn trong tìm kiếm việc làm nên khi được nhận vào làm việc tại một Công ty xây dựng, anh Nam đã không ký hợp đồng mà chỉ thỏa thuận bằng miệng và cứ tưởng mình được tham gia đầy đủ các chế độ dành cho NLĐ. Trong quá trình làm việc, anh Nam không may bị tai nạn phải nằm điều trị hết hàng trăm triệu đồng. Lúc này anh mới  “ngã ngửa” vì không được hưởng chế độ bảo hiểm theo quy định do chưa tham gia BHXH và BHYT. Quá trình nằm viện, chi phí điều trị cao nhưng không có BHYT nên gia đình anh phải thanh toán toàn bộ.

Tăng cường đưa pháp luật đến với người lao động

Có thể thấy, hiện nay việc NLĐ được phổ biến đầy đủ kiến thức pháp luật còn rất hạn chế. Vì vậy, dẫn đến NLĐ bị chèn ép, mất quyền lợi mà chính họ cũng không biết. Trong khi đó, người sử dụng lao động là người có trình độ, năng lực, hiểu biết về pháp luật nên thường tìm mọi cách để lách luật với mục đích tối đa hóa lợi nhuận, dẫn đến tình trạng mất cân bằng trong quan hệ lao động và hậu quả là NLĐ bị thiệt thòi.

Trước thực trạng vi phạm chế độ chính sách đối với NLĐ, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp Công đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật cho NLĐ, nhất là trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Từ đầu năm đến nay, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tuyên truyền qua tin nhắn đến 16.000 công nhân lao động về các đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách, quyền lợi, trách nhiệm của NLÐ.

Phối hợp với BHXH tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện pháp luật lao động đến các đơn vị sử dụng lao động, công nhân viên chức, NLĐ và người dân trong tỉnh. Trong đó, tập trung tuyên truyền những điểm mới của Luật BHXH năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Tổ chức tư vấn pháp luật cho đoàn viên, công nhân viên chức, NLĐ về pháp luật lao động, Luật BHXH, Luật việc làm. Tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng, các điểm tư vấn pháp luật hoặc thành lập nhóm cán bộ công đoàn hỗ trợ NLĐ khởi kiện tại Tòa án.

Cùng với đó, để bảo vệ tốt hơn cho NLĐ, mới đây, Liên đoàn Lao động tỉnh tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy chế nhằm giải quyết thỏa đáng các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân viên chức, NLĐ. Trong đó, tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước thực hiện quy chế dân chủ.

Ông Nguyễn Tử Phương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “Thời gian qua, các cơ quan quản lý Nhà nước đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ và người sử dụng lao động; tăng cường công tác thanh, kiểm tra về việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động trong các doanh nghiệp; qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp và NLĐ. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đến hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định an toàn lao động nên một số NLĐ còn thiếu hiểu biết về pháp luật, dẫn đến ý thức chấp hành kỷ luật lao động chưa cao”.

Để đưa pháp luật đến với NLĐ hiệu quả hơn, giúp họ có thể tự bảo vệ mình, ông Nguyễn Tử Phương cho rằng, trước hết cần tạo chuyển biến về nhận thức của chủ sử dụng lao động và NLĐ về sự cần thiết của việc nâng cao hiểu biết pháp luật cho NLĐ. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động đến các doanh nghiệp, NLĐ; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho NLĐ; phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan và các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các chính sách đối với NLĐ trên địa bàn; rà soát, đôn đốc doanh nghiệp nợ BHXH thanh toán nợ để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm pháp luật về lao động, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, để họ yên tâm sản xuất, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tạo nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Cao Loan

Các tin khác