Chiều 29/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, được sửa đổi 162 điều, bổ sung 29 điều, bãi bỏ 49 điều ở tất cả các chương của Bộ luật.
Bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lao động
Trong quá trình thảo luận, theo Đoàn Thư ký Quốc hội, đa số ý kiến đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về sự cần thiết xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, toàn diện các quan điểm chỉ đạo của Đảng và tinh thần Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực lao động, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Đồng thời, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các nội dung lớn như: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; thời giờ làm việc bình thường; việc mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa lên không quá 400 giờ (tăng thêm 100 giờ); căn cứ xác định, điều chỉnh tiền lương tối thiểu; tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm; nghỉ lễ, Tết; việc nghỉ bù thời gian nghỉ Tết Âm lịch; việc bổ sung thêm ngày nghỉ lễ là Ngày Thương binh, Liệt sĩ (ngày 27 tháng 7 Dương lịch); về độ tuổi, lộ trình tăng độ tuổi nghỉ hưu; việc thay đổi từ quy định người lao động “có thể nghỉ hưu” bằng quy định người lao động “có quyền nghỉ hưu” ở tuổi thấp hơn hoặc cao hơn; công việc, nơi làm việc cấm sử dụng người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi…
Đại biểu các tỉnh Long An, Quảng Ngãi và Hải Dương thảo luận tại tổ ngày 29/5 - Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Đi vào các vấn đề quan tâm, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ, nhưng đề nghị làm rõ 2 vấn đề là việc lạm dụng giờ làm việc ở khu vực lao động phổ thông đối với quy định này và việc tăng thời gian làm việc có đi ngược lại với xu thế tự động hoá, công nghiệp hóa hay không khi mà chúng ta áp dụng trí tuệ nhân tạo vào quá trình này?
Nhiều đại biểu đồng tình nâng tuổi nghỉ hưu
Cùng thảo luận về làm thêm giờ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cân nhắc hai khía cạnh bảo đảm lợi ích của chủ sử dụng và người lao động, xây dựng quan hệ hài hòa, tiến bộ, ổn định và hiện đại. Quan hệ lao động phải có thoả thuận của hai bên. Theo đó, lao động không đồng ý thì chủ không được ép. Việc làm thêm giờ phải có giới hạn, lương tương ứng như thế nào thì cần phải làm rõ.
Về tăng độ tuổi nghỉ hưu, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải có lộ trình nằm trong xu thế chung của thế giới, nhu cầu bảo đảm an toàn của quỹ bảo hiểm xã hội. Hiện không phải tất cả mọi đối tượng trong các lĩnh vực đều có bình quân như nhau. Một số đạo luật như Luật Công an nhân dân, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân, Luật Cán bộ, công chức, Luật Tòa án nhân dân… quy định tuổi nghỉ hưu cũng khác nhau. Thẩm phán tối cao, kiểm sát viên tối cao hiện tuổi nghỉ hưu là 65, đại tá quân đội nghỉ hưu tuổi 58...
“Đề nghị từ nay đến kỳ họp sau cần giải trình, thuyết minh, có luận cứ về những vấn đề sửa đổi, bổ sung để cung cấp cho đại biểu xem xét, thông qua”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hoàng Văn Trà cho rằng, tăng độ tuổi nghỉ hưu là xu thể tất yếu, chứ không thể khác được. Vì tuổi thọ bình quân, kể cả tuổi thọ sức khỏe cũng cao lên, mà các nước khác cũng đều tăng. Tham khảo thực tế nhiều nước tăng độ tuổi nghỉ hưu nam-nữ bằng nhau. Đại biểu Hoàng Văn Trà cũng nhìn nhận thực tế, trong cơ quan nhà nước có người chỉ “đi đi, về về” không làm thêm được gì, muốn nghỉ lắm nhưng chế độ chính sách không thực hiện được vì chưa đủ tuổi.
Đại biểu Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh bày tỏ đồng tình nâng độ tuổi nghỉ hưu, cho rằng đến nay mới xem xét là hơi muộn. Không phải nước giàu mới kéo dài mà đây là chiến lược của quốc gia.
.