Sáng 29/5, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đã đọc Tờ trình của Chính phủ về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều quy định mới về tăng tuổi nghỉ hưu, làm thêm giờ… để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.
Ảnh: VGP.Nhật Bắc |
Hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu
Một trong những quy định được dư luận quan tâm là tăng tuổi nghỉ hưu, dự thảo Luật đề xuất 2 phương án. Phương án 1: "Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi".
Phương án 2: "Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi".
Tờ trình của Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Về quy định mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, Dự thảo Bộ luật quy định mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt: Tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm).
Việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của một bộ phận người lao động. Mức giờ tăng thêm là tương đối phù hợp xét trên tổng hòa các yếu tố về điều kiện kinh tế-xã hội; tính cạnh tranh của thị trường lao động và thu hút đầu tư; nhu cầu doanh nghiệp; nhu cầu, sức khỏe và yêu cầu bảo vệ tiền lương của người lao động. Mức tăng giờ làm thêm này cũng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định và vào các thời điểm nhất định (thời điểm hoàn thành đơn hàng theo mùa, vụ).
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc tăng giờ làm thêm cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động và có thể gây ra thiếu việc làm do doanh nghiệp không muốn tuyển lao động mới mà huy động người lao động hiện có làm thêm giờ.
Để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo bảo đảm sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động, dự thảo Bộ luật quy định một số vấn đề như nguyên tắc tự nguyện là chỉ khi người lao động đồng ý thì doanh nghiệp mới được huy động làm thêm giờ; bảo đảm tổng số giờ làm việc trong một ngày không quá 12 giờ kể cả làm bình thường và làm thêm giờ; trả lương cao hơn, ít nhất bằng 150% nếu làm thêm giờ vào ngày thường, 200% nếu làm việc vào ngày nghỉ hằng tuần và 300% nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ, Tết…
Đánh giá toàn diện các tác động
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Bộ luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm chỉ đạo của Đảng, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 được nêu trong Tờ trình. Đồng thời, Ủy ban đề nghị quán triệt sâu sắc đường lối “phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội; tạo môi trường và điều kiện để mọi người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn” được xác định trong Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan, báo cáo thẩm tra cho rằng, nội dung dự thảo Bộ luật cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, sự tương thích với một số điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, đánh giá toàn diện tính thống nhất của dự thảo Bộ luật với hệ thống pháp luật, làm rõ các văn bản pháp luật cần sửa đổi, bổ sung để không phát sinh bất cập khi tổ chức thi hành Bộ luật.
Thẩm tra về quy định tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ, Uỷ ban về các vấn đề xã hội đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn sự phù hợp của việc đề xuất mức tuổi nghỉ hưu 62 với nam, 60 với nữ trên các yếu tố: Tuổi nghỉ hưu so với tuổi thọ trung bình và tuổi thọ mạnh khỏe; mối quan hệ giữa việc tăng tuổi nghỉ hưu và bảo hiểm xã hội; các yếu tố ảnh hưởng khác; đánh giá toàn diện các tác động tích cực và tiêu cực khi ghi nhận “có quyền nghỉ hưu” thay cho việc “có thể nghỉ hưu”; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, sự tương thích với điều ước quốc tế có liên quan; lấy ý kiến rộng rãi, nhất là của đối tượng chịu sự tác động để lựa chọn được phương án tối ưu; có phương án truyền thông chính sách căn cơ, nhất quán; rà soát, thống kê những công việc, ngành nghề có sự khác biệt lớn giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu; bổ sung dự thảo danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm có thểđược nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 5 năm.
Bên cạnh đó, Dự thảo Bộ luật còn đề xuất nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung khác như vấn đề nghỉ Tết Âm lịch, bổ sung ngày nghỉ lễ hằng năm, điều chỉnh thời giờ làm việc trong ngày; điều chỉnh tiêu chí xác định và điều chỉnh tiền lương tối thiểu; tăng cường tính linh hoạt, tự chủ của doanh nghiệp trong việc thương lượng, thỏa thuận về tiền lương, tiền thưởng; quyền của người lao động trong việc chấm dứt hợp đồng lao động; bảo đảm tốt hơn nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử trong lao động; bảo đảm quyền lợi của lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới. Thúc đẩy cơ chế đối thoại, thương lượng giữa các bên trong quan hệ lao động; đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp lao động trên cơ sở tăng cường việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, trọng tài; quy định hợp lý về đình công, bảo đảm đình công là phương thức cuối cùng để giải quyết tranh chấp lao động mà người lao động có thể thực hiện một cách hợp pháp theo quy định của pháp luật khi cần thiết; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về lao động thông qua việc tăng cường khả năng hoạt động của Thanh tra lao động...