Gia đình xã hội
Năng lực hay sự thờ ơ vô cảm của cán bộ?
09:12, 23/04/2019 (GMT+7)
Mới đây, tại cuộc gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp bất động sản TP - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã thẳng thắn chỉ rõ những bất cập, yếu kém của cán bộ TP. HCM trong xử lý công việc của doanh nghiệp. Những bất cập yếu kém ấy rất đáng suy nghĩ về cán bộ hiện nay, đó là năng lực và sự thờ ơ vô cảm của cán bộ.
Năng lực hay sự thờ ơ vô cảm của cán bộ - Ảnh minh họa |
Doanh nghiệp “than thở” kêu khó khăn
Sáng 10/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo TP tổ chức buổi gặp gỡ, đối thoại lắng nghe những vướng mắc kiến nghị tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP.HCM.
Tại hội nghị, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đã nêu ra 12 vướng mắc chủ yếu về pháp lý và thủ tục hành chính, dẫn đến tình trạng ách tắc của nhiều dự án bất động sản trong hai năm qua. Theo ông Lê Hoàng Châu, qua 3 tháng đầu năm các doanh nghiệp bất động sản rất lo ngại trước tình trạng nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, không được xem xét, giải quyết kịp thời. Điều này sẽ làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở sẽ bị sụt giảm mạnh, mà theo quan hệ cung - cầu sẽ kéo theo việc tăng giá bất động sản.
Trước tình hình đó, thay mặt các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP, ông Châu kiến nghị UBND.TP và Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết đối với hơn 30 dự án đang được các cơ quan chức năng rà soát, thanh tra. Đối với việc xử lý khoảng 300 mặt bằng đất công thuộc diện bị thu hồi quyết định hoặc văn bản về sử dụng đất, HoREA kiến nghị TP khẩn trương thực hiện công tác rà soát, phân loại khoảng 300 mặt bằng đất công thành 3 nhóm để thuận tiện trong việc xử lý.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc công ty Quốc Cường Gia Lai cho biết, Quốc Cường Gia Lai đang có 12 dự án bị ách tắc trên địa bàn với tổng quỹ đất 150 ha. Những diện tích này chủ yếu là đất nông nghiệp mà Quốc Cường Gia Lai tự đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân, không phải có nguồn gốc đất công.
Bà Loan tỏ ra bức xúc về một dự án đất ở có diện tích 3.000 m2 tại huyện Nhà Bè, đã chấp nhận chủ trương đầu tư. Tháng 10/2018 dự án đã duyệt xong 1/500, tất cả đầy đủ, “không sai bất cứ dấu phẩy” khu vực không thuộc diện rà soát của chính quyền TP nhưng hiện nay nhiều chuyên viên ở các sở, ban, ngành rất hoang mang, sợ sai, ngại trình, đề xuất lên lãnh đạo. “Họ không trình hồ sơ thì lấy đâu ra trưởng phòng ký, lãnh đạo Sở ký...” bà Loan cho biết.
Khi trình UBND TP.HCM thì chuyên viên UBND TP.HCM trả về vì văn bản Sở Xây dựng ghi “cơ bản hoàn thành”, mà không khẳng định “hoàn thành”, chỉ vì câu chữ.
“Chỉ vì 1 câu chữ mà sở phải yêu cầu doanh nghiệp quay lại từ đầu duyệt 1/2.000 trong lúc chúng tôi đã được duyệt đồ án 1/500”, bà Loan cho hay.
Nhiều đại diện doanh nghiệp mong TP có cơ chế để đẩy nhanh thủ tục pháp lý, giúp các dự án sớm triển khai. Đại diện các doanh nghiệp cho rằng đối với dự án trong tình trạng bị rà soát không bị đình chỉ, điều tra thì cho tiếp tục triển khai, chứ không thì nó bị trì trệ, làm mất cơ hội của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng thị trường bất động sản TP. Đối với dự án liên quan đến khách hàng, TP đa số dân nhập cư, thu nhập thấp, dân số tăng cơ học lớn… nếu không tháo gỡ thì người thu nhập thấp khó mua nhà.
Các doanh nghiệp mong muốn, gửi gắm Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân sớm tháo gỡ, chỉ đạo giải quyết thủ tục hành chính, pháp lý của các dự án bất động sản trên địa bàn TP nhằm nâng cao chất lượng, ổn định chỗ ở cho người dân.
“Không biết giúp doanh nghiệp thế nào, vậy mà làm giám đốc Sở à?”
Sau khi nghe các doanh nghiệp trình bày, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã thẳng thắn góp ý về cách làm việc của các sở, ngành về việc xử lý các vấn đề của doanh nghiệp.
“Tôi nghe doanh nghiệp nói, khi làm việc rất thương giám đốc sở, ngành liên quan vì có những vấn đề giám đốc trả lời muốn giúp doanh nghiệp nhưng không biết phải làm thế nào”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đây là điều không nên, giám đốc sở muốn giúp doanh nghiệp thì phải vận dụng luật pháp quản lý nhà nước, cái nào không giải quyết được thì báo cáo cấp ủy để cùng thảo luận, còn không thì báo lên trên.
“Không thể để tình trạng giám đốc muốn giúp doanh nghiệp nhưng lại trả lời doanh nghiệp rằng không biết giúp như thế nào, thế mà vẫn làm giám đốc à?. Trách nhiệm quản lý trong ngành mình là người đứng đầu thì phải biết cách trả lời vấn đề đó, tìm lối ra giải quyết vấn đề”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Về tình trạng chuyên viên ở sở, ngành không biết giải quyết thế nào nên chưa trình lên giám đốc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ: đó là vi phạm thời hạn giải quyết hồ sơ và trình độ của chính chuyên viên, nếu không biết thì đừng làm nữa.
“Ai cũng có điều không biết, không biết thì bàn, phải thảo luận trong ngành, mời tư pháp, khó nữa thì liên ngành mời ủy ban xuống cùng nghe, khó nữa phức tạp quá thì báo Thành ủy cho chủ trương... chứ không phải không biết thì cứ để đấy cái đã, đó là không được”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ.
Để khắc phục vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đưa ra nhiều góp ý về giải pháp như cơ quan chức năng vẽ lại quy trình về việc triển khai xây dựng dự án bất động sản: Sở nào làm gì, thủ tục gồm những bước nào, cái nào liên sở phải giải quyết...
Việc Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn, gay gắt quyết liệt chỉ ra những yếu kém của cán bộ: “Không thể để tình trạng giám đốc muốn giúp doanh nghiệp nhưng lại trả lời doanh nghiệp rằng không biết giúp như thế nào, thế mà vẫn làm giám đốc à?,… Những vi phạm thời hạn giải quyết hồ sơ và trình độ của chính chuyên viên, nếu không biết thì đừng làm nữa”, đã gợi mở đặt ra nhiều vấn đề trong công tác cán bộ không chỉ TP HCM.
Câu hỏi đặt ra là cán bộ đã vì dân chưa, khi mà các thủ tục hành chính đang là rào cản không chỉ hoạt động của doanh nghiệp mà cả người dân? Tình trạng người dân “sợ” hoặc “ngại” đến tiếp xúc với “đầy tớ” của mình để làm thủ tục hành chính là có thật.
Thực tiễn đặt ra là công tác đánh giá cán bộ thế nào, đã thực chất hay chưa, hay chỉ là sự “ưu ái”, “nâng đỡ không trong sáng”, có “quan hệ”; công tác quy hoạch đào tạo cán bộ như thế nào? bố trí cán bộ đã đúng với năng lực phẩm chất đạo đức chưa ? Hay năng lực yếu kém, sự thờ ơ vô cảm hiện chưa có thuốc chữa...
Hiện nay, chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, vì dân, rất cần đội ngũ cán bộ vừa có đức vừa có tài, có năng lực và phẩm chất đạo đức lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả./.
Nguồn: Nguyễn Minh/Dangcongsan.vn