Gia đình xã hội

Không dừng lại ở một Giờ Trái Đất!

09:00, 29/03/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Cứ thường niên, vào ngày thứ 7 cuối cùng của tháng 3 hàng năm, chiến dịch Giờ Trái đất lại được tổ chức rầm rộ ở nhiều địa phương trên toàn quốc. Thế nhưng, liệu rằng, sau khi phát động, hoàn thành mục tiêu Giờ Trái đất, sự lãng phí về điện năng có được giảm thiểu trong người dân?

Được khởi xướng từ năm 2007 tại Sydney (Australia), đến nay Giờ Trái đất là sự kiện duy nhất, lớn nhất và có nhiều người tham gia nhất trên trái đất. Giờ Trái đất năm 2019 nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm và bảo vệ môi trường trong toàn xã hội, góp phần thúc đẩy việc thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chỉ thị số 34/CT-TTG ngày 7/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện tiết kiệm điện. Chiến dịch kêu gọi mục tiêu cụ thể: Bằng những hành động nhỏ như tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, tiết kiệm nước, trồng thêm một hàng cây xanh sẽ mang đến ý nghĩa lớn cho cộng đồng, tạo thành thói quen tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường trong suốt cả năm.

Thông điệp Giờ Trái đất được chuyển tải mạnh mẽ tại nhiều địa phương trong thời gian qua
Thông điệp Giờ Trái đất được chuyển tải mạnh mẽ tại nhiều địa phương trong thời gian qua

Mục đích của Giờ Trái đất nhằm đề cao việc tiết kiệm điện năng, vì vậy làm giảm lượng khí thải dioxit cacbon, một khí gây ra hiệu ứng nhà kính, đồng thời thu hút sự chú ý của mọi người về ý thức bảo vệ môi trường. Chiến dịch Giờ Trái đất cũng nhằm khẳng định quan điểm cho rằng mỗi một hành động cá nhân khi được nhân lên trên diện rộng có thể giúp làm thay đổi môi trường sống của chúng ta theo hướng ngày càng tốt hơn.

Năm 2019, là năm thứ 11 Việt Nam chính thức tham gia sự kiện lịch sử này kể từ tháng 3/2009. Theo đó, từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút ngày 30/3/2019, hàng triệu người sống ở các thành phố khác nhau trên khắp hành tinh sẽ cùng tắt đèn và thiết bị điện không cần thiết trong vòng 1 giờ. Hành động này được thực hiện nhằm chứng tỏ rằng các công dân toàn cầu có thể cùng nhau hành động để giảm nhẹ tác động của sự nóng lên toàn cầu. Mọi người có nhiều cách để tham gia ủng hộ sự kiện Giờ Trái đất, đơn giản từ việc tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong nhà mình trong đêm diễn ra sự kiện cho đến việc thay đổi thói quen hằng ngày nhằm giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính lên bầu khí quyển, đóng góp giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.

Cần phải nói thêm rằng, logo của chương trình được xây dựng từ nền bản đồ địa cầu, cắt bởi số 60 là số phút kêu gọi tắt điện. Hiện nay logo của “Giờ Trái đất” được thêm dấu "+" sau số 60 với ý nghĩa Giờ Trái đất không chỉ dừng lại ở 60 phút mà còn hơn thế nữa.

Một câu hỏi đặt ra là, tắt đèn là một hành động, một biểu tượng đơn thuần, trong khi có thực tế khác không thể phủ nhận là bóng đèn - sản phẩm duy nhất được các hộ gia đình tắt trong Giờ trái đất - là vật dụng tiêu thụ ít điện năng nhất. Bóng đèn tắt đi nhưng “thủ phạm” thực sự ngốn điện năng như tủ lạnh, điều hòa, máy giặt... vẫn hoạt động đều đặn và tạo nên cảm giác cho người tham gia Giờ Trái đất là mình đã và đang góp phần bảo vệ môi trường, để rồi không ít người lại vô tư lãng phí điện khi thời khắc thường niên này trôi qua. Bên cạnh đó, việc thực hiện Giờ Trái đất như là một lời nhắc nhở mọi người về việc tiết kiệm điện năng. Thế nhưng, sau khi ra quân rầm rộ, thực hiện tắt điện theo chiến dịch, việc sử dụng lãng phí điện vẫn tái diễn, thì ý nghĩa của chiến dịch có còn hiệu quả, thiết thực?

Việc tắt bớt các thiết bị chiếu sáng trong sự kiện Giờ Trái đất không chỉ nhắc nhở chúng ta về vấn đề tiết kiệm năng lượng mà còn hướng đến một mục tiêu quan trọng nữa, đó là việc chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Mỗi hành động nhỏ sẽ mang đến hiệu quả to lớn, mỗi người góp một hành động sẽ đem đến một hành tinh xanh.

Theo số liệu của Công ty Điện lực Nghệ An, trong Giờ Trái đất năm 2018, Nghệ An đã tiết kiệm được 40.000KW (tương đương với khoảng 67 triệu đồng). Năm nay, Nghệ An triển khai nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2019. Tuy nhiên, song hành với việc triển khai rầm rộ, ý nghĩa thực sự của nó không nằm ở 60 phút tắt điện, không nằm ở số tiền tiết kiệm. Ý nghĩa thực sự chính là những thông điệp đánh thức tinh thần trách nhiệm của mỗi công dân đối với hành tinh này. Những thay đổi lớn, tốt đẹp hơn đôi khi chỉ bắt đầu từ một hành động nhỏ như tắt bớt một bóng đèn. Hơn ai hết, chúng ta cảm nhận tác hại do ô nhiễm của môi trường tác động đến đời sống hiện tại, đến thế hệ con cháu mai sau. Đã đến lúc mỗi chúng ta phải hành động không chỉ trong một giờ diễn ra sự kiện, mà từng giờ trong 365 ngày: Hãy tắt các thiết bị điện không cần thiết. Tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng là tiết kiệm ngân quỹ gia đình, tài nguyên quốc gia và góp phần bảo vệ môi trường.

Mai Hậu

Các tin khác