Gia đình xã hội
Hướng đến mục tiêu bình đẳng giới
(Congannghean.vn)-Ở bất cứ giai đoạn nào của lịch sử, cả nước nói chung cũng như Nghệ An nói riêng, không lĩnh vực nào thiếu vắng sự cống hiến của nữ giới. Tuy nhiên, trên thực tế, dường như “giá trị xã hội” của họ luôn thấp hơn so với “cánh mày râu”. Vì lẽ đó, trao quyền cho phụ nữ để thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG) không chỉ cần đến những chủ trương, chính sách lớn mà còn cần nhiều hơn nữa tiếng nói, ánh nhìn cởi mở của cả cộng đồng.
Phụ nữ trên địa bàn tỉnh nói chung, phụ nữ Công an Nghệ An nói riêng ngày càng khẳng định vị thế bản thân trên lĩnh vực chính trị (Trong ảnh: Thượng tá Phan Thị Thu Thủy, Phó Trưởng Công an TX Cửa Lò (giữa) trao thưởng cho các đội tham gia Hội thi ẩm thực phụ nữ Công an “giỏi việc nước, đảm việc nhà” do đơn vị tổ chức) |
Rút ngắn khoảng cách về giới là một trong những mục tiêu quan trọng từ khi Luật BĐG ra đời, tập trung chính trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, việc làm, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa thông tin, gia đình.
Tại Nghệ An, qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật BĐG và gần 8 năm thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về BĐG giai đoạn 2011 - 2020, chuyển biến tích cực nhất phải kể đến nhận thức tiến bộ về giới và BĐG của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng.
Bên cạnh đó, nhờ thực hiện lồng ghép có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu về BĐG vào kế hoạch phát triển của tỉnh, KT-XH trên địa bàn đã có những bước tăng trưởng đáng ghi nhận. Bộ máy tổ chức làm công tác BĐG và Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ được hình thành từ cấp tỉnh đến cơ sở xã, phường hoạt động hiệu quả, đã góp phần đưa 16 chỉ tiêu thuộc các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về BĐG tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015, 2016 - 2020 đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nổi bật như: Tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng, tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội, tỉ lệ các sở, ban, ngành và UBND các cấp có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ, tỉ lệ nữ được tạo việc làm mới, tỉ lệ nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật; đảm bảo BĐG trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đảm bảo BĐG trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới...
Trong số những thành quả nói trên, việc trao quyền cho phụ nữ trên lĩnh vực chính trị là 1 điểm nhấn, với sự gia tăng về số lượng cũng như chất lượng, cả về trình độ và năng lực quản lý của phụ nữ. Không chỉ ở vùng xuôi, dấu ấn nam - nữ “bình quyền” về chính trị còn lan tỏa lên miền ngược, với nhiều trường hợp cán bộ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, chị Hờ Y Nhìa (SN 1985) - dân tộc Mông là 1 điển hình. Trưởng thành từ cơ sở, việc chị từ vị trí Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, đồng thời là Ủy viên BCH Đảng bộ huyện Kỳ Sơn không chỉ minh chứng cho những đột phá trong công tác cán bộ mà còn là bước chuyển trong nhận thức của cộng đồng ở xã Nậm Cắn về vai trò, vị thế của phụ nữ vùng cao trong thời kỳ mới.
Điều đáng ghi nhận và khích lệ hơn cả là sự “bứt phá” trong nếp nghĩ của các chị em, bởi truyền thống của phụ nữ các dân tộc thiểu số xưa nay chỉ quẩn quanh từ chái bếp lên nương rẫy. Không chỉ với xã Nậm Cắn, toàn huyện Kỳ Sơn nói chung hay nhiều địa phương vùng cao khác, công tác tạo nguồn cán bộ nữ luôn được các cấp chính quyền chăm lo thực hiện. Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ, trong đó có nữ người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu công việc, song song với việc chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ nữ giữ các vị trí chủ chốt trong hệ thống chính trị cơ sở, các địa phương cũng mạnh dạn thực hiện việc luân chuyển, kiện toàn các vị trí trong đội ngũ cán bộ công chức nữ trên cơ sở đánh giá khả năng tiếp cận công việc, năng lực chuyên môn, bằng cấp, sở trường, năng khiếu của từng cán bộ và yêu cầu công việc đặt ra…
Thúc đẩy BĐG nói chung, BĐG trên lĩnh vực chính trị nói riêng là mục tiêu xuyên suốt trong mọi chặng đường phát triển KT-XH của đất nước. Riêng với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhằm thực hiện mục tiêu này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 4999, hướng dẫn thực hiện Tiêu chí 18.6 về đảm bảo BĐG và phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội.
Theo đó, để đảm bảo nội dung BĐG, mỗi xã được công nhận NTM phải có ít nhất 1 nữ lãnh đạo chủ chốt ở cấp xã với các chức danh như: Bí thư, phó bí thư Đảng ủy xã, chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND xã. Trên thực tế, việc thực hiện tiêu chí quy định BĐG trong cán bộ, công chức còn nhiều khó khăn. Vậy nên, dù đã được công nhận NTM, thời gian qua, nhiều địa phương trên toàn tỉnh vẫn còn “nợ” tiêu chí này.
Đáng lo ngại hơn, tình trạng “trắng” cán bộ nữ giữ vị trí chủ chốt cũng là “bài toán” nan giải. 1 trong những nguyên nhân khách quan là trong quá trình thực hiện đã nảy sinh bất cập bởi quy định về tiêu chí 18.6 trong bộ tiêu chí NTM chỉ mới ban hành cuối năm 2016. Trong khi đó, việc sắp xếp, bố trí bộ máy cán bộ cơ bản đã hoàn thành từ sau Đại hội Đảng các cấp…
Không có quá nhiều rào cản như trên “mặt trận” chính trị, dấu ấn của phụ nữ trên lĩnh vực kinh tế ngày càng nổi trội. Trong đó, điểm nhấn nổi bật nhất phải kể đến nhiều hoạt động tiếp sức cho phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; qua đó, khơi dậy tiềm năng cũng như động lực để chị em khẳng định vai trò làm chủ trên “thương trường”. 1 trong những minh chứng điển hình là vừa qua, ý tưởng về Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ Hoa Ban xanh Tà Cạ - Kỳ Sơn của chị em phụ nữ huyện Kỳ Sơn đã lọt vào top 20 đề án khởi nghiệp xuất sắc của toàn quốc và được Ban tổ chức hỗ trợ 50 triệu đồng nhờ những nét mới về cách tổ chức, quản lý, mở rộng thị trường, áp dụng khoa học - công nghệ trong chuỗi giá trị, tạo nên nhiều điểm vượt trội cho quá trình sản xuất và cung ứng dịch vụ các sản phẩm thổ cẩm truyền thống của địa phương.
Thực tế cho thấy, mặc dù chúng ta đã đạt được những thành công đáng kể về chỉ số sức khỏe, giáo dục, thu nhập và cơ hội nghề nghiệp cũng như hành trình đến với các vị trí lãnh đạo, quản lý của phụ nữ, song khoảng cách về BĐG vẫn chưa thể xóa nhòa. Với phương châm “Thực hiện BĐG là phải nâng cao vị thế phụ nữ”, thời gian qua, nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm khơi gợi ý thức của cộng đồng liên quan đến BĐG đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo người dân. Có thể kể đến như: Triển lãm trưng bày chuyên đề các hình ảnh, hiện vật nhằm tôn vinh vai trò của phụ nữ Nghệ An từ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái với chủ đề “Trao bình đẳng - nhận yêu thương”…
Thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, việc phát huy quyền con người, trong đó có phụ nữ - nhóm đối tượng dễ bị tổn thương không chỉ cần đến những chủ trương, chính sách lớn mà còn cả sự tham gia của cả cộng đồng, đặc biệt là xóa bỏ tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, xâm hại, bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Đó cũng là “chìa khóa” mở cánh cửa giúp phụ nữ rộng bước trên các lĩnh vực, góp sức dựng xây gia đình và xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ.
Văn Đạo