Gia đình xã hội
Quy định việc xét chuyển chức danh nghề nghiệp
14:21, 11/01/2019 (GMT+7)
Ông Lại Thái Mạnh hiện đang giữ chức danh giáo viên THCS hạng III. Năm 2016, ông thuộc diện quy hoạch, được cử đi học nâng cao trình độ. Nay ông Mạnh đã tốt nghiệp, có bằng thạc sĩ và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dành cho giảng viên giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng; có chứng chỉ tiếng Anh B2.
Ông Mạnh hỏi, trường hợp ông muốn chuyển sang Giảng viên hạng III thì cần làm thủ tục như thế nào?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Lại Thái Mạnh như sau:
Điều 2, Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ quy định chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập bao gồm: Giảng viên cao cấp (hạng I) mã số: V.07.01.01; Giảng viên chính (hạng II) mã số: V.07.01.02 và Giảng viên (hạng III) mã số: V.07.01.03. Mỗi hạng giảng viên sẽ có những yêu cầu, điều kiện và tiêu chuẩn phù hợp.
Tiêu chuẩn chức danh Giảng viên hạng III được quy định tại Điều 6 Thông tư 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV như sau: Phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với vị trí việc làm, chuyên ngành giảng dạy; Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên; Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2), đối với giảng viên dạy ngoại ngữ thì trình độ ngoại ngữ thứ hai phải đạt bậc 2 (A2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/1/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.
Về năng lực chuyên môn nghiệp vụ, Giảng viên hạng III phải vững kiến thức cơ bản của môn học được phân công giảng dạy và có kiến thức tổng quát về một số môn học có liên quan trong chuyên ngành đào tạo được giao đảm nhiệm; Nắm vững mục tiêu, kế hoạch, nội dung, chương trình các môn học được phân công thuộc chuyên ngành đào tạo. Xác định được thực tiễn và xu thế phát triển đào tạo, nghiên cứu của chuyên ngành ở trong và ngoài nước; Biên soạn giáo án, tập hợp các tài liệu tham khảo liên quan của bộ môn, chủ trì hoặc tham gia biên soạn giáo trình, sách hướng dẫn bài tập, thực hành, thí nghiệm; Có khả năng tham gia nghiên cứu khoa học và tổ chức cho sinh viên nghiên cứu khoa học; ứng dụng, triển khai những kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ vào công tác giáo dục và đào tạo, sản xuất và đời sống; Có phương pháp dạy học hiệu quả, phù hợp với nội dung môn học; giảng dạy đạt yêu cầu trở lên.
Việc xét chuyển chức danh nghề nghiệp
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 12/2012/TT-BNV ngày 18/12/2012 của Bộ Nội vụ quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức (tình trạng còn hiệu lực), việc xét chuyển từ chức danh nghề nghiệp này sang chức danh nghề nghiệp khác cùng hạng đối với viên chức phải bảo đảm các điều kiện sau:
Viên chức được bố trí sang vị trí việc làm mới có yêu cầu chức danh nghề nghiệp chuyên ngành khác cùng hạng với chức danh nghề nghiệp đang đảm nhiệm;
Viên chức đáp ứng đúng tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp mới.
Việc xét chuyển sang chức danh nghề nghiệp khác cùng hạng đối với viên chức được tiến hành như sau:
Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức xem xét các văn bằng, chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng của viên chức; kiểm tra, sát hạch về hiểu biết, về chuyên môn, nghiệp vụ và các yêu cầu khác theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm mới bằng hình thức phỏng vấn hoặc thực hành.
Nếu viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm mới thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ra quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp mới.
Khi xét chuyển sang chức danh nghề nghiệp khác cùng hạng không kết hợp nâng bậc lương đối với viên chức.
Theo thông tin ông Lại Thái Mạnh cung cấp, ông là Giáo viên trung học cơ sở hạng III đang giảng dạy tại Trường trung học cơ sở. Năm 2016, ông thuộc diện quy hoạch, được cử đi học nâng cao trình độ. Nay ông Mạnh đã tốt nghiệp, có bằng thạc sĩ và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dành cho giảng viên giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng; có chứng chỉ tiếng Anh B2, đáp ứng đúng tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp Giảng viên hạng III. Ông Mạnh muốn thực hiện thủ tục xét chuyển từ chức danh giáo viên trung học cơ sở hạng III sang chức danh giảng viên hạng III.
Để được xét chuyển từ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III sang chức danh nghề nghiệp giảng viên hạng III, ông Mạnh cần đề nghị cơ quan quản lý viên chức điều động, thuyên chuyển từ vị trí làm việc tại trường phổ thông cơ sở sang vị trí việc làm mới tại trường đại học, cao đẳng, là nơi có yêu cầu viên chức đáp ứng đúng tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp giảng viên hạng III. Việc xét chuyển sang chức danh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 6 Thông tư số 12/2012/TT-BNV.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
Nguồn: Chinhphu.vn