Gia đình xã hội
Người già, trẻ nhỏ cẩn trọng khi thời tiết giá rét
15:45, 03/01/2019 (GMT+7)
Những ngày qua, các tỉnh miền Bắc, trong đó có Hà Nội đang trải qua những đợt rét đậm, rét hại. Nhiệt độ ngoài trời có lúc giảm xuống dưới 10 độ C, kèm theo mưa phùn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người già và trẻ em.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mỗi ngày bệnh viện (BV) tiếp nhận gần 2.000 trẻ tới khám, chữa bệnh. Trong đó, số bệnh nhân nhập viện do các bệnh về đường hô hấp gia tăng, chủ yếu là các bệnh viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa.
“Trẻ em là đối tượng nhạy cảm dễ bị bệnh nhất khi xảy ra rét đậm hoặc giá rét kéo dài do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể hạn chế và dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh. Biểu hiện thường gặp của trẻ khi đến khám là có thể buổi tối vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, chơi đùa tốt nhưng đến đêm, khi ngủ bắt đầu sốt, khó thở, thở nhanh, gấp, đến sáng hôm sau tiếp tục sốt cao hơn, chảy nước mũi nhiều, bỏ ăn, thở khò khè”- PGS.TS Trần Minh Điển chia sẻ.
Còn tại Khoa Nhi của BV Bạch Mai, mỗi ngày cũng tiếp nhận khoảng 200 đến 250 bệnh nhi đến khám. Trong đó, bệnh nhi mắc các bệnh lý hô hấp chiếm khoảng 30 đến 50%.
Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, trẻ nhập viện trong thời điểm này chủ yếu vì các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm họng, viêm xoang, viêm amidan, viêm phổi.
Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: TL |
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng bệnh cho trẻ trong những ngày giá rét, cha mẹ phải luôn giữ ấm cho trẻ, nhất là lúc ra ngoài. Nên để trẻ vui chơi nơi kín gió, không nên cho trẻ ra ngoài chơi ở nơi có nhiệt độ thấp hay có gió, mưa; cho trẻ ăn uống đủ chất, hạn chế tiếp xúc với những người có nguy cơ lây nhiễm cảm cúm…
Với trẻ nhỏ, quy tắc 4 ấm cần được đảm bảo đầu tiên: tay ấm, lưng ấm, bụng ấm, chân ấm. Khi trẻ mặc quần áo xong, nếu bàn tay ấm không đổ mồ hôi là mặc đồ vừa đủ ấm. Cũng không nên mặc quá 4 lớp áo cho trẻ. Việc mặc quần áo quá nhiều sẽ khiến cơ thể trẻ ra mồ hôi, dẫn đến việc cảm lạnh và viêm phổi do mồ hôi thấm ngược vào bên trong.
Không chỉ trẻ nhỏ, người trung niên, người cao tuổi phải nhập viện cũng tăng lên. Tại BV Bạch Mai, theo thống kê, số bệnh nhân đột quỵ nhập viện tăng từ 10 đến 20% so với những ngày trước đợt rét. Trong đó, nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng, nguy hiểm tới tính mạng.
Cảnh báo tình trạng đột quỵ do thời tiết lạnh giá, GS.TS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đội quỵ Việt Nam cho biết, thời tiết thay đổi, lạnh đột ngột khiến cho các mạch máu co lại, lượng máu lên não giảm làm gia tăng đột quỵ. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, bệnh nhân đột quỵ có thể tử vong hoặc để lại di chứng hết sức nặng nề.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ như cholesterol cao, tăng huyết áp, stress, đái tháo đường, những tác nhân của cuộc sống hiện đại đã góp phần làm gia tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ.
GS.TS Nguyễn Văn Thông khuyến cáo, đối với những bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao, béo phì, tiểu đường cần tuân thủ điều trị nghiêm túc, phòng cơn tăng huyết áp kịch phát, gây vỡ mạch máu, đột quỵ. Ngoài ra, người cao tuổi phải mặc đủ ấm, ngủ ấm, tránh gió lùa để phòng bệnh hô hấp trong mùa lạnh. Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột thì hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm.
Khi phát hiện người nhà bị đột quỵ, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị. “Tuyệt đối không để bệnh nhân ở nhà và tự ý dùng thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc sử dụng phương pháp dân gian truyền miệng chưa được kiểm nghiệm, làm lỡ thời gian vàng trong điều trị”, GS.TS Nguyễn Văn Thông lưu ý.
Với người cao tuổi cần đảm bảo ăn uống đúng giờ, đúng bữa, giữ nếp sinh hoạt bình thường, duy trì chế độ tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ thường xuyên để điều hòa khí huyết.
Cả lúc thức và lúc ngủ, người cao tuổi cần giữ ấm đầu, giữ ấm cổ, giữ ấm bàn chân. Khi sử dụng thiết bị sưởi cũng hết sức chú ý duy trì nền hoạt động trong phòng không quá 30 độ C. Ra, vào phòng cần mặc đủ ấm để tránh sốc nhiệt. Hạn chế tối đa việc ra ngoài khi thời tiết xuống dưới 10 độ C.
Liên quan đến việc đảm bảo sức khỏe cho người bệnh trong thời tiết giá lạnh, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều biện pháp phòng, chống rét cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, trong những ngày Hà Nội rét đậm rét hại kèm theo mưa nhỏ 8-9 độ C, 100% buồng bệnh nơi đây đã được Viện trang bị đầy đủ điều hòa nhiệt độ hai chiều (nóng và lạnh), nước nóng và chăn ấm.
Quạt sưởi, điều hòa 2 chiều được trang bị tại các phòng bệnh của Bệnh viện Da liễu Trung ương. Ảnh: TL |
Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương - nơi tập trung đông các bệnh nhân cao tuổi được Giám đốc bệnh viện TS.BS Nguyễn Trung Anh đặc biệt quan tâm chỉ đạo trang bị hệ thống điều hòa hai chiều, nhiệt độ ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Đặc biệt trong những ngày rét đậm này, bệnh viện tăng cường các thiết bị sưởi ấm (như quạt sưởi, chăn ấm...) cho bệnh nhân, buồng bệnh. Bên cạnh đó, Khoa Dinh dưỡng của bệnh viện cũng phối hợp chặt chẽ với các bác sĩ điều trị để tăng cường dinh dưỡng cho bệnh nhân, cung cấp suất ăn đến tận giường bệnh cho bệnh nhân nặng, hỗ trợ việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất. Các bác sĩ khi khám và điều trị cũng lưu ý đến bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân cao tuổi và những trường hợp tăng huyết áp cách phòng chống rét, nguy cơ đột quỵ do trời lạnh cũng như kiểm soát tốt huyết áp.
Để ứng phó với thời tiết rét đậm, rét hại trong những ngày qua, Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng đã tăng cường điều hòa, quạt sưởi, chăn ấm cho các phòng bệnh.
Trước đó, ngay từ đầu mùa đông, bệnh viện đã sẵn sàng các phương tiện đảm bảo đủ ấm cho bệnh nhân, buồng bệnh kín đáo tránh gió lùa. Các khoa, phòng của bệnh viện này đều rà soát, cấp đủ chăn ấm và duy trì các thiết bị giữ ấm cho bệnh nhân nội trú.
Thời tiết đang diễn biến bất thường, các đợt rét đậm, rét hại kéo dài liên tục gây ảnh hưởng tới sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là người già và trẻ em… Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chủ động các biện pháp giữ ấm thích hợp, ăn uống đủ chất, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra do nhiễm lạnh.
Nguồn: Đỗ Thoa/Dangcongsan.vn