Gia đình xã hội

Cấm biếu, tặng quà Tết cấp trên: Làm thế nào để không còn là khẩu hiệu?

09:33, 26/01/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN
Theo ông Lê Quý Đức, làm thế nào để xóa bỏ cơ chế xin- cho, mối quan hệ 5 "ệ"... thì khi đó Chỉ thị cấm biếu, tặng quà Tết cấp trên mới hiệu quả.

Là một vấn đề không mới, nhưng cứ vào thời điểm Tết Nguyên đán cận kề thì câu chuyện biếu, tặng quà Tết lãnh đạo, cấp trên vẫn làm “nóng” dư luận. Bởi thay vì những món quà mộc mạc, thể hiện tình cảm quan tâm, chúc nhau đủ đầy, may mắn trong năm mới thì giờ đây nó bị biến thành công cụ, thành bình phong để bôi trơn, tạo quan hệ, để được quan tâm, thăng tiến, thậm chí trở thành tham nhũng, hối lộ trá hình.

Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Lê Quý Đức – nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) về vấn đề này.

cam bieu, tang qua tet cap tren: lam the nao de khong con la khau hieu? hinh 1
PGS.TS Lê Quý Đức. (Ảnh: Lao Động)

PV: Thưa ông, việc biếu, tặng quà Tết là truyền thống văn hóa, là nét đẹp của người Việt, nhưng vì sao việc "tặng quà" lại bị cấm trong thời gian hiện nay?

Ông Lê Quý Đức: Việc biếu quà (trong Tết) là nét đẹp văn hóa, biểu hiện lòng biết ơn của cấp dưới, của con cháu với bề trên, bố mẹ, ông bà... Lòng biết ơn chính là ứng xử văn hóa của con người. Và con người biết ơn người khác là một thái độ văn hóa, là nét đẹp mà con người cần phải có.

Nếu món quà không mang nặng giá trị vật chất thì đó là một món quà đẹp, thể hiện lòng biết ơn. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, có thể món quà khi đó giản dị. Còn khi xã hội đã phát triển hơn, đời sống cao hơn, có những món quà quý thì cũng không có gì đáng chê trách cả. Câu chuyện ở đây là mục đích của việc tặng quà như thế nào.

Việc tặng quà Tết biến tướng thì cũng chỉ có một bộ phận, còn trong đời sống nhân dân không hoàn toàn như vậy. Họ vẫn giữ được truyền thống biết ơn thì biếu quà bề trên trong quan hệ huyết thống hay quan hệ bạn bè. Điều đó là rất tốt. Còn món quà thuộc về mối quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ cấp trên – cấp dưới vượt ra khỏi khuôn khổ là món quà giản dị thì mới là tiêu cực.

Trong hệ thống hành chính, các tổ chức chính trị- xã hội có thể có bộ phận biến quà Tết trở thành một hình thức của việc đút lót. Và người nhận quà cũng có cớ để tham nhũng.

PV: Ông có cho rằng niềm tin của người dân đã bị ảnh hưởng bởi chính những câu chuyện như vậy?

Ông Lê Quý Đức: Tham nhũng là câu chuyện nổi cộm trong xã hội hiện nay. Việc “biếu quà” là một cách thức để người ta đút lót khiến người dân bức xúc.

Chỉ có điều đó là chúng ta phát hiện những vụ án tham nhũng rất lớn nhưng chưa điều tra xem món quà đến với người tham nhũng, người nhận quà lúc nào. Giả sử có điều tra của cơ quan pháp luật, ví dụ xem số lượng tiền biếu cho một ông sếp nào đó đến vào lúc nào thì sẽ có cách xử lý vấn đề tốt hơn.

PV: Cũng có một số ý kiến cho rằng, hiện nay vào dịp Tết nếu cấp dưới chưa chuẩn bị món quà đúng ý để biếu, tặng sếp thì vẫn cảm thấy chưa yên tâm và có cái gì đó lo lắng? Ông lý giải thế nào về tâm lý này?

Ông Lê Quý Đức: Điều đó đã trở thành một nét tâm lý xã hội của cấp dưới. Bởi vì cấp dưới biếu quà thì sẽ được cấp trên chú ý. Và ai trong cuộc sống này cũng muốn được sếp quan tâm đến, được cất nhắc, đề bạt, tăng lương, đi nước ngoài... rõ ràng anh có biếu thì anh mới được. Nếu anh chưa làm được điều đó thì thấy áy náy, ăn không ngon, ngủ không yên, Tết chưa chắc đã vui.

PV: Thực tế, để xác định món quà mang nặng tình cảm hay những mục đích khác cũng rất khó, thưa ông?

Ông Lê Quý Đức: Đúng như vậy. Và cũng chưa có quy định quà nào, giá trị bao nhiêu là quà đút lót và giá trị bao nhiêu là quà biếu, là đạo lý bình thường của con người.

PV: Ông có cho rằng, cơ chế xin – cho, tư duy nhiệm kỳ đã tác động đến vấn đề này?

Ông Lê Quý Đức: Ý kiến này đúng nhưng chưa đủ. Việc đút lót quà chỉ là một vấn đề nhỏ trong ứng xử văn hóa dịp Tết nhưng nó liên quan đến các vấn đề của xã hội, đến cơ chế tổ chức cán bộ, kể cả thể chế kinh tế. Cho nên giải quyết tận gốc thì phải giải quyết nhiều vấn đề cơ bản, triệt để.

PV: Năm nào cũng vậy, Ban Bí thư, các địa phương đều có những chỉ thị nghiêm cấm việc tặng quà Tết lãnh đạo dưới mọi hình thức. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã lên tiếng nhắc nhở vấn đề này. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc chúng ta có nhiều Chỉ thị trong các năm qua như vậy?

Ông Lê Quý Đức: Tôi rất tán thành với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ đối với cơ quan các cấp, các địa phương, năm nay cũng có vẻ rốt ráo hơn, quyết liệt hơn. Đó là việc cần thiết.

Nhiều năm nay, chúng ta đều đưa ra Chỉ thị như vậy nhưng việc thực hiện như thế nào, kiểm tra, đôn đốc như thế nào mới là quan trọng.

Để những Chỉ thị có hiệu quả thì phải giải quyết một cách triệt để, rốt ráo những vấn đề như: làm thế nào để xóa bỏ cơ chế xin- cho, những cơ chế cản trở chúng ta, hay như mối quan hệ 5 "ệ" (tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ, trí tuệ). Khi nào những yếu tố đó chi phối đời sống thì khi đó chúng ta chưa thể làm được. Cho nên làm sao cho công tác cán bộ, vấn đề kinh tế minh bạch, rõ ràng và kiểm soát được thu nhập của cán bộ.

Thứ hai là phải nâng cao lòng tự trọng, sự liêm sỉ của người lãnh đạo, của người đi đút lót. Khi ý thức đó được nâng lên thì mới giải quyết được vấn đề.

Trong đó, vai trò nêu gương của người đứng đầu đóng vai trò quan trọng. Lãnh đạo nêu gương trên 2 phương diện vừa là cấp trên- người nhận quà, vừa là cấp dưới của một lãnh đạo khác.

PV: Mới đây, đề án Văn hóa công vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó yêu cầu cán bộ công chức không được nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng. Ông có cho rằng việc này cũng tác động đến câu chuyện đang bàn?

Ông Lê Quý Đức: Việc Thủ tướng phê duyệt đề án Văn hóa công vụ là cần thiết. Có nhiều quy định, quy chế đã đặt ra nhưng vấn đề làm thế nào để kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc được. Chúng ta không bác bỏ những quy định đó và mong muốn quy định được thực thi có hiệu quả mới là điều quan trọng.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Nguồn: vov.vn

Các tin khác