Gia đình xã hội
Bảo đảm quyền của trẻ em Việt Nam ngày càng tốt hơn
13:52, 12/12/2018 (GMT+7)
Mặc dù Dự án “Thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam” mới được triển khai trong thời gian 5 tháng nhưng tỷ lệ giải ngân đạt 80% (trong đó có 4/6 mục tiêu đạt 100%).
Dự án “Thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam” là hợp tác giữa Bộ LĐTB&XH với Quỹ Nhi đồng của Liên Hợp Quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 320/QĐ-TTg năm 2018. Dự án được thực hiện từ năm 2018-2021 với tổng ngân sách hơn 17 triệu USD tại cấp Trung ương và 6 địa phương: Kon Tum, Gia Lai, Điện Biên, Lào Cai, Đồng Tháp và Đà Nẵng.
Ảnh minh họa. Nguồn internet |
Các kết quả chính mà Dự án sẽ mang lại đó là: Xây dựng và thực thi các chính sách pháp luật, chương trình nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam và tăng cường công tác điều phối, theo dõi, giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật, chương trình này; đổi mới các biện pháp an sinh xã hội góp phần giải quyết vấn đề nghèo đa chiều và dễ bị tổn thương ở trẻ em Việt Nam; xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống bảo vệ trẻ em bao gồm hệ thống và các dịch vụ công tác xã hội cho trẻ em; phát triển và cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em và các dịch vụ tư pháp thân thiện với trẻ em; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức nhằm thay đổi các tập quán văn hóa xã hội, những thứ đang là rào cản cho sự phát triển của trẻ em, ảnh hưởng đến các điều kiện để thực hiện quyền trẻ em. Dự án coi trọng việc hỗ trợ đối tượng trẻ em ở địa bàn cơ sở.
Tại Hội thảo “Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và xây dựng kế hoạch năm 2019 Dự án Thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam” diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà đánh ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Ban quản lý Dự án; các bộ, ngành, các địa phương và đặc biệt là sự hỗ trợ, hợp tác tích cực của UNICEF tại Việt Nam cùng các đơn vị đồng thực hiện đã tích cực, chủ động triển khai hoạt động bám sát các mục tiêu của văn kiện dự án.
Chính vì vậy, mặc dù mới được triển khai trong thời gian 5 tháng nhưng tỷ lệ giải ngân đạt 80% (trong đó có 4/6 mục tiêu đạt 100%). Nhờ đó, đã góp phần trong việc bảo đảm phúc lợi xã hội, cải cách pháp luật, chính sách, vì sự phát triển toàn diện của trẻ em và bảo đảm quyền của trẻ em Việt Nam ngày càng tốt hơn.
Thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà giao Cục Trẻ em quan tâm các vấn đề thực trạng hiện nay, kiểm tra thông tin, xây dựng đề xuất hướng giải pháp với Bộ, Chính phủ; đồng thời đề nghị Ban quản lý dự án và các đối tác cùng thực hiện Dự án quan tâm 5 nội dung chính.
Thứ nhất, nâng cao năng lực trong việc xây dựng, theo dõi và giám sát thực hiện pháp luật, chính sách và các chương trình liên quan đến quyền trẻ em, nhất là việc triển khai Luật Trẻ em, các văn bản hướng dẫn Luật.
Thứ hai, tăng cường triển khai các biện pháp an sinh xã hội nhằm giải quyết vấn đề nghèo đa chiều và trẻ em dễ bị tổn thương; tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý, chính sách, tài liệu để hệ thống bảo vệ trẻ em vận hành tốt hơn, trong đó có dịch vụ tư pháp thân thiện với trẻ em và thúc đẩy phát triển nghề công tác xã hội; nghiên cứu xây dựng Luật công tác xã hội.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức; xây dựng Chiến lược truyền thông quốc gia về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và tăng cường sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em hoặc có liên quan đến trẻ em.
Thứ năm, hoàn thiện Đề án nâng cao năng lực, đào tạo cán bộ làm công tác trẻ em ở cơ sở, trong đó giao cho Cục Trẻ em làm đầu mối, bố trí một phần ngân sách hỗ trợ của nhà nước để thực hiện đào tạo cán bộ của Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội bảo vệ quyền trẻ em và các tổ chức có liên quan.
Nguồn: Nhật Thy/Tiengchuong.vn