Gia đình xã hội

Người dân cần thực sự hiểu về bảo hiểm tiền gửi

14:47, 20/11/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Nếu tổ chức tín dụng (TCTD) lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản thì quyền lợi người gửi tiền sẽ được bảo đảm thế nào? Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã phỏng vấn PGS. TS. Nguyễn Thị Mùi- Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia liên quan tới vấn đề này.

Bà đánh giá như thế nào về vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) tại Việt Nam?

PGS. TS Nguyễn Thị Mùi: Tại Việt Nam, tổ chức BHTG có vai trò rất quan trọng đối với sự ổn định phát triển kinh tế-xã hội, góp phần bảo vệ người gửi tiền, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh cho hoạt động ngân hàng và xử lý khủng hoảng tài chính.

Ở nước ta, trước đây, chính sách BHTG chủ yếu được thể hiện tại các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và bộ, ngành. Sau khi Luật BHTG ra đời năm 2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013, vai trò của chính sách BHTG đã được nâng lên một bước.

Bên cạnh việc kế thừa các quy định phù hợp trước đây, chính sách BHTG đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, thể hiện tính đặc thù của hệ thống ngân hàng Việt Nam, bảo đảm phù hợp điều kiện kinh tế-xã hội ở nước ta, đặc biệt là các điều kiện về sự phát triển của thị trường tiền tệ, thị trường vốn, sự phát triển của hệ thống ngân hàng, mức độ hiểu biết, thói quen tiết kiệm của người dân.

Với các quy định cụ thể về chủ thể được BHTG và tiền gửi được bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của người được BHTG, hạn mức chi trả BHTG, thời điểm chi trả tiền bảo hiểm phù hợp… đã thể hiện cam kết của Nhà nước trong việc bảo đảm an toàn đối với tiền gửi của người gửi tiền trong hạn mức BHTG khi tổ chức tham gia BHTG mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản, hướng tới mục tiêu bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

Có thể nói, ngoài vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG, chính sách BHTG còn có 1 khía cạnh nữa, đó là tạo điều kiện cho hoạt động của nền kinh tế cũng như các TCTD được ổn định; qua đó góp phần tích cực vào việc duy trì an ninh, trật tự xã hội. Đó là một vai trò rất cơ bản của BHTG Việt Nam.

Ở các quốc gia khác trên thế giới, vai trò của tổ chức BHTG có giống ở Việt Nam không, thưa bà?

PGS. TS. Nguyễn Thị Mùi: Hoạt động BHTG ở các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng. Trước hết, nó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại TCTD, ngân hàng, đồng thời, góp phần duy trì và nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, BHTG cũng góp phần giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng, góp phần duy trì sự an toàn, ổn định của hệ thống tài chính quốc gia, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức tín dụng tạo điều kiện phát triển trong lĩnh vực tài chính.

Chính vì vậy, vai trò của tổ chức BHTG ở các nước sẽ là giống nhau và Việt Nam cũng không phải một ngoại lệ. Nếu có khác thì sẽ ở mức độ, phạm vi và mô hình hoạt động. Còn một vai trò vô cùng cơ bản- đó là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và sự an toàn, lành mạnh của các tổ chức tham gia BHTG thì dù trên thế giới hay ở Việt Nam thì cũng sẽ giống nhau.

Chính phủ và NHNN đang quyết liệt tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu. Trong bối cảnh đó, theo bà, BHTG Việt Nam đã thể hiện vai trò của mình như thế nào?

PGS. TS. Nguyễn Thị Mùi: Trong thời gian qua, gắn với quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD, BHTG Việt Nam cũng từng bước phát huy vai trò của mình và điều thể hiện rõ rệt nhất đó là chi trả đầy đủ, kịp thời cho hàng nghìn người gửi tiền tại các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) bị đổ vỡ; ngăn ngừa phạm vi ảnh hưởng xấu của các quỹ này đến hệ thống các QTDND đang hoạt động lành mạnh.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TCTD đã trao cho BHTG Việt Nam trách nhiệm lớn hơn nhằm tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD, cụ thể: Cho vay đặc biệt, mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ, đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt, xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt trình NHNN xem xét…, qua đó chứng tỏ vai trò ngày càng lớn của tổ chức BHTG tại Việt Nam.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, vai trò của BHTG Việt Nam mới thể hiện được ở trong một phạm vi nhất định. Cụ thể, nhiều người gửi tiền chưa thực sự quan tâm và có nhận thức đúng đắn về chính sách BHTG, bởi vì họ nghĩ rằng đằng sau có Nhà nước và nếu xảy ra đổ vỡ TCTD thì sẽ có Nhà nước đứng ra xử lý.

Nhưng tôi tin, tới đây trong điều kiện nền kinh tế thực sự chuyển mình sang kinh tế thị trường một cách đích thực hơn, tổ chức BHTG sẽ phát huy được vai trò, chức năng theo đúng quy định tại Luật BHTG.

Mặc dù tổ chức BHTG đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên người dân lại chưa thực sự quan tâm đến chính sách này. Vậy, bà đánh giá thế nào về sự cần thiết của việc tuyên truyền chính sách BHTG?

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi: Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người dân chưa thực sự quan tâm nhiều đến chính sách BHTG.

Thứ nhất, từ phía BHTG Việt Nam thì công tác truyền thông vẫn có những hạn chế nhất định, dẫn đến việc người dân chưa có nhận thức đúng đắn về vai trò của tổ chức này.

Thứ hai, từ khía cạnh cơ quan quản lý Nhà nước, xuất phát từ quan niệm “trong mọi trường hợp phải bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và không để xảy ra đổ vỡ”. Khía cạnh này đôi khi dẫn đến việc người dân không quan tâm và tìm hiểu thích đáng vấn đề này.

Tôi cho rằng, người dân thực sự rất cần tìm hiểu về vai trò của tổ chức BHTG trong nền kinh tế, vì một khi người dân hiểu và có kiến thức, biết được vai trò quan trọng của tổ chức BHTG đối với quyền lợi của mình thì sẽ có lợi không chỉ cho người dân, mà còn có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng.

Việc có hiểu biết đầy đủ, chính xác về chính sách BHTG sẽ giúp người gửi tiền có trách nhiệm khi lựa chọn và gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG. Trường hợp có một số TCTD dùng biện pháp cạnh tranh bằng lãi suất cao để lôi kéo khách hàng gửi tiền thì sẽ được hạn chế.

Trong nền kinh tế thị trường, lãi suất cao thường đi đôi với rủi ro lớn. Luật các TCTD năm 2017 đã mở ra hướng cho phép các TCTD phá sản khiến người dân cũng sẽ cân nhắc khi lựa chọn ngân hàng để gửi tiền. Bên cạnh đó, điều này cũng buộc BHTG Việt Nam phải có trách nhiệm với người dân khi TCTD đổ vỡ và tương tự, TCTD nhận tiền gửi của người dân cũng cần có trách nhiệm với đồng tiền người dân gửi vào.

Do đó, việc người dân có kiến thức về vai trò của tổ chức BHTG, cung cấp thông tin cho tổ chức BHTG thì sẽ giúp tổ chức BHTG giám sát các TCTD, giúp các tổ chức này hoạt động lành mạnh, bền vững hơn.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn: Quốc Thanh/Chinhphu.vn

Các tin khác