Gia đình xã hội

Cẩn thận dị vật từ rây lưới thép

14:53, 29/11/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Bệnh viện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) vừa tiếp nhận một trường hợp nuốt phải đoạn thép gãy từ rây lưới thép. Người nuốt phải lại là bà một đứa trẻ. Trước đó, bệnh nhân có ăn phần cháo thừa sau khi cho trẻ ăn. Cháo được nghiền từ rây lưới thép.

Đoạn dây thép găm ở thực quản bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang.
Đoạn dây thép găm ở thực quản bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang.

Sau khi ăn, bệnh nhân thấy đau vướng ở cổ họng nên đi khám. Bệnh nhân được chụp X-quang, phát hiện dị vật cản quang ngang đốt sống cổ thứ 6. Sau đó, bệnh nhân đã được nội soi thực quản kiểm tra và gắp ra một đoạn dây thép dài khoảng 4cm găm ở đoạn giữa thực quản. Nếu không được gắp ra kịp thời, đoạn thép này có thể làm thủng đường tiêu hóa dẫn đến những hậu quả khó lường.  Dị vật nguy hiểm nói trên được xác định là rơi ra từ rây lưới thép, bị lẫn vào cháo trong quá trình chế biến.

Khoảng cuối tháng 8-2018, khoa Tai Mũi Họng của Bệnh viện Sản-Nhi Nghệ An có tiếp nhận một bệnh nhi khá đặc biệt. Cháu bé 11 tháng tuổi được mẹ cho ăn cháo lươn vào buổi sáng, đang ăn thì bỗng nhiên cháu bỏ ăn, quấy khóc và nôn ra cháo, lẫn một ít máu tươi. Nghi ngờ cháu bị hóc xương nên gia đình đã ngay lập tức đưa cháu đến bệnh viện. Tại đây, bé trai đã được các bác sĩ khám họng và gắp ra dị vật không phải là xương mà là một sợi kim loại mảnh nhưng rất cứng và nhọn 2 đầu, dài gần 2cm. Sợi kim loại này đang cắm sâu vào vùng hạ họng (bằng 1/3 chiều dài dị vật). May mắn là dị vật chưa xuống sâu hơn nên tính mạng em bé không gặp nguy hiểm.

Từ trước đến nay, rây lọc vốn là một dụng cụ thường được dùng rất nhiều trong các gia đình có trẻ nhỏ khi chế biến thức ăn, nhằm nghiền nhỏ cơm, cháo, các loại thịt cá, rau củ hay loại bỏ xương cá, gà, lợn... có trong cháo. Thế nhưng trong trường hợp này, nó lại biến thành thứ gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. Vậy nên các bậc phụ huynh, bảo mẫu trong quá trình chăm sóc con cháu mình phải hết sức cẩn thận. Nếu gia đình nghi ngờ các cháu bị hóc thì nên đưa đến các cơ sở y tế ngay, không nên tự chữa bằng mẹo vì có thể sẽ nguy hiểm hơn cho các cháu và gây thêm khó khăn cho các bác sĩ trong quá trình thăm khám, xử lý sau đó.

Ngoài ra, một tai nạn hóc dị vật khác cũng có thể gặp phải trong quá trình chế biến thức ăn không những cho trẻ mà cho cả gia đình là từ miếng chùi xoong nồi bằng kim loại. Bởi miếng chùi nồi dạng sợi kim loại khi đã cũ sẽ rất dễ bị đứt gãy dính vào quai nồi, nếu bất cẩn sẽ rơi vào thức ăn. Khi ăn phải, sợi kim loại sẽ len lỏi bám vào thành ruột gây tắc ruột, thậm chí có thể gây viêm ruột, rách ruột và những tổn thương khác. Thế nên, khi sử dụng các miếng chùi xoong, nồi làm từ kim loại, mọi người cần hết sức thận trọng rửa sạch, kiểm tra kỹ. Khi miếng chùi đã cũ, nên kịp thời thay miếng khác.

Làm nhuyễn thức ăn bằng rây lưới sắt.
Làm nhuyễn thức ăn bằng rây lưới sắt.

Các bậc cha mẹ khi cho con trẻ ăn thức ăn được nghiền từ rây lưới thép cần phải tuyệt đối cẩn thận trong quá trình chế biến đồ ăn dặm và cho trẻ ăn để hạn chế nguy cơ bị hóc, nên vứt đi các dụng cụ đã cũ, hỏng và thay thế bằng các vật đảm bảo an toàn, trước khi sử dụng rây lọc bột, cháo cho bé, phụ huynh nên có các bước làm vệ sinh, kiểm tra chất lượng, phát hiện và loại bỏ rây rách, thủng. Khi chọn mua rây lọc, nên lựa chọn loại chất lượng tốt, không han gỉ, dễ làm sạch. Khi cho trẻ ăn nên đút từng miếng nhỏ để có thể phát hiện, loại bỏ kịp thời những dị vật lẫn trong thức ăn…

 

Nguồn: Thanh Hoa/Báo Công an TP Đà Nẵng

Các tin khác